Giao Thịnh (Nam Định) Mở Rộng Diện Tích Nuôi Thuỷ, Hải Sản

Những năm trước đây, thu nhập của người dân xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định) chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, ngoài trồng lúa, xã còn một số diện tích trồng cói, trồng màu. Vì vậy, đời sống người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng ủy, UBND xã Giao Thịnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp khu vực ven sông Sò sang nuôi thủy sản với các con nuôi chủ lực là tôm, cá truyền thống.
Được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời xây dựng Đề án quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đã hình thành 4 vùng sản xuất chuyên canh, gồm: vùng trồng cây vụ đông, vùng trồng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, vùng trồng lúa có năng suất cao, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 719,97ha, trong đó diện tích trồng lúa 525,98ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 95ha, còn lại là diện tích đất trồng màu.
Để khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển nuôi thuỷ sản, xã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng cho từng vùng canh tác với thiết kế mặt đường rộng 3-3,5m, bảo đảm thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá của các trang trại.
Được xã tạo điều kiện, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng quy hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao... Trong giai đoạn 2007-2010, xã đã chuyển đổi được 30ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở xóm 5, xóm 6 thành vùng nuôi thủy sản tập trung, nâng tổng diện tích nuôi thủy sản toàn xã lên 62,3ha.
Tại vùng chuyển đổi, các hộ nông dân đã tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng, các loại cá truyền thống như: cá vược, cá rô đầu vuông kết hợp với nuôi lợn, gà và trồng cây cảnh hoặc rau màu ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Hiển, xóm 9, với diện tích nuôi 5ha đã tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng.
Vụ tôm năm 2013, trang trại của anh đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngọt hóa áp dụng thử nghiệm thành công tại ao nuôi của anh Đỗ Văn Khương cũng là một “điểm đến” của nhiều hộ nuôi tôm trong vùng. Bình quân mỗi vụ, anh Khương thả nuôi 1,5-2 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích ao nuôi rộng 3ha.
Theo anh Khương, nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt có hiệu quả hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng nước mặn. Ngoài ra trên vùng nước ngọt, tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu thế hơn như thời gian nuôi ngắn, lại không tốn nhiều thức ăn; tôm ít nhiễm dịch bệnh hơn. Hiện mô hình đang được nhiều hộ nông dân trong vùng áp dụng.
Từ mô hình nuôi thử nghiệm đầu tiên, đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân áp dụng với diện tích nuôi lên tới 60ha. Đây là mô hình nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu khi hiện nay, nhiều vùng nuôi nước ngọt bị mặn xâm nhập.
Đồng chí Phan Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh cho biết, cùng với việc thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, toàn xã đã hình thành 35 trang trại, gia trại chăn nuôi và nuôi thuỷ sản; trong đó các hộ nông dân đã chuyển đổi được 90ha ruộng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản, cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển sản xuất, chăn nuôi, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội CCB xã đứng ra tín chấp vay trên 12 tỷ đồng vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH cho hội viên vay phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình kết hợp lúa - cá là giải pháp bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đa phần được bà con nuôi dưới hình thức quảng canh, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất yếu và thiếu, con giống, đầu ra sản phẩm còn nhiều bất cập…

Theo báo cáo của các địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 21.000ha, gây tổn thất lớn về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước; người nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, chống, trị bệnh cho tôm dẫn đến một số nước đã ngừng hoặc cảnh báo tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014.

Ngày 3-9, Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất trang trại nuôi heo Tuyết An tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).

Anh Dư Văn Hai – chủ trang trại chăn nuôi dúi, xã Minh Quang (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) không chỉ được người dân địa phương biết đến mà nhiều nhà hàng lớn ở Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ... biết tiếng. Với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con, trang trại của anh Hai được Hội Các ngành sinh học Việt Nam (Bộ Công thương) và Bộ NN&PTNT nhiều lần tới tham quan.