Giảm 50% Thiệt Hại Về Tôm So Với 2014

Đây là mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra trong năm 2015 cho các sản phẩm tôm nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo ATVSTP và không có tồn dư kháng sinh.
Năm 2014, ngành nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 685.000 ha (tăng 4,4% so với năm 2013), sản lượng ước đạt 660.000 tấn (tăng hơn 20% so với năm 2013).
So với năm 2013, sản lượng nuôi tôm nước lợ tăng thêm 120.000 tấn, chủ yếu do sản lượng tôm chân trắng tăng (hơn 100.000 tấn, tương đương 42,9%).
Để tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm và giảm thiểu tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản với mục tiêu trong năm 2015 sẽ tập trung phòng, chống bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên nuôi tôm nước lợ.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã giao cho Cục Thú y chủ trì phối hợp với Tổng cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Sóc Trăng thành lập tổ công tác để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi tôm nước lợ.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.
Mục tiêu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại giảm ít nhất 50% so với năm 2014, sản phẩm tôm nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo ATVSTP và không có tồn dư kháng sinh.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu thành lập các tổ công tác của địa phương để chủ động phối hợp với tổ công tác của Cục Thú y đến từng xã, vùng nuôi tôm trọng điểm và thường xuyên có dịch bệnh để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Dự kiến, tổ công tác của Cục Thú y sẽ đến phối hợp và hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng triển khai các biện pháp phòng chống từ ngày 10/1 đến hết ngày 31/7.
Mặt khác, về công tác chuyên môn, Bộ NN&PTNT yêu cầu cán bộ địa phương, cơ sở rà soát, siết chặt các số liệu thống kê về diện tích thả nuôi, diện tích bị thiệt hại, đồng thời lấy mẫu giám sát và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với việc buôn bán, chất lượng tôm giống thả nuôi, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, địa phương cần tiến hành thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong phòng trị bệnh và chỉ sử dụng thuốc thú y, hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đặc biệt, ngừng sử dụng các thuốc, hóa chất này trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư hóa chất trong sản phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó chú ý loại thuốc thú y đã bị các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 12/6, UBND tỉnh Quảng Bình và Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu về hợp tác và phát triển tàu cá vỏ thép cho ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu lên nghịch lý của ngành điều VN từ nhiều năm nay: Mặc dù ngành công nghiệp chế biến điều VN đã tạo được đột phá, xếp hàng thứ hai thế giới sau Ấn Độ; xếp hàng đầu thế giới về XK nhân điều (từ năm 2006-2013); nhưng những năm gần đây, diện tích điều lại liên tục giảm sút, nhiều nơi nông dân chặt bỏ điều để trồng cây khác.

Nhà máy phá sản. Giám đốc đi tù. Bản thân thất nghiệp. Những tưởng ngõ cụt đã cận kề lại mở ra cho anh một con đường mới: sưu tầm những loại lan đón khách, tiễn khách cổ truyền của đất Bắc xưa.

Từ năm 2012 đến nay, An Giang đều tổ chức thả cá về thiên nhiên, số lượng ngày càng tăng về loài, trong đó có một số loại cá quý hiếm. Việc làm này nhằm kêu gọi cộng đồng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trong thiên nhiên, nhất là những loài cá trước đây nổi tiếng vì thịt ngon, số lượng nhiều, nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng cát pha ven biển và đất nhiễm mặn, thời gian gần đây, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã hướng cho nhân dân các xã Nga Thanh, Nga Thái, Nga Liên, Nga An trồng hồng xiêm Lái Cấm và bưởi Diễn. Các mô hình được phát triển đại trà trên đất ruộng nhiễm mặn kém hiệu quả, chân đất màu không chủ động được nước tưới và xen canh trong các khu dân cư, cho thu hoạch từ 250 đến 300 triệu đồng/ha.