Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại Để Phát Triển Thủy Sản

Phát biểu tại Hội nghị bàn về những giải pháp và chính sách phát triển thủy sản do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 15/4 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định: thủy sản là một trong những mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam, phù hợp với chiến lược biển của Đảng và Nhà nước.
Với trách nhiệm của mình, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan có những giải pháp phù hợp để giải quyết những tranh chấp thương mại, xóa bỏ những rào cản kỹ thuật mà một số nước đã áp đặt lên một số mặt hàng thủy sản có ưu thế của Việt Nam.
Ngay trong năm 2014 này một số nước nhập khẩu thủy sản viện nhiều lý do để đưa ra nhiều biện pháp kỹ thuật kiểm tra gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Như mặt hàng tôm và sản phẩm chế biến từ tôm, Mexico lấy lý do dịch bệnh để tạm ngừng nhập khẩu, còn Nhật bản thì kiểm tra ngặt nghèo chỉ tiêu Oxytetraxylin với mức giới hạn phát hiện (MRL) là 0,2ppm đối với tôm Việt Nam.
Thậm chí nếu tình hình không được cải thiện sẽ tiến đến đình chỉ nhập khẩu. Hay mặt hàng cá da trơn của, Hoa Kỳ là thị trường lớn thì năm 2014 này Luật nông nghiệp 2014 do Tổng thống Mỹ ban hành vẫn duy trì chương trình giám sát cá da trơn và áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa của Việt Nam…
Ở các vụ tranh chấp thương mại, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp đã giải quyết thắng lợi một số vụ. Như cá da trơn, qua vận động, đàm phán, thậm chí đấu tranh… vào ngày 31/3/2014 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải kết luận giảm mức thuế NK đối với cá tra và cá basa của Việt Nam. Tuy chưa nhiều nhưng đây là một nỗ lực lớn của các bộ ngành hữu quan.
Hay với lệnh tạm ngừng nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam của Nga vào tháng 1/2014, Bộ Công Thương đã có những cuộc trao đổi trực tiếp với Đại sứ Nga và đang phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội liên quan để cùng giải quyết…
Đáng kể nhất là mặt hàng tôm xuất khẩu phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ, qua đấu tranh của VN và rà soát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (POR7 giai đoạn 2011- 2012) kết quả là mức thuế đối với DNVN đã đưa xuống mức 0%.
Sau đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ chuyển sang vụ kiện chống trợ cấp (từ đầu năm 2013) nhưng vụ kiện này cũng nhanh chóng bị Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ phủ quyết vì cho rằng, việc trợ cấp này không ảnh hưởng đến ngành tôm nội địa. Đối với lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm của Mexico từ tháng 4/2013 đến nay, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán VN tại nước sở tại và đề xuất các biện pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan giải quyết
Đồng thời để mở rộng thị trường và hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, thời gian qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đưa các nội dung giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật trong quá trình đàm phán các FTA với các đối tác TPP, Liên minh hải quan Nga- Belarus- Kazakxtan, EVFTA, EFTA, RCEP…
Ngoài ra, Bộ trưởng thường xuyên chỉ đạo các thương vụ nước ngoài cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho các Hiệp hội và DNXK VN. Đồng thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài lên các trang thông tin canhbaosom.vn, thị trường nước ngoài (ttnn.com.vn), thông tin thương mại (vinanet.vn), xúc tiến thương mại (vietrade.com.vn)…
Bên cạnh giải quyết các tranh chấp thương mại Bộ Công Thương cũng hỗ trợ ngành thủy sản đẩy mạnh các hoạt động XTTM. Theo số liệu của Bộ Công Thương trung bình mỗi năm Bộ nhận được khoảng 300 đề án trong đó khá nhiều đề án về nhóm ngành nông, thủy sản với tổng kinh phí ước 400 tỷ đồng.
Trong đó năm 2013 kinh phí XTTM quốc gia đã phê duyệt 4 đề án về thủy sản là 7,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ các DN xuất khẩu thủy sản tham gia nhiều hội chợ triễn lãm ở nước ngoài như Hội chợ thủy sản quốc tế Boston, HC thủy sản Châu Âu, Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Nga… Năm 2014 này Hiệp hội Thủy sản VN được BCT phê duyệt 2 đề án với tổng kinh phí 4,95 tỉ đồng…
Chính từ giải quyết tốt những tranh chấp thương mại và đẩy mạnh hoạt động XTTM, năm 2013 dù ngành thủy sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với nhiều vụ kiện, tranh chấp thương mại nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 6,7 tỷ USD, vượt mức dự báo là 6,5 tỷ USD. Năm 2014, này dự kiến sẽ tăng từ 2,5- 3,5%, ước đạt từ 6,9- 7 tỷ USD. Trong đó quí 1 năm nay, im ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 1,74 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là những thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật bản… vẫn đạt mức tăng trưởng cao kể cả sản lượng và giá trị…
Có thể bạn quan tâm

Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.