Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải pháp nào cho vụ hè thu?

Giải pháp nào cho vụ hè thu?
Ngày đăng: 24/07/2015

Liên tục khó khăn

Trên vùng đất phèn Tân Tuyến (Tri Tôn - An Giang), nông dân Nguyễn Thành An (thường gọi hai Tân), là người rất thành công với cây lúa Nhật. Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật xã Tân Tuyến do ông làm Tổ trưởng hiện đã thu hút được 18 thành viên với diện tích liên kết lên đến 500 héc-ta. So với nông dân sản xuất lúa hàng hóa bên ngoài, những người trồng lúa Nhật cầm chắc lợi nhuận cao hơn, bởi đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, thỏa thuận giá bán từ đầu vụ. Tuy nhiên, khi nhắc đến vụ lúa hè thu, nông dân hiện canh tác 1.000 công đất này vẫn tỏ ra ngán ngẫm. “Dù đã có chủ trương sản xuất 3 năm 8 vụ ở các vùng đê bao nhưng do nông dân chưa đồng thuận, thống nhất nên nhiều vùng vẫn canh tác liên tục. Theo tôi, cần phải quyết liệt thực hiện 3 năm 8 vụ hoặc 4 năm 11 vụ để ít nhất phải xả lũ vào ruộng, cho đất được nghỉ ngơi một lần sau 3 – 4 năm canh tác” – hai Tân đề nghị.

Nếu chỉ tính đơn thuần về lợi nhuận, việc hợp tác trồng lúa Nhật vụ hè thu vẫn có lời nhưng thiệt hại về lâu dài. “Chi phí sản xuất vụ đông xuân khoảng 3.000 – 3.500 đồng/kg nhưng vụ hè thu thì đội lên 3.500 – 4.000 đồng/kg. Do đất canh tác liên tục nên độ màu mỡ giảm nhiều, muốn trồng lúa đạt năng suất phải sạ phân, xịt thuốc nhiều hơn. Nếu như 10 năm trước, mỗi công tầm cắt (gần 1.300m2) lúa thường chỉ rải tối đa 50kg phân thì nay tăng lên hơn 70kg, riêng đối với lúa Nhật phải tăng lên từ 110 kg/công. Nếu rải thiếu phân, nhìn cây lúa èo uột thấy rõ” - chú hai Tân chia sẻ.

Chi phí đội lên gần 4.000 đồng/kg trong vụ hè thu, đối với những nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật xã Tân Tuyến còn có ăn bởi giá hợp đồng thu mua hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg (lúa tươi) nhưng với nông dân tự canh tác thông thường, giá lúa hàng hóa hiện nay từ 4.200 đồng/kg (giống IR50404) đến 4.600 đồng/kg (giống hạt dài), lợi nhuận rất hẩm hiu. “Vụ đông xuân còn canh tác được 1 tấn/công tầm cắt nhưng vụ hè thu làm giỏi lắm cũng chỉ 800 kg/công. Bỏ công suốt 3 tháng ròng, mỗi kg lúa chỉ lời có 300 – 400 đồng, 1 công đất lời chưa tới 300.000 đồng thì sao sống nổi. Đối với người thuê đất hơn 1 triệu đồng/công càng lỗ nặng” – nông dân Trần Văn Minh, xã Phú Thuận (Thoại Sơn), than.

Phải quyết liệt chuyển đổi

Được mệnh danh là “vua lúa” ở vùng kinh tế mới Lương An Trà (Tri Tôn) nhưng nông dân Nguyễn Lợi Đức (sáu Đức) cũng không ủng hộ vụ lúa hè thu. “Lúc trước còn có khái niệm “mùa giáp hạt” bởi lúa được sản xuất theo thời vụ, sản lượng không nhiều nhưng bây giờ thì quanh năm đều có thu hoạch lúa. Nông dân cứ lo “đâm đầu xuống đất” trồng lúa trong khi xuất khẩu lúa của Việt Nam gặp khó khăn, bị cạnh tranh ngay cả ở những nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar… Giá lúa thấp mà sản xuất càng nhiều thì càng khó bán” – sáu Đức phân tích.

Bên cạnh sản xuất dư thừa, vấn đề sâu bệnh, dịch hại được dịp tấn công khi sản xuất liên tục cũng là mối lo của nông dân. “Vụ hè thu này, diện tích lúa giống bị chuột, ốc bưu vàng cắn phá hơn 30 héc-ta, tôi phải thuê cấy giặm trên 100 triệu đồng. Riêng thuốc ốc phải thực hiện 3 – 4 đợt, chi phí 20.000 – 30.000 đồng/công nhưng vẫn không diệt hết. Cứ cái đà sản xuất này thì chính việc thuốc ốc của nông dân sẽ càng giết hại những loài sinh vật khác” – sáu Đức lo lắng.

Câu chuyện sản xuất vụ lúa hè thu khó khăn đã được đề cập cả chục năm nay nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Nhiều nhà khoa học đề nghị phải chuyển vụ lúa hè thu sang các loại hoa màu khác hoặc nếu sản xuất vụ hè thu thì bỏ vụ thu đông để xả lũ tự nhiên, lấy lại phù sa cho đất và cắt đứt mầm bệnh. Tuy nhiên, bao năm qua, vụ hè thu vẫn cứ toàn lúa là lúa và vụ thu đông cũng rất ít nơi dừng sản xuất để xả lũ. “Nhà nước nên xác định một số loại cây trồng có nhu cầu tiêu thụ lớn để định hướng nông dân trồng thay cho cây lúa hè thu, có hợp đồng với doanh nghiệp, nhà máy chế biến thu mua. Tôi nghĩ một số loại cây có thể phù hợp hiện nay là bắp, mè, đậu nành… Bắp và đậu nành là nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Nếu Nhà nước hỗ trợ đầu tư công nghệ để tăng năng suất, chất lượng thì mình sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hạn chế nhập khẩu. Còn mè và một số loại đậu khác có thời gian bảo quản lâu, nhu cầu thị trường và xuất khẩu cũng lớn” - chú hai Tân đề xuất.

“Chuyên gia” trồng lúa Nhật còn cho rằng, khi trồng xen hoa màu vô vụ hè thu, vừa giúp cải tạo đất, cắt đứt mầm bệnh mà còn hạn chế được sản xuất lúa dư thừa, tràn lan như hiện nay. Khi đó, chỉ cần sản xuất từ 1 – 2 vụ lúa/năm nhưng đầu tư giống chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu giá cao hơn. Có như vậy, nông dân mới yên tâm sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Để vụ lúa thành công trên đất tôm Để vụ lúa thành công trên đất tôm

Năm 2014, vụ lúa trên đất nuôi tôm của người dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau tuy không được như mong đợi, nhưng tính hiệu quả bền vững của mô hình sản xuất kết hợp này nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế trong lòng người dân ở những vùng chuyển dịch. Chính vì thế, năm 2015, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì và phát triển vụ lúa - tôm.

18/08/2015
Hỗ trợ HTX sầu riêng Ngũ Hiệp tiêu thụ tốt nông sản hàng hóa Hỗ trợ HTX sầu riêng Ngũ Hiệp tiêu thụ tốt nông sản hàng hóa

Nhằm giải quyết tốt đầu ra ổn định cho các nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương, Tiền Giang đang triển khai dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại HTX sầu riêng Ngũ Hiệp. Tổng kinh phí dự án trên 170 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX hơn 92 triệu đồng. Thời gian triển khai dự án từ tháng 8 - 12/2015.

18/08/2015
Sầu riêng nhúng thuốc sự thật và nỗi oan Sầu riêng nhúng thuốc sự thật và nỗi oan

Sau một thời gian thông tin trái cây bị nhúng hóa chất cho mau chín và bảo quản được lâu tạm lắng xuống thì những ngày qua trên mạng xã hội, một loạt hình ảnh chụp cận cảnh trái sầu riêng ngâm trong thùng hóa chất màu vàng được share (chia sẻ) với tốc độ chóng mặt. Những hình ảnh này cùng với lời cảnh báo các công ty xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đang sử dụng một loại hóa chất độc hại để làm chín các loại trái như sầu riêng, mít, chuối, xoài, táo… khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng.

18/08/2015
Hội thảo ứng dụng chế phẩm sinh học trên cây nho Hội thảo ứng dụng chế phẩm sinh học trên cây nho

Ngày 13-8, tại xã Nhơn Sơn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học SRE&RL phòng, chống nấm mốc trên Nho giai đoạn trước và sau thu hoạch. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học& Công nghệ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các nhóm liên kết trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

18/08/2015
Cao Phong (Hòa Bình) phát triển cam VietGAP hướng ra thị trường lớn Cao Phong (Hòa Bình) phát triển cam VietGAP hướng ra thị trường lớn

Trong hành trình xây dựng Cam Cao Phong trở thành một thương hiệu có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn, chứng nhận VietGAP được coi là cột mốc quan trọng giúp nâng tầm giá trị của thương hiệu Cam Cao Phong. Đến thời điểm này, trong hàng nghìn ha cam đang được canh tác hiệu quả trên đất Cao Phong mới chỉ có gần 50 ha được chứng nhận VietGAP.

18/08/2015