Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Nào Cho Ngô Đông Chín Muộn?

Giải Pháp Nào Cho Ngô Đông Chín Muộn?
Ngày đăng: 21/03/2014

Đối với bà con nông dân, ngô vụ đông góp phần làm dồi dào thêm nguồn nông sản để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, ngô vụ đông chín muộn, năng suất, sản lượng thấp đang khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn...

Thời điểm này, nhiều diện tích ngô đông trên vùng bãi Làng Rào, xóm 11, Tân Hương, Tân Kỳ (Nghệ An) bắt đầu chín. Bà con nông dân không vui vì vụ ngô này đã kéo dài hơn 1 tháng so với kỳ thu hoạch.

Nhiều diện tích ngô khá xanh tốt, bông to chín song hạt bị khô, hư thối. Nhiều diện tích ngô vàng cằn, bông nhỏ, hạt lép. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc (xóm 11, Tân Hương) than thở: Nhà tôi có 6 sào ngô, đầu vụ phải gieo đi gieo lại 3 lần mới đạt. Kể cả giống ngô cũng tốn hơn các vụ đông trước 1 kg giống.

Do ảnh hưởng của thời tiết, giai đoạn ngô mới gieo thời tiết hanh khô. Đến giai đoạn ngô trổ bông lại gặp rét và mưa kéo dài nên khả năng sinh trưởng và tạo hạt của cây ngô kém. Đến nay, ngô phát triển gần 5 tháng (thường thì 4 tháng là có thu hoạch) vẫn chưa thu hoạch được vì chưa chín đều”.

Vụ đông này, toàn huyện Tân Kỳ cơ cấu 1.300 ha ngô đông, chủ yếu là giống ngô lai C919. Thông thường khoảng 20/3 là bà con thu hoạch ngô đông nhưng năm nay huyện chỉ đạo đến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới thu hoạch. Dự ước, năng suất bình quân ngô vụ đông toàn huyện năm nay chỉ đạt 2 - 2,2 tạ/sào (các năm trước bình quân đạt 2,7 tạ/sào).

Không những ở Tân Kỳ mà hàng trăm ha ngô đông tại các địa phương có truyền thống làm ngô đông như Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn... đều trong tình trạng chung. Ngô đông phát triển kém, thu hoạch muộn khiến năng suất, chất lượng ngô không cao.

Điều này gây nên nhiều khó khăn cho người nông dân. Chị Nguyễn Thị Ngọc, xóm 11, Tân Hương (Tân Kỳ) hiện nuôi 6 con trâu, bò, 300 con gà, 20 con lợn. Theo chị thì hàng năm, để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi chị cần khoảng 2-3 tấn ngô khô trong vụ đông. Tuy nhiên vụ đông này, sản lượng ngô nhà chị ước chỉ đạt gần 1 tấn, bằng 80% sản lượng ngô đông năm ngoái. Năm nay, chị sẽ phải mua ngô ngoài thị trường về làm thức ăn để phát triển chăn nuôi.

Vụ ngô đông này, toàn huyện Anh Sơn đạt khoảng 15 ngàn tấn ngô, giảm 2 ngàn tấn so với vụ đông năm trước. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Sơn (Anh Sơn) được biết: Do năng suất, chất lượng ngô không cao bằng các năm trước nên thương lái từ Đô Lương, Yên Thành, kể cả ngoài Bắc về thu mua sản phẩm chỉ đạt 80- 85% giá trị ngô đông các năm trước.

Giá ngô tươi 3 ngàn đồng/kg, ngô khô giá 6 - 7 ngàn đồng/kg. Nhiều gia đình nông dân sống dựa vào thu nhập từ cây ngô cũng mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Đó là chưa kể một sản lượng ngô hư thối phải chấp nhận làm thức ăn tận dụng cho chăn nuôi.

Bên cạnh khó khăn về thu nhập là yếu tố thời vụ. Qua thực tế cho thấy tại một số vùng ngô đông hiện nay chưa thu hoạch sẽ gây nên một số khó khăn trong sản xuất vụ mới. Tại huyện Tân Kỳ, mới chỉ xã Nghĩa Bình triển khai cho bà con thu hoạch ngô đông.

Còn lại toàn bộ diện tích ngô đông phải đợi đến đầu tháng 4 mới thu hoạch, dẫn đến việc triển khai vụ ngô xuân sẽ muộn. Điều này đồng nghĩa với những khó khăn như hạn hán, nhất là yếu tố gió Lào tháng 4, tháng 5 đúng vào giai đoạn ngô trổ cờ phun râu khiến năng suất ngô giảm.

Cùng với công tác chủ động thu hoạch kịp thời, các địa phương đã tích cực chuyển đổi, bố trí cây trồng vụ xuân phù hợp. Xã Lạng Sơn (Anh Sơn) trong vụ xuân này vẫn tiếp tục cơ cấu giống ngô chủ lực là B006, một số diện tích cao cưỡng, dọc Quốc lộ 7B tại xóm 2, xóm 3 sẽ cho bà con trồng vừng thay cho trồng ngô để nâng cao giá trị thu nhập trên đất. Để giúp bà con chủ động trong sản xuất vụ xuân, xã Khai Sơn (Anh Sơn) đã cấp cho bà con 1,2 tấn giống ngô Việt lai 61.

Đây là bộ giống ngô năng suất cao được khảo nghiệm thành công trên địa bàn huyện và được đánh giá phù hợp với vụ xuân. Hay như tại xã Tam Sơn, vùng trọng điểm trồng ngô của huyện Anh Sơn, vùng chặt bán ngô non bà con gieo trỉa trước còn vùng thu hoạch ngô khô gieo trỉa sau.

Hiện ngô xuân tại xã này đã phát triển lá mầm đang được nông dân chăm sóc. Tại huyện Đô Lương, hiện nay bà con nông dân đã chủ động thu hoạch ngô đông, riêng các xã Ngọc - Lam - Bồi, Nam - Bắc - Đặng đã hoàn thành thu hoạch. Ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Việc thu hoạch ngô đông muộn hơn mọi năm đang đặt ra nhiều khó khăn cho bà con.

Đặc biệt, vụ xuân hè năm nay vào thời kỳ sinh trưởng của cây trồng sẽ không tránh khỏi gió lào. Bởi vậy huyện bố trí cơ cấu các giống ngô ngắn ngày như các giống ngô nếp, vừng trên các chân đất trồng ngô cao cưỡng. Một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang vụ xuân hè sẽ bố trí trồng lạc có che phủ nilon để tránh nắng nóng. Hiện nay toàn huyện đã cơ cấu khép kín trên 800 ha lạc xuân hè.

Để chạy đua cùng thời vụ, nhiều địa phương đã chủ động thu hoạch ngô non bán cho Nhà máy sữa Nghĩa Đàn với giá 600 - 800 ngàn đồng/tấn ngô cây. Việc bán ngô non đang được nhiều địa phương ủng hộ vì vừa giải quyết được vấn đề thời vụ, vừa có hiệu quả kinh tế.

Theo phân tích của ông Phùng Bá Tiên - xóm 4, xã Khai Sơn (Anh Sơn): Gia đình ông thu hoạch gần 1 tấn ngô non bán cho Nhà máy sữa Nghĩa Đàn với giá 800 ngàn đồng/sào, năng suất bình quân ngô tươi đạt 1,7 tấn/sào, tính ra thu nhập đạt 1,2 triệu đồng/sào ngô.

Bán ngô khô thành phẩm may lắm cũng chỉ đạt 1,7- 1,8 tạ/sào, bán ra thị trường với giá 7.000 đồng/kg, thu nhập 1,6 triệu đồng/sào, trừ chi phí còn gần 1 triệu đồng/sào. Như vậy bán ngô non vừa có lợi về kinh tế, giảm bớt công sức thu hoạch, vừa giải quyết vấn đề đảm bảo về thời vụ cho sản xuất vụ xuân hè kế tiếp.

Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho rằng, nếu bán ngô cây non có giá trị cao hoặc ngang bằng ngô khô thì vẫn nên ưu tiên cho bà con tiêu thụ. Đây cũng là giải pháp giải quyết yếu tố thời vụ cho những diện tích ngô đông trên các chân đất thấp trũng, triềng trệch, diện tích ngô khắc phục bão lụt.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc thu mua ngô non trong vụ đông nếu không có kế hoạch dễ gây nên tình trạng thiếu thức ăn cho chăn nuôi. Hay việc Nhà máy sữa Nghĩa Đàn chỉ thu mua ngô non trong vụ đông, trong vụ hè, vụ mùa dân muốn bán ngô non nhà máy lại không mua? Phát triển ngô đông bền vững xem ra vẫn là bài toán khó cần được các cấp, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc.


Có thể bạn quan tâm

Tự Chế Bả Diệt Kiến Hại Thanh Long Tự Chế Bả Diệt Kiến Hại Thanh Long

Trên các hom giống mới trồng, chúng đục khoét làm thối hỏng. Trên các cành non, chồi non, hoa thanh long mới nở chúng cắn, hút để lấy nhựa cây làm cành, hoa bị khô héo dẫn đến giảm năng suất thu hoạch. Trên các quả non, kiến cắn đứt các tai mới nhú

16/07/2012
Kẻ Ném Thuốc Trừ Sâu Xuống Ao Tôm Trả Giá Bằng 5 Năm Tù Kẻ Ném Thuốc Trừ Sâu Xuống Ao Tôm Trả Giá Bằng 5 Năm Tù

Sáng ngày 21-6-2012, Tòa án Nhân dân huyện Cao Lãnh đã mở phiên toà và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Hùng, sinh năm 1979, ngụ ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp 5 năm tù về tội hủy hoại tài sản của người khác.

24/06/2012
Đưa Dưa Hấu Lên Núi Đưa Dưa Hấu Lên Núi

Theo lời của người dân ở chợ Yên Thế: "Trời nắng nóng mà được ăn một miếng dưa hấu của ông Liên thì người sẽ khoẻ khoắn, mát dịu ngay".

04/06/2012
Nông Dân Không Mặn Mà Với Trồng Rau An Toàn Nông Dân Không Mặn Mà Với Trồng Rau An Toàn

Nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng phương thức sản xuất sạch trong nông nghiệp, việc đầu tư và phát triển các vùng rau an toàn luôn là chủ trương lớn của các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai và xây dựng những vùng rau an toàn còn gặp không ít khó khăn.

26/02/2012
Bến Tre Kiểm Tra Việc Tạm Ngưng Thả Tôm Giống Bến Tre Kiểm Tra Việc Tạm Ngưng Thả Tôm Giống

Ngày 15-5-2012, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã đến Ba Tri, Bình Đại kiểm tra việc thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc tạm thời ngưng thả tôm giống do dịch bệnh, chỉ đạo các giải pháp khắc phục. Cùng tham gia với đoàn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND huyện Ba Tri, Bình Đại, các xã có diện tích nuôi tôm trong vùng.

17/05/2012