Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Hoàn Hảo Cho Chăn Nuôi Nông Hộ Ở Việt Nam

Giải Pháp Hoàn Hảo Cho Chăn Nuôi Nông Hộ Ở Việt Nam
Ngày đăng: 17/02/2014

Việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ đến thời điểm này đã đem lại những hiệu quả khác biệt.

Theo Báo cáo đánh giá mới nhất của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ đến thời điểm này đã đem lại những hiệu quả khác biệt. Có thể nói đây là giải pháp hoàn hảo cho chăn nuôi quy mô nông hộ ở Việt Nam.

GAHP là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh “Good Animal Husbandry Practice” có nghĩa là Thực hành sản xuất chăn nuôi tốt. Quy trình GAHP được thực hiện bởi Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (viết tắt là Lifsap) được áp dụng với các nông hộ chăn nuôi lợn và gà.

Đây là điểm khác biệt đối với quy trình VietGAP được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2008 đối với các đối tượng vật nuôi khác nhau chủ yếu được áp dụng ở quy mô cấp trang trại.

Thông qua việc áp dụng quy trình GAHP, các sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu sản xuất như chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn, nước uống, thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng, ghi chép, xuất bán sản phẩm… nhờ đó không những cộng đồng được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi “an toàn” mà các hộ chăn nuôi cũng nâng cao được hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Dự án LIFSAP, đến tháng 10/2013, các mô hình GAHP được triển khai trong 49 Vùng chăn nuôi ưu tiên với hơn 10.000 hộ chăn nuôi tham gia đang đem lại những hiệu quả kỹ thuật rất đáng khích lệ: Tỷ lệ tiêm phòng vacxin đối với các bệnh thông thường tại các Vùng chăn nuôi ưu tiên đạt trên 80%, đối với các hộ GAHP đạt trung bình trên 90%; tỷ lệ lợn, gà mắc bệnh, chết đã bắt đầu giảm mạnh ở lứa nuôi thứ 2 từ 13,7% xuống còn 1,06%. Có thể nói đây là tỷ lệ nuôi sống lý tưởng đối với chăn nuôi ở cấp nông hộ.

Khoảng một thập niên qua, dịch bệnh trong chăn nuôi xuất hiện nhiều hơn, lan rộng và nhanh hơn, như dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng… làm ngành chăn nuôi không ít lần lúng túng, người chăn nuôi lao đao vì bị thiệt hại kinh tế nặng nề, không còn khả năng tái đàn.

Mặc dù công tác tiêm phòng vắc xin là một trong những giải pháp tích cực, chủ động và có hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhưng vẫn chưa được các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để.

Các đợt tiêm phòng tập trung thường đạt tỷ lệ chưa cao, tiêm phòng bổ sung hàng tháng lại càng thấp. Thế nhưng kể từ khi áp dụng quy trình GAHP, tại 49 vùng chăn nuôi ưu tiên chưa xảy ra bất kỳ đợt dịch nào mặc dù trong năm 2011, 2012 tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trên địa bàn 12 tỉnh dự án nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là điểm sáng của dự án, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức của người chăn nuôi ở quy mô nông hộ đã được thay đổi lớn về vấn đề tiêm phòng vacxin và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Không chỉ thế, xét trên góc độ kinh tế, những hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP tiết kiệm về chi phí thức ăn hơn khoảng 3.000 đồng/kg hơi so với những hộ chăn nuôi không GAHP thông qua việc sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, đúng chủng loại, giảm tiêu tốn thức ăn.

Kết quả về tỷ suất lợi nhuận cho thấy hầu hết các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP đều thu được hiệu quả kinh tế lớn hơn 20%, trong khi các hộ ngoài GAHP chỉ thu được hiệu quả kinh tế trung bình khoảng 8%.

Hiện nay, Dự án đã và đang tiếp tục tạo mối liên kết trực tiếp giữa các hộ chăn nuôi với các Tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, liên kết với các Nhà cung cấp dịch vụ đầu vào như giống, thức ăn, thuốc thú y để cung cấp các sản phẩm này với giá tốt nhất không phải qua trung gian, các sàn giao dịch, siêu thị để tiêu thụ các sản phẩm đầu ra thì hiệu quả kinh tế mà các hộ chăn nuôi thu được sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khoảng thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013, đứng trước tình hình lạm phát kinh tế, giá cả sản phẩm chăn nuôi rất bấp bênh, đã có nhiều hộ chăn nuôi quyết định dừng sản xuất nhưng các hộ áp dụng quy trình GAHP vẫn tiếp tục tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi. Những sản phẩm chăn nuôi sạch đầu tiên đã được đưa ra thị trường với hơn 174 triệu kg thịt lợn hơi và gần 43 triệu kg thịt gà.

Ở nước ta hiện nay, một người dân trung bình tiêu thụ khoảng 48 kg thịt/năm, như vậy bước đầu đã có hơn 4,5 triệu người dân đã được sử dụng các sản phẩm thịt lợn, gà sạch từ dự án. Đây là kết quả bước đầu góp phần tham gia vào chuỗi giá trị lâu dài của dự án cũng như chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi trong cả nước.

Một lợi ích nữa mà thông qua việc áp dụng quy trình GAHP các hộ chăn nuôi đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi của mình như hầm biogas, hầm ủ phân compost…góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm khí phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Khí thải tạo ra từ hầm Biogas được sử dụng để đun nấu đã tiết kiệm cho hộ chăn nuôi của dự án trung bình khoảng 3,4 triệu/1 năm.

Như vậy, với quy trình chăn nuôi GAHP nông hộ, khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi được nâng cao thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng lại có được các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đây chính là mục tiêu chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặt ra đối với Ngành Chăn nuôi và Dự án LIFSAP đang quyết tâm góp phần thực hiện các mục tiêu này.


Có thể bạn quan tâm

Niềm Vui Lớn Từ “Ngân Hàng Bò” Niềm Vui Lớn Từ “Ngân Hàng Bò”

“Vui lắm, thế là sau gần 2 năm nhận bò giống, nay đã có bê để luân chuyển, gia đình mình thực sự đã được sở hữu con bò giống của "ngân hàng bò" rồi đấy!”.

08/05/2014
Diện Mạo Mới Ở Các Xã Ven Biển Diện Mạo Mới Ở Các Xã Ven Biển

Không còn những ngôi nhà tranh lụp xụp, chen chúc nhau trong đói nghèo. Các làng biển hôm nay đã thực sự chuyển mình với 1.357 tàu khai thác biển, có tổng công suất 295.400 CV, trong đó tàu tham gia khai thác là 1.183 chiếc và 192 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Có thể nói, những ngư dân xứ biển đang từng bước làm thay da, đổi thịt diện mạo quê hương.

09/08/2014
Làm Nông Thôn Mới Kết Hợp Du Lịch Sinh Thái, Thu Tiền Tỷ Làm Nông Thôn Mới Kết Hợp Du Lịch Sinh Thái, Thu Tiền Tỷ

Ông Huỳnh Văn Huệ - đại diện Tổ cây ăn trái Trung An cho biết hàng năm có khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ mát tại các vườn trong tổ. Doanh thu từ vé và các dịch vụ khác đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.

08/05/2014
Cào Trứng Sò Huyết, Cào Trứng Sò Huyết, "Nghề Lạ" Dễ Sống

Không cần vốn nhiều, dụng cụ đánh bắt rẻ tiền, dễ tiêu thụ sản phẩm, mỗi ngày thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng, nhiều người sống khỏe nhờ nghề này.

08/05/2014
Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Không Nhỏ Trang Trại Nhỏ, Doanh Thu Không Nhỏ

Khu vực chăn nuôi theo mô hình khép kín bằng công nghệ sinh học của Hợp tác xã (HTX) Quý Long, xã Thái Long, TP.Tuyên Quang (Tuyên Quang) chỉ vỏn vẹn 400m2, nhưng doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng/năm.

08/05/2014