Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Cải Tạo Chất Lượng Vùng Mận Tam Hoa Bắc Hà

Giải Pháp Cải Tạo Chất Lượng Vùng Mận Tam Hoa Bắc Hà
Ngày đăng: 16/06/2012

Mận Tam hoa Bắc Hà là loại quả đặc sản của huyện Bắc Hà (Lào Cai) được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Đây là cây trồng xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân vùng cao nguyên Bắc Hà, tuy nhiên từ năm 2000, cây mận Tam hoa chưa khẳng định được giá trị kinh tế, giá trị văn hoá du lịch vốn có. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự phát triển diện tích ồ ạt không theo quy hoạch, trồng mận trên đất quá dốc, không có nguồn nước tưới, không được chăm sóc, quản lý thường xuyên. Chất lượng cây giống không đảm bảo do người dân tự sản xuất bằng biện pháp ghép hoặc chiết cành trên cây chất lượng kém, nhiều năm tuổi. Cùng với đó là sự cạnh tranh thị trường tiêu thụ với các vùng mận Tam hoa ở Mộc Châu - Sơn La, Nghệ An, Lạng Sơn… Vì thế, diện tích mận Tam hoa Bắc Hà bị thu hẹp, năm 1998 huyện có 2.100 ha, đến hết năm 2011 còn khoảng 426 ha.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án "Cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà giai đoạn 2010 - 2015", đơn vị được giao thực hiện là Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh và UBND huyện Bắc Hà. Dự án được người dân quan tâm, ủng hộ và thực hiện. Để xây dựng và tổ chức thực hiện dự án sát với thực tế sản xuất, đúng định hướng của tỉnh và huyện, Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp đã phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã, thị trấn trong huyện tiến hành điều tra tình hình sản xuất đến từng hộ trồng mận ở các xã: Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư và thị trấn Bắc Hà.


Theo đó, dự án cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà với quy mô 300 ha, thực hiện tập trung ở các xã gần trung tâm huyện. Trong đó, đốn tỉa, chăm sóc 53 ha cây đang cho thu hoạch ổn định, chất lượng tốt; chặt bỏ cây già cỗi, chất lượng kém để trồng thay thế cây mới chất lượng tốt 124 ha; quy hoạch trồng mới 123 ha.

Tuy nhiên, khi thực hiện cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà cũng có nhiều người dân, cán bộ các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương băn khoăn về thành công của dự án. Mặc dù vậy, tính khả thi của dự án rất cao, bởi việc phục hồi và phát triển vùng mận Tam hoa, nâng cao chất lượng và giá thành quả mận luôn là ước muốn của người dân, các cấp chính quyền của huyện Bắc Hà.

Biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn mận áp dụng trong dự án đã được nhiều hộ dân trồng mận Bắc Hà tham gia nghiên cứu, xây dựng mô hình, tham quan học tập từ năm 2005 với tiền đề là quy trình kỹ thuật quản lý vườn của Australia. Qua thực tế sản xuất đã được hộ dân, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn đánh giá là phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, nhiều hộ dân có đủ nguồn lực và nhân lực thực hiện. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước làm tiền đề thực hiện dự án, như hỗ trợ 100% cây giống cho diện tích trồng thay thế và trồng mới; hỗ trợ 100% phân bón vô cơ năm đầu cho diện tích đốn tỉa cải tạo và trồng mới; hỗ trợ 40% vật liệu tủ gốc giữ ẩm, hỗ trợ kinh phí quản lý, thực hiện dự án cho các đơn vị địa phương vì dự án thực hiện trong thời gian dài…

Với đặc thù của dự án là phạm vi thực hiện trên diện tích rộng, nhiều hộ dân tham gia (trên 1.000 hộ), nhiều biện pháp kỹ thuật mới so với tập quán canh tác cũ, nhận thức và điều kiện đầu tư chăm sóc của các hộ khác nhau… nên việc tổ chức thực hiện cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn của huyện với đơn vị được giao thực hiện dự án. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể giữ vai trò chính trong công tác tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia; chỉ đạo, phân công các cấp cơ sở tổ chức thực hiện, trong đó vai trò của lãnh đạo xã và trưởng thôn là rất quan trọng. Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh và Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện, khuyến nông xã trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung dự án, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở cơ sở. Các hộ trồng mận trực tiếp đầu tư, chăm sóc, quản lý và hưởng lợi từ thành quả lao động.

Dự án cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà triển khai dù có nhiều thuận lợi thì vẫn có nhiều khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất. Đó là, số hộ tham gia đông, khả năng tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, điều kiện đầu tư chăm sóc của các hộ khác nhau. Dự án được thực hiện trong thời gian dài, nên việc sắp xếp thời gian tổ chức thực hiện của cán bộ và hộ dân ở những thời kỳ cao điểm tương đối khó khăn. Việc áp dụng một số biện pháp kỹ thuật mới cần đầu tư công lao động, như bón phân, tủ gốc, tỉa quả ở nhiều hộ sẽ phải đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên. Dự án chỉ hỗ trợ phân bón vô cơ trong năm đầu, nên việc chỉ đạo, hướng dẫn, vận động các hộ đầu tư phân bón trong các năm sau gặp nhiều khó khăn, trong khi với cây ăn quả phải đầu tư chăm sóc thường xuyên thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả có chất lượng cao.

Xác định rõ thuận lợi, khó khăn và các nội dung, giải pháp thực hiện, từ đó có kế hoạch triển khai, thống nhất biện pháp phối hợp và tổ chức thực hiện giữa Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và hộ trồng mận là rất cần thiết. Bằng các chính sách cụ thể, cây mận Tam hoa sẽ tiếp tục khẳng định là cây trồng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu cho người dân Bắc Hà.

Có thể bạn quan tâm

Lúa Bị Ngộ Độc Hữu Cơ Lúa Bị Ngộ Độc Hữu Cơ

Vụ đông xuân năm 2010-2011, tỉnh Đăk Lăk đã gieo sạ gần 30.600 ha lúa nước, vượt 19% so với kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết diện tích lúa đang phải hứng chịu “đại nạn” với những triệu trứng như rễ bị nghẹt, sinh trưởng phát triển kém, cây còi cọc, ít đẻ nhánh

16/08/2011
Tôm Chết Bất Thường Người Nuôi Lâm Cảnh Nợ Nần Tôm Chết Bất Thường Người Nuôi Lâm Cảnh Nợ Nần

Tình trạng tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, ĐBSCL đang khiến nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người đã phải bỏ nghề nuôi tôm, đi tìm việc khác để làm.

02/06/2012
Tôm Nhiễm Bệnh, Cá Chết Trắng Hồ Tôm Nhiễm Bệnh, Cá Chết Trắng Hồ

Tuần qua, người nuôi trồng thủy sản tại Thừa Thiên - Huế như ngồi trên đống lửa vì tôm nuôi nước lợ mắc bệnh chết sạch hoặc tôm thu hoạch không có người mua.

22/06/2012
Anh Phạm Xuân Thảo - Mỗi Năm Thu Lãi 100 Triệu Đồng Từ Trồng Lúa Anh Phạm Xuân Thảo - Mỗi Năm Thu Lãi 100 Triệu Đồng Từ Trồng Lúa

Trong khi hầu hết các hộ nông dân ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) còn coi việc cấy lúa để bảo đảm nguồn lương thực, thì gia đình anh Phạm Xuân Thảo (38 tuổi) ở thôn Hàm Cách lại xác định cây lúa là "chìa khóa" để làm giàu.

23/06/2012
Mơ Ước Của Cánh Đồng Mơ Ước Của Cánh Đồng

Anh nông dân Hoa Sĩ Hiền ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang không phải là một nhà khoa học. Anh không có học hàm học vị, song giống lúa mà anh nghiên cứu ra có thể giúp bà con nông dân không tốn một giọt thuốc bảo vệ thực vật nào

20/08/2011