Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Cải Tạo Chất Lượng Vùng Mận Tam Hoa Bắc Hà

Giải Pháp Cải Tạo Chất Lượng Vùng Mận Tam Hoa Bắc Hà
Ngày đăng: 16/06/2012

Mận Tam hoa Bắc Hà là loại quả đặc sản của huyện Bắc Hà (Lào Cai) được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Đây là cây trồng xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân vùng cao nguyên Bắc Hà, tuy nhiên từ năm 2000, cây mận Tam hoa chưa khẳng định được giá trị kinh tế, giá trị văn hoá du lịch vốn có. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự phát triển diện tích ồ ạt không theo quy hoạch, trồng mận trên đất quá dốc, không có nguồn nước tưới, không được chăm sóc, quản lý thường xuyên. Chất lượng cây giống không đảm bảo do người dân tự sản xuất bằng biện pháp ghép hoặc chiết cành trên cây chất lượng kém, nhiều năm tuổi. Cùng với đó là sự cạnh tranh thị trường tiêu thụ với các vùng mận Tam hoa ở Mộc Châu - Sơn La, Nghệ An, Lạng Sơn… Vì thế, diện tích mận Tam hoa Bắc Hà bị thu hẹp, năm 1998 huyện có 2.100 ha, đến hết năm 2011 còn khoảng 426 ha.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án "Cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà giai đoạn 2010 - 2015", đơn vị được giao thực hiện là Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh và UBND huyện Bắc Hà. Dự án được người dân quan tâm, ủng hộ và thực hiện. Để xây dựng và tổ chức thực hiện dự án sát với thực tế sản xuất, đúng định hướng của tỉnh và huyện, Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp đã phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã, thị trấn trong huyện tiến hành điều tra tình hình sản xuất đến từng hộ trồng mận ở các xã: Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư và thị trấn Bắc Hà.


Theo đó, dự án cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà với quy mô 300 ha, thực hiện tập trung ở các xã gần trung tâm huyện. Trong đó, đốn tỉa, chăm sóc 53 ha cây đang cho thu hoạch ổn định, chất lượng tốt; chặt bỏ cây già cỗi, chất lượng kém để trồng thay thế cây mới chất lượng tốt 124 ha; quy hoạch trồng mới 123 ha.

Tuy nhiên, khi thực hiện cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà cũng có nhiều người dân, cán bộ các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương băn khoăn về thành công của dự án. Mặc dù vậy, tính khả thi của dự án rất cao, bởi việc phục hồi và phát triển vùng mận Tam hoa, nâng cao chất lượng và giá thành quả mận luôn là ước muốn của người dân, các cấp chính quyền của huyện Bắc Hà.

Biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn mận áp dụng trong dự án đã được nhiều hộ dân trồng mận Bắc Hà tham gia nghiên cứu, xây dựng mô hình, tham quan học tập từ năm 2005 với tiền đề là quy trình kỹ thuật quản lý vườn của Australia. Qua thực tế sản xuất đã được hộ dân, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn đánh giá là phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, nhiều hộ dân có đủ nguồn lực và nhân lực thực hiện. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước làm tiền đề thực hiện dự án, như hỗ trợ 100% cây giống cho diện tích trồng thay thế và trồng mới; hỗ trợ 100% phân bón vô cơ năm đầu cho diện tích đốn tỉa cải tạo và trồng mới; hỗ trợ 40% vật liệu tủ gốc giữ ẩm, hỗ trợ kinh phí quản lý, thực hiện dự án cho các đơn vị địa phương vì dự án thực hiện trong thời gian dài…

Với đặc thù của dự án là phạm vi thực hiện trên diện tích rộng, nhiều hộ dân tham gia (trên 1.000 hộ), nhiều biện pháp kỹ thuật mới so với tập quán canh tác cũ, nhận thức và điều kiện đầu tư chăm sóc của các hộ khác nhau… nên việc tổ chức thực hiện cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn của huyện với đơn vị được giao thực hiện dự án. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể giữ vai trò chính trong công tác tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia; chỉ đạo, phân công các cấp cơ sở tổ chức thực hiện, trong đó vai trò của lãnh đạo xã và trưởng thôn là rất quan trọng. Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh và Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện, khuyến nông xã trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung dự án, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở cơ sở. Các hộ trồng mận trực tiếp đầu tư, chăm sóc, quản lý và hưởng lợi từ thành quả lao động.

Dự án cải tạo chất lượng vùng mận Tam hoa Bắc Hà triển khai dù có nhiều thuận lợi thì vẫn có nhiều khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất. Đó là, số hộ tham gia đông, khả năng tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, điều kiện đầu tư chăm sóc của các hộ khác nhau. Dự án được thực hiện trong thời gian dài, nên việc sắp xếp thời gian tổ chức thực hiện của cán bộ và hộ dân ở những thời kỳ cao điểm tương đối khó khăn. Việc áp dụng một số biện pháp kỹ thuật mới cần đầu tư công lao động, như bón phân, tủ gốc, tỉa quả ở nhiều hộ sẽ phải đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên. Dự án chỉ hỗ trợ phân bón vô cơ trong năm đầu, nên việc chỉ đạo, hướng dẫn, vận động các hộ đầu tư phân bón trong các năm sau gặp nhiều khó khăn, trong khi với cây ăn quả phải đầu tư chăm sóc thường xuyên thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả có chất lượng cao.

Xác định rõ thuận lợi, khó khăn và các nội dung, giải pháp thực hiện, từ đó có kế hoạch triển khai, thống nhất biện pháp phối hợp và tổ chức thực hiện giữa Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp tỉnh với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và hộ trồng mận là rất cần thiết. Bằng các chính sách cụ thể, cây mận Tam hoa sẽ tiếp tục khẳng định là cây trồng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu cho người dân Bắc Hà.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Trong Nhà Để Cung Cấp Cho Thị Trường Tôm Tươi Nội Địa Nuôi Tôm Trong Nhà Để Cung Cấp Cho Thị Trường Tôm Tươi Nội Địa

James Tran và Peter Howard, chủ trại nuôi tôm chân trắng mang tên Sky 8 của công ty Skyworks Solutions đã được đền đáp xứng đáng trong vụ thu hoạch bội thu đầu tiên vào tháng 3 năm nay và đã có kế hoạch mở rộng quy mô nuôi với hy vọng thu lợi nhờ đáp ứng đúng nhu cầu thực phẩm tươi sống tại chỗ của người dân.

06/04/2013
Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai) Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)

Những năm trước đây ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú - Đồng Nai) từng xảy ra tình trạng nông dân trồng bắp nhưng đến mùa thu hoạch lại không có hạt, khiến nhiều người điêu đứng. Gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra ở các xã Tà Lài và Phú Lập (huyện Tân Phú - Đồng Nai). Nhiều ruộng bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt.

06/04/2013
Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở

Đầu tháng 4/2013, giá thức ăn nuôi cá tra (loại 26 độ đạm) đã giảm 300 đồng/kg so với tháng trước và hiện đang dừng lại ở mức 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu (loại trọng lượng 700g – 1,3kg/con) hiện tăng khoảng 1.000 đồng/kg so tháng 3 vừa qua.

08/04/2013
Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi

Nhiều năm trở lại đây các mô hình thâm canh, xen canh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trong đó, mô hình trồng mì xen quế, mì xen keo đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Minh Long (Quảng Ngãi).

09/04/2013
Sò Huyết Ô Loan “Đổi Hình Thay Dạng” Sò Huyết Ô Loan “Đổi Hình Thay Dạng”

Sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là đặc sản nổi tiếng vì thịt dai, ăn ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân sống ven đầm đã đi thu mua sò huyết từ các nơi về bán cho du khách dưới thương hiệu sò huyết Ô Loan!

10/04/2013