Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua

Giải cứu vải thiều khi thương lái Trung Quốc ngừng mua
Ngày đăng: 03/07/2015

Mấy ngày nay, nhân viên Công ty nông sản Đại Việt (Hà Nội) đã di chuyển lên vùng vải muộn tại hai xã là Tân Sơn và Biên Sơn (Lục Ngạn) để khảo sát, lên phương án tiêu thụ. Theo tính toán của ông Đặng Như Quỳnh - Giám đốc Đại Việt, sản lượng vải muộn của các địa phương còn khoảng 35.000-38.000 tấn. Lúc này gần như không có thương lái thu mua, giá rớt mạnh. Mọi năm vùng vải muộn thường bán được giá. Năm nay, thời tiết nắng nóng khiến vải chín nhanh hơn, nông dân phải thu hoạch vội, nhưng không biết bán cho ai.

"Công ty đã lên danh sách tiêu thụ, đã có 218 hộ đăng ký với tổng sản lượng khoảng 5.000 tấn. Trong sáng 3/7 doanh nghiệp bắt đầu thu mua với giá 15.000 đồng mỗi kg", lãnh đạo Đại Việt nói. Đầu tuần này, thông tin thương lái Trung Quốc ngừng mua khiến đang từ trên 20.000 đồng một kg rớt xuống còn hơn 10.000 đồng, thậm chí có loại chỉ còn 3.000-4.000 đồng một kg.

Theo ông Quỳnh, doanh nghiệp đã tiêu thụ vượt dự kiến trước đó khoảng 10.000 tấn. Tính cả 5.000 tấn vải muộn các hộ đã đăng ký bán, tổng cộng Đại Việt đã thu mua khoảng 36.000 tấn. "Thu mua vải muộn cũng là kế hoạch phát sinh. Lượng vải tồn quá nhiều", vị này nói.

Áp dụng mô hình phân phối tương tự chương trình giải cứu dưa hấu vài tháng trước, vải thiều sẽ được công ty vận chuyển về hầu hết các địa phương từ Nghệ An vào Đà Nẵng đến TP HCM. Tùy giá vận chuyển nên các mức giá bán lẻ tại mỗi địa phương cũng khác nhau, song dao động 18.000-22.000 đồng mỗi kg.

Ngoài ra, kênh tiêu thụ vải tiềm năng tại các khu công nghiệp phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai cũng đang được tăng cường. Một công ty FDI sản xuất linh kiện điện tử đã đồng ý tăng số lượng tiêu thụ vải từ 6 tấn lên 20 tấn mỗi ngày để đưa vào khẩu phần ăn của công nhân.

Tận dụng hình thức mậu biên cũng như rút ngắn khoảng cách vận chuyển và bảo quản vải tươi, Đại Việt cũng tính toán việc xuất hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. "Nếu làm tốt mỗi ngày có thể tiếp tục xuất sang thị trường này khoảng 20-30 tấn vải với giá 25.000 đồng. Đây là mức giá vẫn khá cao so với tiêu thụ nội địa", vị này nhận định.

Kế hoạch là vậy, song Giám đốc Đại Việt vẫn không dám chắc sẽ tiêu thụ hết lượng vải muộn. Bởi, theo ông, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc quá nắng nóng, đưa hàng về lúc này là không khả thi. Chưa kể đến việc khó cạnh tranh với các loại vải trồng từ nhiều vùng khác nhau mạo danh vải Lục Ngạn nhưng bán với giá dưới 10.000 đồng mỗi kg. Đưa hàng về các đầu mối địa phương cũng hạn chế bởi quãng đường vận chuyển xa, bình quân mỗi ngày chỉ trên dưới 10 tấn chắc chắn không kịp với độ chín của vải.

Cũng tập trung tiêu thụ vải thiều muộn tại thị trường nội địa, Công ty nông sản Việt Pháp (Bắc Giang) đang nhắm vào hệ thống siêu thị lớn tại các địa phương, trong đó trọng tâm là TP HCM. Đại diện doanh nghiệp cho biết hàng vào kênh phân phối này phải tiêu chuẩn rất khắt khe.

Khó khăn nhất lúc này của doanh nghiệp là cần một khoản đặt cọc từ phía siêu thị, để thanh toán cho các hộ trồng. "Từ đầu vào, phân phối, đến đầu ra chúng tôi đều phải chốt chắc chắn các phương án, nếu không khi tiền trao rồi, mã hàng xấu thì hệ thống siêu thị sẽ trả về ngay, lúc đó cả doanh nghiệp và nông dân chịu thiệt", lãnh đạo Việt Pháp cho hay.

"Dù là cách nào thì lúc này đều cần nhiều hơn sự tham gia các doanh nghiệp nội để giải quyết phần vải tồn hiện nay", ông nói.

Lúc này, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán vải thiều online giúp người quen, họ hàng tại vùng trồng. Chị Phạm Thị Lan (Xuân Phương, Nam Từ Liêm) cho biết nhà bác họ tại xã Giáp Sơn còn gần nửa ha vải chín chưa thu hoạch, trong khi các điểm cân đã đóng cửa gần hết. Sau khi phàn nàn với một số bạn, nhiều người góp ý thử rao bán trên trang cá nhân.

Lan cho biết sau khi rao bán có rất nhiều người hào hứng hưởng ứng để được ăn quả vải thiều đúng đất Lục Ngạn. Do vậy từ sáng đến trưa chị đã có đơn hàng gần một tạ quả từ khách đăng ký với giá bán 20.000 đồng một kg.

"Đợi gom đơn hàng đủ 5-10 tạ quả mình sẽ giao hàng một lúc tiện cho người nhà đưa hàng lên đỡ tốn chi phí vận chuyển. Mình cũng không chắc bán được nhiều hay không, nhưng lúc này để tiêu thụ nhanh được vải thiều cho người trồng thì được cách nào hay cách đó", chị nói.


Có thể bạn quan tâm

Điểm Sáng Bên Sông Đà Điểm Sáng Bên Sông Đà

Trong những thành công đó phải kể đến việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất sử dụng vốn trực tiếp từ chương trình nông thôn mới được triển khai trên địa bàn 9 xã của huyện. Với con số trên một trăm mô hình, đề án thu hút hàng ngàn hộ, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia, hưởng lợi thực sự là con số ấn tượng góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

11/02/2015
Cẩm Khê Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Lên Gần 770ha Cẩm Khê Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Lên Gần 770ha

Phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn từ những vụ sản xuất trước, vụ xuân năm nay huyện Cẩm Khê chỉ đạo nhân rộng cánh đồng sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ba cùng: Cùng trà, cùng giống, cùng áp dụng biện pháp kỹ thuật ở 12 xã, thị trấn với tổng diện tích thực hiện là 768ha.

11/02/2015
Điện Phong Công Bố Xã Đạt Chuẩn Nông Thôn Mới Điện Phong Công Bố Xã Đạt Chuẩn Nông Thôn Mới

Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Điện Phong đã huy động hơn 54 tỷ đồng tập trung bê tông hóa 54km đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kiên cố hóa 11km kênh mương thủy lợi cùng nhiều công trình phúc lợi xã hội khác.

11/02/2015
Giàu Nhờ Cây Chuối Giàu Nhờ Cây Chuối

Cuối tuần rồi, lên xã Tam Dân thuộc huyện Phú Ninh dự tiệc mừng nhà mới của đứa bạn thời sinh viên, Tư tôi thấy vợ chồng anh Sáu Ngọc Tú cùng mấy người làm công đang thu hoạch vườn chuối mốc. Gia đình anh Sáu có 1 sào đất vườn, hàng chục năm nay quanh đi quẩn lại họ cũng chỉ biết trồng sắn. Tuy nhiên, do năng suất củ sắn tươi đạt không cao, giá bán sản phẩm lại quá thấp nên vụ nào loại cây trồng này cũng cho mức lãi ròng rất ít, thậm chí có mùa thâm luôn cả vốn.

11/02/2015
Nhiều Cơ Chế Khuyến Khích Phát Triển Tiêu Tiên Phước Nhiều Cơ Chế Khuyến Khích Phát Triển Tiêu Tiên Phước

Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành trên những vườn tiêu Tiên Phước và sự khan hiếm nguồn giống gốc sạch bệnh, thời gian qua, đã có nhiều đề tài, mô hình, dự án nghiên cứu nhằm phục hồi và phát triển loài cây bản địa này. Giai đoạn 2012 - 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã tiến hành một số mô hình liên quan tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa.

11/02/2015