Giá Tôm Nguyên Liệu Giảm, Doanh Nghiệp Lãi Khá

Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy ngày qua bất ngờ giảm mạnh trong khi xuất khẩu mặt hàng này ở những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Tuấn, người chuyên vận chuyển tôm nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ngụ tại ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết tôm thẻ chân trắng hiện được các doanh nghiệp chế biến thủy sản mua vào với giá dao động khoảng 90.000-115.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần rồi.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg hiện có giá chỉ 90.000-95.000 đồng/kg; loại 90 con/kg có giá 95.000-100.000 đồng/kg; loại 70 và 60 con/kg có giá lần lượt là 100.000-105.000 đồng/kg và 110.0000-115.000 đồng/kg.
Đối với tôm sú, hiện giá nguyên liệu tại Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… cũng đồng loạt rớt giá mạnh khoảng 20.000-30.000 đồng/kg so với mức giá cách nay chưa đầy nửa tháng.
Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn khoảng 280.000-290.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 230.000-240.000 đồng/kg và loại 40 con/kg có giá dao động khoảng 200.000-215.000 đồng/kg (tùy địa phương).
Lý giải nguyên nhân giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn CAFATEX (Hậu Giang), cho biết do xuất khẩu ở những tháng đầu năm 2014 chậm lại.
Theo ông Kịch, từ cuối năm ngoái giá tôm xuất khẩu ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, tăng cao đột biến, cho nên ngay từ đầu năm nay các nhà nhập khẩu không vội nhập hàng vì chưa phải là thời điểm tiêu thụ chính. “Chính việc chần chừ mua vào của nhà nhập khẩu làm cho người bán không tiêu thụ sản phẩm được nên tác động làm nguyên liệu sụt giảm”, ông cho biết.
Theo ông Kịch, một nguyên nhân khác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến giá tôm nguyên liệu trong nước đó là bị Mỹ áp thuế sơ bộ về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này ở mức cao.
Trong khi đó, ông Tuấn, cho biết giá tôm nguyên liệu sụt giảm trở lại một phần do doanh nghiệp hạ giá mua vào để bù vào chi phí vận chuyển tăng, một phần do tác động tâm lý bởi quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá giá vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố.
Xuất khẩu tăng cao
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu tôm đạt doanh số khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2013.
Chẳng hạn, theo thông tin từ Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), ba tháng đầu năm 2014, FIMEX VN đã chế biến và xuất khẩu được khoảng 1.860 tấn tôm đông lạnh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013, đạt doanh thu khoảng 26 triệu đô la Mỹ, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá xuất khẩu, trong những tháng đầu năm 2014, giá xuất khẩu tôm của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh so với mức giá bình quân của năm 2013, chẳng hạn, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong hai tháng đầu năm 2014 đạt mức 14,47 đô la Mỹ/kg, tăng mạnh so với con số 10,5 đô la Mỹ/kg của cả năm 2013.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-3-2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 340 triệu đô la Mỹ, tương đương 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là nhờ có sự đóng góp lớn từ xuất khẩu tôm.
Có thể bạn quan tâm

Thanh long ruột đỏ là loại cây được trồng phổ biến trên vùng đất gò. Đối với xứ biển, đây là cây trồng được xếp vào diện “lạ”. Dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Trung (ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) đã đem giống cây “lạ” này về trồng trên vùng đất cát và đã gặt… “mùa vàng”.

Dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long xảy ra từ nhiều năm nay, đã gây thiệt hại nặng cho người trồng thanh long mà chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đây là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và đã phối hợp tổ chức các Hội nghị triển khai, chỉ đạo nhiều biện pháp để xử lý dịch bệnh đốm nâu, giúp nông dân an tâm trong sản xuất.

Mọi ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất nhỏ, tàu cá cũ đủ điều kiện đều được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra quy hoạch và định hướng các ngành nghề khai thác, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn, quyết định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất cá tra đang có dấu hiệu khả quan, người nuôi đã có lãi. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 23.500 - 24.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.