Giá Tôm Nguyên Liệu Giảm, Doanh Nghiệp Lãi Khá

Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy ngày qua bất ngờ giảm mạnh trong khi xuất khẩu mặt hàng này ở những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Tuấn, người chuyên vận chuyển tôm nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ngụ tại ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết tôm thẻ chân trắng hiện được các doanh nghiệp chế biến thủy sản mua vào với giá dao động khoảng 90.000-115.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần rồi.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg hiện có giá chỉ 90.000-95.000 đồng/kg; loại 90 con/kg có giá 95.000-100.000 đồng/kg; loại 70 và 60 con/kg có giá lần lượt là 100.000-105.000 đồng/kg và 110.0000-115.000 đồng/kg.
Đối với tôm sú, hiện giá nguyên liệu tại Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… cũng đồng loạt rớt giá mạnh khoảng 20.000-30.000 đồng/kg so với mức giá cách nay chưa đầy nửa tháng.
Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn khoảng 280.000-290.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 230.000-240.000 đồng/kg và loại 40 con/kg có giá dao động khoảng 200.000-215.000 đồng/kg (tùy địa phương).
Lý giải nguyên nhân giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn CAFATEX (Hậu Giang), cho biết do xuất khẩu ở những tháng đầu năm 2014 chậm lại.
Theo ông Kịch, từ cuối năm ngoái giá tôm xuất khẩu ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, tăng cao đột biến, cho nên ngay từ đầu năm nay các nhà nhập khẩu không vội nhập hàng vì chưa phải là thời điểm tiêu thụ chính. “Chính việc chần chừ mua vào của nhà nhập khẩu làm cho người bán không tiêu thụ sản phẩm được nên tác động làm nguyên liệu sụt giảm”, ông cho biết.
Theo ông Kịch, một nguyên nhân khác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến giá tôm nguyên liệu trong nước đó là bị Mỹ áp thuế sơ bộ về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này ở mức cao.
Trong khi đó, ông Tuấn, cho biết giá tôm nguyên liệu sụt giảm trở lại một phần do doanh nghiệp hạ giá mua vào để bù vào chi phí vận chuyển tăng, một phần do tác động tâm lý bởi quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá giá vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố.
Xuất khẩu tăng cao
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu tôm đạt doanh số khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2013.
Chẳng hạn, theo thông tin từ Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), ba tháng đầu năm 2014, FIMEX VN đã chế biến và xuất khẩu được khoảng 1.860 tấn tôm đông lạnh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013, đạt doanh thu khoảng 26 triệu đô la Mỹ, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá xuất khẩu, trong những tháng đầu năm 2014, giá xuất khẩu tôm của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh so với mức giá bình quân của năm 2013, chẳng hạn, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong hai tháng đầu năm 2014 đạt mức 14,47 đô la Mỹ/kg, tăng mạnh so với con số 10,5 đô la Mỹ/kg của cả năm 2013.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-3-2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 340 triệu đô la Mỹ, tương đương 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là nhờ có sự đóng góp lớn từ xuất khẩu tôm.
Có thể bạn quan tâm

Với 5.000 m2, lãi trên 100 triệu đồng/năm đó là mô hình trồng cam sành của ông Võ Minh Tuấn ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh - Phú Yên).

Năm 2011, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ đã xây dựng thành công dự án “Nuôi cá hồi vân thương phẩm tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn”

Nuôi cá ao là hình thức phổ biến nhất trong nhân dân. Người ta tính, sản lượng cá ao có khi chiếm tới 70-80% tổng sản lượng cá của cả vùng. Vì vậy, nuôi cá ao có vị trí hết sức quan trọng trong kinh tế ở nông thôn.

Vài năm gần đây, cây chuối ngự được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” của người dân ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Thấy nguồn lợi từ cây chuối, nhiều người đã vô tư phá rừng để trồng chuối.

Dự kiến vào khoảng giữa tháng 3 này NM Đạm Cà Mau (Cty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN) sẽ kết thúc quá trình chạy thử nghiệm, chính thức đi vào hoạt động và bán sản phẩm tới tay nông dân.