Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Tôm Biển Đã Tăng Trở Lại

Giá Tôm Biển Đã Tăng Trở Lại
Ngày đăng: 09/06/2014

Sau một thời gian rớt giá, trong tuần qua, giá tôm biển các loại đã nhích lên từ 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện tôm thẻ chân trắng (chiếm trên 90% diện tích thả nuôi) loại 100 con/kg có giá từ 85.000-90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá cả như hiện nay, nếu trúng vụ, người nuôi chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít...

“Đuối” vì tôm biển thâm canh

Tôm thẻ chân trắng trúng mùa, loại 100 con/kg, giá khoảng 135.000 đồng, mỗi ao khoảng 300m2 sẽ lãi ít nhất 300 triệu đồng, chỉ sau khoảng 45 ngày thả nuôi là thành công lớn của vụ nửa cuối năm 2013. Tiếp đó, nhiều nông dân đã đổ xô đào ao thả nuôi tôm chân trắng trong vụ tôm năm 2014.

Thất bại sau 2 đợt thả liên tiếp nên chồng chị Lâm Chi ở xã Bình Thắng (Bình Đại - Bến Tre) phải đi biển để tìm đường trả nợ. “Thả xuống không bao lâu, tôm bị bệnh đốm trắng “gãy” cả ao, vụ 2 cũng khoảng hơn 20 ngày thì tôm bị bệnh hoại tử gan cấp tính “rụi” hết.

Giờ không có vốn để nuôi nên chồng tôi đã đi biển gần 2 tháng qua. Phải chi nuôi tôm sú quảng canh như lúc trước thì đâu đến nỗi…” - chị Lâm Chi than thở. Trong khi đó, anh Phan Văn Hiệp cùng ấp với chị Chi thì lỗ khoảng 200 triệu đồng mỗi vụ, dù tôm anh Hiệp không bị bệnh gì.

“Giá thành khoảng hơn 80.000 đồng/kg, nhưng vụ đầu bán được 74.000 đồng/kg loại 100 con/kg, vừa bắt vụ 2 cũng loại tôm đó bán được 85.000 đồng/kg mà chi phí cũng tăng lên xấp xỉ, nên từ Tết đến nay lỗ khoảng 400 triệu đồng. Không nhờ mấy cặp ghe cào “gồng” qua thì cũng tiêu tùng rồi” - anh Hiệp cho biết.

Nhiều ao tôm đã quá ngày tuổi, nhưng nếu thu hoạch sẽ không bán được như giá mong đợi, nên nhiều người đã tiếp tục chăm sóc để chờ giá. Nhưng xem ra việc chờ giá cũng có quá nhiều điều đáng lo ngại. 3 ao (khoảng 1ha) tôm thẻ chân trắng của ông Lê Văn Kiếm, xã Giao Thạnh (Thạnh Phú) đã đạt trọng lượng 100 con/kg từ 7 ngày qua, nhưng ông vẫn giữ lại để chờ giá. Ông Kiếm than: “Mỗi ngày chi phí thêm gần 15 triệu đồng thức ăn trong khi giá lên “nhỏ giọt”, tôi sẽ kêu bán để thu hồi vốn cho xong. Chờ vụ sau làm lại, chứ kiểu này chắc “đau tim” quá!”.

Giá tôm thẻ chân trắng từ đầu năm đến nay liên tục giảm, đặc biệt là tôm chân trắng, nên nông dân nuôi con tôm này vô cùng khốn khó. “Hầu hết những hộ nuôi mới đều không có nhiều vốn nên buộc phải thế chấp tài sản ở ngân hàng nên nếu thất bại là vỡ nợ ngay hay nhẹ cũng lâm vào cảnh khốn cùng. Và thực tế đã có nhiều trường hợp không có tiền đóng lãi hàng mấy tháng liền” - một cán bộ ngân hàng ở Bình Đại tiết lộ.

Theo ông Nguyễn Văn Buội - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết diễn biến có nhiều bất lợi. Cụ thể, tháng 2 và 3 thời tiết lạnh đã tạo điều kiện cho dịch bệnh đốm trắng xuất hiện. Đến tháng 4 thì nắng nóng kéo dài, các bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính cũng theo đó mà hoành hành, trong khi việc kiểm soát dịch bệnh lại rất khó khăn. Thống kê sơ bộ đã có trên 11% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh bị thiệt hại.

Vì sao giá tôm “chạm đáy”?

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, nguyên nhân giá tôm chân trắng giảm thấp là do các nước sản xuất tôm chân trắng lớn nhất thế giới trong năm 2013 bị giảm hơn 50% sản lượng tôm do dịch bệnh và hiện nay đã phục hồi, sản lượng tôm trên thị trường tôm thế giới tăng đều đặn trở lại.

Bên cạnh đó, các thị trường EU, Nhật Bản đã cảnh báo dư lượng kháng sinh Oxytetracyline trong tôm Việt Nam vượt mức cho phép và nhiều nước đang tăng cường kiểm tra 100% số lô tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước họ về dư lượng kháng sinh này dẫn đến xuất khẩu khó khăn. Một thị trường lớn khác là Mỹ thì liên tục kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam...

Trong khi đó, nông dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã đua nhau chuyển sang nuôi tôm chân trắng khiến sản lượng tôm này tăng mạnh mà thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết. Lợi thế giá tôm cao không còn trong năm 2014 cũng đã được dự báo từ đầu năm.

“Do bà con không nắm được thông tin thị trường nên đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng dẫn đến nguồn cung bị thừa là một trong những nguyên nhân giá tôm bị giảm...” - ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương phân tích.

Qui hoạch, định hướng đã đủ mạnh?

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, 6 tháng đầu năm 2014, tôm thẻ chân trắng thâm canh tăng đột biến về diện tích thả nuôi, hiện đã trên 5.000ha. Đáng chú ý là trong đó lượng ao tôm “phong trào” có nguồn gốc từ những vườn dừa, ao cá, ruộng màu chiếm quá phân nửa.

Nhiều địa phương có diện tích đào mới trong năm 2014 tăng 4,5 lần so với trước. Kế đó là khâu chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc không nhuần nhuyễn dẫn đến năng suất thấp, chí phí sản xuất cao,… nên bất lợi so với các nước có trữ lượng cao tôm chân trắng (như Thái Lan, Indonesia, Philippines) khi cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Trong khi đó, Bến Tre nói riêng có truyền thống sản xuất tôm sú, là nguồn cung cấp tôm sú lớn trên thế giới. Giá tôm sú cũng “mạnh hơn” tôm thẻ chân trắng, chi phí nuôi lại thấp hơn.

Tại thị trường tỉnh ta hiện nay, giá tại ao tôm sú thâm canh loại 30 con/kg khoảng 195.000 đồng/kg; 40 con/kg khoảng 180.000 đồng/kg (tôm sống chạy oxy). Ngoài ra, tôm sú quảng canh ướp nước đá cùng với trọng lượng ấy giá cũng chỉ thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

Nếu so với trước, loại tôm này giảm không đáng kể. “Quan điểm của ngành là vẫn tiếp tục giữ diện tích thả nuôi tôm sú hiện có, nhất là các diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm xen lúa, xen rừng… nhưng một số vùng đã bị phá vỡ quy hoạch do bà con chạy theo phong trào” - ông Nguyễn Văn Buội nói.

Trước tình hình này, trúng vụ tôm thẻ chân trắng chỉ hòa vốn nên bà con nuôi tôm thâm canh hay bán thâm canh trên địa bàn tỉnh nên cân nhắc trong việc chọn đối tượng nuôi sao cho có hiệu quả cao nhất.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Chuyên Canh Cây Trồng Hiệu Quả Từ Chuyên Canh Cây Trồng

Như nhiều địa phương khác, ngay sau thu hoạch lúa vụ mùa, bà con nông dân xã miền núi Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhanh chóng bắt tay gieo trồng cây vụ đông. Trên địa bàn xã, cây vụ đông chủ lực là dưa chuột, bởi đây là loại cây năng suất, giá trị hàng hóa cao, đầu ra thuận lợi.

02/12/2014
Phúc Bồn Tử Ở Độ Cao 1.500m Phúc Bồn Tử Ở Độ Cao 1.500m

Đầu những năm 2000, Công ty Agropac đã đưa cây phúc bồn tử từ Pháp về trồng thành công trên vùng đất xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, rồi sau đó chuyển giao cho nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng sản xuất theo hướng công nghệ cao cho đến ngày nay.

02/12/2014
Chăn Nuôi Gà Trên Đệm Lót Sinh Học Chăn Nuôi Gà Trên Đệm Lót Sinh Học

Qua thử nghiệm ở một số địa phương cho thấy, chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, gà phát triển đồng đều, ít bị bệnh, lông tơi mượt và sạch, quản lý nuôi dưỡng đơn giản; tốc độ sinh trưởng nhanh, sau 70 ngày nuôi gà có tỷ lệ sống cao (98%), đạt 2,2 kg; khả năng sinh sản tốt, đạt từ 170-180 quả trứng/năm.

07/07/2014
Cà Mau Bảo Vệ Nguồn Lợi Cá Đồng Bắt Đầu Từ Ý Thức Của Người Dân Cà Mau Bảo Vệ Nguồn Lợi Cá Đồng Bắt Đầu Từ Ý Thức Của Người Dân

Vào mùa khô, mùa thu hoạch cá đồng, người nuôi cá lựa bắt những con cá lớn để bán, con nào còn nhỏ giữ lại để làm cá giống cho mùa sau. Khi mùa mưa đến, cá mang trứng ra môi trường tự nhiên để đẻ con. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cả cá mẹ và cá non bị săn bắt ráo riết, nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.

07/07/2014
Nông Dân Xã Đồng Nai Đã “Nản” Với Ca Cao? Nông Dân Xã Đồng Nai Đã “Nản” Với Ca Cao?

Những năm trước, nông dân xã Đồng Nai (Bù Đăng - Bình Phước) vui mừng vì trồng xen ca cao trong vườn điều cho hiệu quả kinh tế cao. Hai năm qua, người trồng ca cao ở đây lại “nản” vì giá cả thất thường và nấm bệnh xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà vườn có kinh nghiệm, giá ca cao đang ổn định và vấn đề sâu bệnh không đáng ngại, chỉ cần chủ động chăm sóc, phòng trị bệnh, cây sẽ cho năng suất cao.

02/12/2014