Giá Tiêu Tăng, Người Trồng Tiêu Phấn Khởi

Từ đầu năm đến nay, giá thu mua hạt tiêu trên thị trường khá ổn định và luôn ở mức cao, khiến người trồng tiêu rất phấn khởi.
Chị Hà Thị Huề ở xã Ðắk R’moan (Gia Nghĩa - Đắk Nông) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 500 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, nhưng đã có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, giá tiêu hạt thường ở mức 135.000 – 140.000 đồng/kg và hiện tăng lên mức trên 150.000 kg. Gia đình tôi cũng trữ được hơn 5 tạ và đã bán vào thời điểm giá ở mức cao nên cũng mừng”.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Ðắk Sin (Ðắk R’lấp) cũng vui vẻ: “Gia đình tôi hiện có hơn 1 ha tiêu, hàng năm thu về khoảng 3 tấn tiêu hạt. Làm nông thì ngoài việc trông được mùa, nông dân còn mong sao được giá, nên rất mừng vì giá tiêu có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 11 đến nay, các đại lý thu mua tiêu hạt đều tăng từ 27.000 - 32.000 đồng/kg so với hồi tháng 8 và hiện đang ở mức 150.000 đồng/kg. Từ thực tế sản xuất tiêu đang đem lại lợi nhuận khá cao, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn, công sức để chăm sóc cho vườn tiêu phát triển tốt hơn”.
Ðối với nhiều hộ thì mặc dù trong nhà không còn tiêu hạt để bán, nhưng trước thông tin giá tiêu tăng, cũng rất vui vì ngoài vườn, tiêu cũng đã bắt đầu cho thu hoạch và hứa hẹn được mùa.
Theo một số đại lý thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh thì đa số hạt tiêu khô được nông dân bán vào thời điểm trong các tháng 8 và 9 với mức giá khoảng 130.000 -135.000 đồng/kg để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày và tái đầu tư sản xuất cho vụ sau.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng tiêu được nông dân còn trữ lại cũng khá nhiều, có những gia đình khi thời điểm giá trên 150.000 đồng vẫn bán tới hàng tấn tiêu. Ða số nông dân bán tiêu vào thời điểm này đều dự đoán được giá sẽ tăng và thường là thuộc những gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, khá giả hơn.
Trước tình hình giá tiêu trên thị trường liên tục tăng, từ đầu tháng 11 đến nay, người dân đến các đại lý bán tiêu cũng khá nhiều. Ðiều đáng nói nữa là do nông dân chú trọng bảo quản tốt nên chất lượng hạt tiêu vẫn rất đảm bảo, dễ thu mua.
Ngoài việc được giá thì người trồng tiêu còn chú trọng chọn các giống cho năng suất, chất lượng cao nên hiệu quả kinh tế tăng lên. Giá tiêu ổn định nên nhiều gia đình càng chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây tiêu.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, nguyên nhân tiêu có giá ổn định ngay từ đầu năm và hiện nay tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ tiêu trên thị trường tăng mạnh, nhiều nước nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Người Dao đến định canh, dựng nhà lập thành bản Nà Màu ở lưng chừng núi cao trên 1.600m nằm ven sườn núi cao Tây Côn Lĩnh(cao trên 2.300m so mực nước biển) đã nhiều đời nay.

Chỉ với ba sào đất trồng cây hoa Lily để bán trong dịp Tết Nguyên đán, năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Nam, ở thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) dự kiến sẽ thu về trên 300 triệu đồng…

Nếu như việc nuôi dế để làm thực phẩm đưa ra thị trường giúp nông dân trẻ Nguyễn Thanh Tùng (Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM) trở thành tỷ phú thì cũng tại địa phương này người cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuân (xã Nhuận Đức) cũng đi lên từ cặp nhím giống.

Nhờ sự cần cù chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân ở thành phố Cao Lãnh đã không chỉ đưa gia đình mình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Hương Sơn lại thi nhau ra vườn hái chọn lấy những quả cam bù đẹp nhất trong vườn đưa vào đặt lên bàn thờ cúng Tổ tiên bằng cả tấm lòng qua một năm gặt hái. Bởi vào dịp tết cổ truyền dân tộc là cam bù Hương Sơn lại vào mùa thu hoạch.