Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá táo ngon còn 1.000 đồng/kg, dân chặt cho ăn

Giá táo ngon còn 1.000 đồng/kg, dân chặt cho ăn
Ngày đăng: 27/11/2015

Những ngày qua, ở vùng chuyên canh cây táo của tỉnh Ninh Thuận là xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, hàng chục hecta trồng táo bị chặt lấy những cành nặng trĩu trái để cung cấp cho các trang trại trong tỉnh làm thức ăn cho đàn gia súc có sừng, do giá táo chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Với giá này, tiền bán táo không đủ để trả công.

Táo là loại cây đặc thù mà tỉnh Ninh Thuận khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang để phù hợp thời tiết khô hạn.

Thế nhưng người trồng táo đều trong tâm trạng mệt mỏi do rớt giá từng ngày.

Bà Phan Thị Kiên, nhà có 3,5 sào táo ở thôn Ninh Quý 3, nói trong tiếc rẻ: “Vườn táo tuy có trái không to lắm nhưng thương lái mua chỉ 1.000 đồng/kg, rẻ quá, thà bán cho bò, dê, cừu ăn”.

Theo bà Kiên, với giá trên, nếu bán cũng phải thuê công hái quả và sau đó lại thuê công cắt cành cho vụ sau nên thà bán cả cành.

Bà Kiên cho biết nếu trong năm ngày nữa giá táo vẫn không tăng, bà sẽ cho cắt bỏ cành của 2 sào táo còn lại.

“Nhiều năm trước, giá táo gần đạt đỉnh 20.000 đồng/kg, sau hạ dần còn 10.000 đồng/kg, còn giờ thì giá rớt thê thảm” - bà Kiên nói.

Sáng 26-11, trong sân nhà ông Nguyễn Văn Thiện - người có 1,5 sào táo ở thôn Ninh Quý 2 - chất đống cành táo kèm quả đã khô vì dê, bò ăn không hết.

Do đó, ông Thiện đi chở một xe cành táo kèm trái còn tươi từ các vườn táo cắt bỏ về cho chúng ăn.

Vừa ôm bó cành táo có trái ra cho dê, ông Thiện cho biết số cành này các chủ vườn cắt bỏ vì giá táo quá thấp.

“Với giá 1.000 đồng/kg, nếu thuê công hái táo một ngày được 1 tạ (100kg) cũng bán được 100.000 đồng nhưng phải trả tiền công 150.000 đồng.

Vậy là lỗ nên thà cắt bỏ cành táo kèm trái còn hơn” - ông Thiện nói.

Bà Võ Thị Mừng - chủ vườn táo 7 sào ở thôn Ninh Quý 2 - cho biết một vụ táo từ khi cắt cành đến thu hoạch là sáu tháng, nếu cắt cành gần thân thì phải mất tám tháng, với chi phí đầu tư phân bón, thuốc, công, điện cũng phải mất 15 triệu đồng/sào/vụ.

Nhưng đến kỳ thu hoạch như hiện nay, táo cực đẹp giá chỉ có 5.000 đồng/kg, táo thường thì 2.500 đồng/kg, còn táo nhỏ ăn vẫn ngon chỉ 1.000 
đồng/kg thì lỗ nặng.

“Lại phải vay nợ tái sản xuất cho vụ sau nữa rồi” - bà Mừng than.

Không chỉ các chủ vườn táo lao đao, các chủ vựa táo cũng than vì một số chuyến táo đi các tỉnh, thành phố bị lỗ.

Bà Lượng Thị Liên - một trong năm chủ vựa mua gom táo tại khu vực này - cho biết dù táo giá rẻ như vậy nhưng các vựa mua gom đưa đi TP.HCM và Hà Nội chỉ lời 500 đồng/kg.

“Nhiều khi chở táo đến nơi “đụng chợ” lỗ cũng phải bán, thậm chí tại Ninh Thuận có biết giá lỗ nhưng vẫn chở táo đi để giữ bạn hàng” - bà Liên cho biết.

Sẽ thành lập các hợp tác xã

Ông Phan Quang Thựu, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết toàn tỉnh có hơn 1.000ha táo, trong đó xã Phước Sơn được xem là vùng chuyên canh táo.

Hiện ngành nông nghiệp đang đề xuất quy hoạch lại tổng thể vùng chuyên canh táo trên cơ sở tính toán, đánh giá tình hình đầu ra sản phẩm của nông dân và nhu cầu tiêu thụ của thị trường toàn quốc.

Cũng theo ông Thựu, do mùa này mưa, trái cây nhiều nên giá táo có hạ, nhưng giá táo ở thị trường lớn như Hà Nội không hạ.

“Sau khi quy hoạch lại, chúng tôi sẽ chỉ đạo thành lập các hợp tác xã liên kết các khâu sản xuất của nông dân, tiêu thụ của doanh nghiệp lại với nhau nhằm ổn định giá táo giúp nông dân sống khá với nghề trồng táo” - ông Thựu nói.


Có thể bạn quan tâm

Đi Đầu Và Làm Lớn Đi Đầu Và Làm Lớn

Cả gan đi đầu và làm lớn, nhưng ông Bùi Ngọc Liêm lại chưa từng nếm mùi thất bại trong sản xuất- kinh doanh. Ngạc nhiên với điều này nên mặc dù trời rét đậm, mưa phùn dày hạt, chúng tôi vẫn nằng nặc bảo ông Liêm đưa ra ao tôm để mục sở thị điều ông nói: “Làm giàu không khó!”.

09/02/2014
Làng Biển Sắp Lên Hàng Tỷ Phú Làng Biển Sắp Lên Hàng Tỷ Phú

Bây giờ, về làng biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cứ nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. Ba năm trở lại đây, ai mất mùa cứ mất mùa, riêng người dân biển Hải Ninh nuôi tôm cứ thu nhập tiền tỷ đều.

09/02/2014
Còn Nhiều Cơ Hội Để Tăng Xuất Khẩu Thủy Sản Còn Nhiều Cơ Hội Để Tăng Xuất Khẩu Thủy Sản

Ông Hòe đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này trước thềm năm 2014. Ngoài cơ hội, ông cũng lưu ý về những nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm của họ theo đường tiều ngạch.

09/02/2014
Năm Thắng Lợi Của Xuất Khẩu Tôm Năm Thắng Lợi Của Xuất Khẩu Tôm

Năm 2013 Sóc Trăng đạt sản lượng 44.000 tấn tôm, cao gấp 3 lần so với năm 2011. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào con số 2,8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Chỉ tính riêng 2 nhà máy tại Khu công nghiệp An Nghiệp, giá trị xuất khẩu đã đạt 170 triệu USD.

09/02/2014
Xuất Khẩu Mừng Và Lo Xuất Khẩu Mừng Và Lo

Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trưởng khá nhờ thế mạnh về xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây… Tuy vậy, năm 2014 xuất khẩu của cả vùng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

09/02/2014