Giá Tăng, Người Chăn Nuôi Mạnh Dạn Tái Đàn

Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm. Ðiều đáng mừng là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang hồi phục.
Giá GSGC tăng mạnh
Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh ta đã tăng mạnh trở lại, do nhu cầu tiêu dùng tăng, nhất là ở thị trường các tỉnh phía Nam. Thời điểm này, giá heo hơi ở mức từ 45.000 - 47.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá heo giống cũng tăng theo giá heo hơi, hiện ở mức 73.000 - 75.000 đồng/kg; tăng 20.000 đồng/kg.
Không chỉ giá heo tăng, giá gia cầm, trứng gia cầm cũng đã nhích lên. Theo khảo sát tại các trang trại, gia trại chăn nuôi gà ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, giá gà công nghiệp lông vàng đang được các thương lái ở phía Bắc vào thu mua ở mức từ 70.000 - 72.000 đồng/kg; gà ta thả vườn 80.000 - 85.000 đồng/kg; gà ta nuôi trại 52.000 - 55.000 đồng/kg; so với mức giá cách đây khoảng 2 tháng, giá gà đã tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Trứng gà công nghiệp, trứng gà ta cũng tăng từ 200 - 500 đồng/quả; giá trứng gà công nghiệp đang ở mức 2.000 - 2.200 đồng/quả; trứng gà ta 3.000 - 3.300 đồng/quả.
Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chăn nuôi gà lấy trứng ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), cho biết: Các năm trước, thị trường GSGC thường chỉ biến động nhẹ khoảng 2 - 3 tháng là hồi phục, nhưng năm nay giá giảm sâu và kéo dài khá lâu, người chăn nuôi bị thua lỗ. Hiện nay, nhờ dịch bệnh được khống chế tốt, giá các sản phẩm GSGC đã hồi phục trở lại nên việc chăn nuôi đã bắt đầu có lãi.
Trang trại của ông đang nuôi 400 con gà siêu trứng, với giá trứng đang hồi phục ở mức 2.000- 2.200 đồng/quả, mỗi ngày ông có lãi trên 300 ngàn đồng. Ông đang tiếp tục nuôi đàn gà hậu bị hơn 200 con để thu hoạch trứng vào thời điểm cuối năm.
Hầu hết các trang trại, gia trại nuôi gà cách đây 2-3 tháng phải “treo chuồng” do giá sản phẩm thấp cũng đã nhập gà giống để nuôi lứa cuối năm; mỗi trại nuôi trung bình từ 400 - 600 con.
Giá các loại thức ăn chăn nuôi hiện khá ổn định cũng làm cho việc khôi phục đàn GSGC được thuận lợi. Ông Cao Văn Khanh, chủ cơ sở sản xuất gà giống ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh.
Mỗi ngày cơ sở của tôi cung ứng cho người chăn nuôi từ 15.000 - 20.000 con gà giống (1 ngày tuổi), giá 17.000 đồng/con. So với cách đây 2 tháng, giá gà giống đã tăng 5.000 đồng/con. Tuy vậy, nguồn giống để cung ứng cho người chăn nuôi vẫn thiếu so với nhu cầu tái đàn hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi cấp I ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đã giữ ổn định giá bán nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người chăn nuôi.
Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi mang các nhãn hiệu như: CP, Cargill, Con Cò, Green Feed… đang ở mức từ 270-590 ngàn đồng/bao (từ 25 - 40 kg/bao). Giá các loại thức ăn chăn nuôi ổn định, trong khi giá GSGC tăng trở lại tạo điều kiện cho người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh
Thị trường GSGC đang ổn định là điều đáng mừng, giúp người chăn nuôi có nguồn thu nhập bù vào thua lỗ trước đó. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, giết mổ GSGC tại các chợ, các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ dịch cúm gia cầm, dịch “heo tai xanh”, lở mồm long móng có thể tái phát trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thời tiết ở tỉnh ta đang bắt đầu vào mùa mưa lũ, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao. Việc chăn nuôi trâu, bò thả rông, nuôi vịt chạy đồng thiếu kiểm soát cũng là nguy cơ có thể làm dịch bệnh tái phát, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi phục vụ thị trường Tết sắp đến.
Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn GSGC thời điểm cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống rét lạnh cho đàn GSGC, nhất là cần chú trọng sửa chữa chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn gia súc; dự trữ thức ăn, tiêm phòng dịch bệnh trong suốt mùa mưa.
Các địa phương cần tăng cường quản lý việc nuôi vịt chạy đồng, giám sát chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm mới để đề phòng dịch bệnh tái phát.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Ước tính đàn gà, vịt trên địa bàn tỉnh hiện có gần 7 triệu con, đàn heo trên 710 ngàn con. Nhằm khống chế dịch bệnh, không để tái phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên GSGC, Chi cục đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, “heo tai xanh”, dịch tả, tụ huyết trùng.
Từ cuối tháng 8 đến nay, lực lượng Thú y đã ra quân tiêm phòng đợt 2 cho đàn GSGC, đến nay đã tiêm phòng cúm gia cầm cho trên 3 triệu con gia cầm; đồng thời tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tả cho đàn gia súc. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã phát động tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng để phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn GSGC, từ ngày 10.9 đến ngày 10.10.2014.
Có thể bạn quan tâm

Trong 02 kỳ họp trực tuyến liền kề với các sở, ngành tỉnh Trà Vinh và UBND các huyện, thành phố do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và tháng 5/2014, bàn giải pháp những tháng cuối năm… lãnh đạo UBND tỉnh đều nhấn mạnh đến nội dung: Các sở, ngành tỉnh cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch cúm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC); kiên quyết không để tái phát dịch.

Với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng và cái “bắt tay” của ba công ty lớn là Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood và Vissan, liên doanh này tuyên bố sẽ hạ giá sữa và thịt bò trên thị trường Việt Nam.

Mặc dù mới bước vào chính vụ chưa đầy tháng nhưng giá khóm thu mua tại vườn đã giảm gần một nửa so với cách đây vài tháng. Giá khóm đạt mức 2.700-2.900 đồng/trái (loại 1kg), thời điểm sau tết đạt 5.400 đồng/kg.

Cây tiêu được xem là một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu tính bền vững, gây ra sự lây lan của dịch bệnh… đã làm thiệt hại không nhỏ đến đời sống của người dân trồng tiêu trên địa bàn.

Ông Đoàn Kiệm nổi tiếng ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán - Đồng Nai) là nông dân có đôi tay “vàng”. Trên vùng đất khô hạn, nhiều loại cây trồng dễ tính còn khó phát triển, ông lại trồng thành công các loại cây đặc sản khó tính, như: cam, quýt, bưởi.