Giá Rớt Thê Thảm, Dâu Bòn Bon Rụng Ngập Vườn

Những ngày qua, nhà vườn trồng dâu bòn bon ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ như ngồi trên đống lửa bởi giá tuột dốc thê thảm, hàng ngàn tấn dâu bòn bon chín rục đầy vườn mà không ai mua.
Giá rớt thê thảm
Ngày 4.6, trao đổi với phóng viên NTNN, lão nông Nguyễn Văn Ơn buồn bã cho biết: “Mấy ngày nay giá dâu bòn bon chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi những năm trước, khi vào chính vụ, thương lái vẫn vào tận vườn hái mua với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dâu bon rớt giá thảm hại mà thương lái không buồn mua”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vườn dâu bòn bon của ông Ơn đã chín vàng rực, trái rụng khắp vườn. Trước cảnh thương lái không thu mua dâu bòn bon, ông Ơn đã huy động mọi người trong gia đình hái đem ra chợ bán để vớt vát, nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được dăm kg.
“Tiền bán dâu bòn bon không đủ tiền đổ xăng, vận chuyển đi về, nói chi đến việc bù lỗ tiền phân bón, chăm sóc. Từ đầu vụ đến giờ, 4 công dâu bòn bon bán chưa được 1/3. Giá thấp, thương lái không mua gia đình tôi đành để dâu bòn bon chín rụng trong vườn, nhìn dâu bòn bon rụng mà xót xa!” - ông Ơn than thở.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mọi năm dâu bon xanh giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg đầu vụ, nhưng nay thương lái cân chỉ còn 3.500 - 4.000 đồng/kg tại vườn (tùy loại dâu bòn bon đẹp, xấu). Nhưng thương lái cũng chỉ cân cầm chừng chứ không mua hết vườn như những năm trước. Còn dâu bòn bon xiêm thì giá nhích hơn một chút, đạt 5.000 – 6.000 đồng/kg (đầu vụ giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg).
Trong khi hàng ngàn tấn dâu bòn bon ở Phong Điền đang ùn ứ đầu ra thì hàng trăm ha dâu bòn bon Hạ Châu tại huyện này cũng đang chuẩn bị vào chính vụ. Loại dâu bòn bon này được xem là trái cây đặc sản của huyện và đã được đăng ký thương hiệu, hàng năm giá bán lẻ đạt khoảng 50.000 đồng/kg lúc đầu vụ, nhưng với tình hình dâu bòn bon tiêu thụ chậm, giá thấp như hiện nay thì những nhà vườn trồng dâu bon đặc sản cũng rầu thúi ruột, đứng ngồi không yên.
“Mấy ngày qua, gia đình tôi lo lắng, ăn ngủ không yên vì dâu bòn bon bán rất chậm. Nếu đầu ra của các loại dâu bon bế tắc kéo dài, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bán của dâu bon Hạ Châu” – chị Ba Hồng lo lắng nói.
Nghiên cứu làm nước ép
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mỹ Ái - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền cho biết: “Toàn huyện có hơn 500ha dâu bòn bon các loại. Khoảng 2 tuần nay, giá dâu bòn bon các loại trên địa bàn sụt giảm trầm trọng, khiến nhà vườn thua lỗ nặng”.
Cũng theo Phòng NNPTNT huyện Phong Điền, hiện tượng dâu bòn bon rớt giá thảm hại như vừa qua là do 2 nguyên nhân chính: Một là sản lượng dâu bon năm nay tăng bất thường, trung bình 1ha trồng dâu bon, mỗi năm cho khoảng 20 tấn, nhưng năm nay mỗi ha cho tới 40-50 tấn, trái dâu bòn bon lại có vị chua hơn năm ngoái nên bị thương lái chê; hai là do thị trường Campuchia (thị trường chính của dâu bòn bon Phong Điền) “ăn” hàng ít hơn mọi năm.
Dâu bòn bon miền Tây có nhiều giống, trong đó loại ngọt và hơi ngọt. Có dâu bòn bon xanh, dâu bòn bon Bà Phước, Hạ Châu… Dâu bòn bon có màu sắc đẹp, trái sai, đều, độ ngọt cao và thích hợp với nhiều loại đất. Ngoài việc đưa trái dâu bòn bon đi khắp nơi tiêu thụ, một số nông dân còn cho khách du lịch tham quan, hái trái tại vườn.
Chiều 4.6, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Thái Nghiêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền cho biết:
“Những năm trước, bình quân thương lái xuất qua thị trường Campuchia bằng đường tiểu ngạch khoảng 2.000 – 3.000 tấn dâu bon, còn lại phần lớn tiêu thụ nội địa. Cũng do đặc điểm của mặt hàng này chủ yếu ăn tươi, không bảo quản được lâu nên rất khó tìm thị trường xuất khẩu”.
“Để khắc phục tình trạng dâu bòn bon trúng mùa mất giá, chúng tôi đã đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu làm sản phẩm nước ép và rượu chế biến từ trái dâu bòn bon. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang hướng dẫn người dân phân bổ diện tích trồng dâu bòn bon và các loại nông sản khác một cách hợp lý, hướng tới trồng các loại trái cây đặc sản có thương hiệu như cam mật, chanh không hạt, nhãn Iso…” – ông Nghiêm cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: Tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh bị khô kiệt đã làm cho diện tích nuôi cá bị thu hẹp đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được gần 720 ha diện tích cá nước ngọt, chỉ bằng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nuôi cá trong các hồ chứa nước 605 ha, nuôi cá trong ao lót bạt 10,4 ha. Ngoài ra, việc nuôi cá lồng trong các hồ chứa cũng sụt giảm, thể tích lồng nuôi cá nước ngọt chỉ đạt 7.600m3, bằng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, do nguồn nước bị khô kiệt, việc duy trì sản xuất, bảo vệ đàn cá giống bố mẹ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu đang hết sức khó khăn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì mô hình nuôi cá ao tự nhiên ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang phát triển, được nhiều nông dân hưởng ứng và muốn nhân rộng. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đem lại thì bà con nuôi cá đang phải đối mặt với nỗi lo canh cánh về đầu ra sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đu đủ là loại cây trồng quen thuộc của người dân nông thôn. Nhưng không có nhiều người biết đu đủ là loại cây trồng có thể “đổi đời” cho một số hộ nông dân. Trường hợp như gia đình anh Nguyễn Văn Mít, ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên (Tây Ninh) là một thí dụ. Với trình độ văn hoá chỉ mới lớp 7, anh Nguyễn Văn Mít gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một nghề để mưu sinh.