Giá Rau Màu Giảm Mạnh

Khoảng gần 3 tuần qua, bà con trồng rau màu thuộc 2 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò thấp thỏm vì giá rau màu liên tục giảm. Nguyên nhân giảm do lượng hàng cung đang áp đảo nhu cầu của thị trường.
Hiện tại, giá khoai môn chỉ còn 7.000-8.000đồng/kg, kiệu 13.000-15.000 đồng/kg, bắp non từ 13.000-14.000 đồng/kg, rau muống từ 3.000-4.000 đồng/kg, giảm khoảng 30-40% so với thời điểm đầu năm 2014.
Ông Đặng Văn Long ngụ ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A, người có thâm niên nhiều năm trồng khoai môn chia sẻ: “Chưa năm nào giá khoai môn lại xuống thấp như năm nay. Thời điểm vụ đông xuân, giá khoai môn bán được 14.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản phí còn lời hơn 40 triệu đồng.
Còn tình hình hiện tại, thu hoạch khoai môn đem bán chỉ đủ trả tiền công thuê, do vậy vợ chồng tôi không dám thuê nhiều người làm mà phải “đánh vật” với ruộng khoai môn của gia đình, mong bỏ công để thu lại chút ít”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành ngụ ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A, cho biết: “Với giá cả như hiện nay thì người trồng không những không có lời mà còn mất công chăm sóc. Đầu tư trồng 1 công kiệu mất khoảng 7-8 triệu đồng, bao gồm tiền giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, đến lúc thu hoạch bán ra thị trường giá lại giảm thấp.
Vụ này nhà tôi trồng 1,5 công kiệu, sau khi trừ các khoản phí tính ra chỉ phá huề. Tôi rất mong được các công ty ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho bà con, giá cả ổn định để bà con nông dân tập trung vào sản xuất”.
Không chỉ riêng khu vực xã Mỹ An Hưng A, vùng trồng rau thuộc xã Mỹ An Hưng B người trồng rau màu đều than vắn, than dài về giá cả. Ông Mai Văn Sáu ngụ ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B cho biết: “Để trồng được rau dền, cải ngọt xanh mơn mởn, tôi phải bỏ biết bao công sức ra chăm sóc mong kiếm đồng lời, ai dè bán không có giá. Không biết bao giờ nông dân mới thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vụ này, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình tôi bị lỗ khoảng 5-6 triệu đồng”.
Khảo sát tại các cánh đồng rau thuộc khu vực xã Mỹ An Hưng B cho thấy ngoài các loại rau trái vụ như: mùng tơi, cà chua, mướp ván giữ được giá, các loại rau khác đều sụt giá như rau dền giá 3.000 - 4.000đồng/kg, cải ngọt từ 3.000 - 3.5000 đồng/kg, xà lách 4.000 - 5.000 đồng/kg, bông súng 7.000-8.000 đồng/kg, dưa leo 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm nhiều so với thời điểm tháng 2.
Lý giải việc rau màu đồng loạt giảm giá, anh Tô Phước Lập, ngụ ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B nói: “Do thời gian gần đây con nước thay đổi thất thường, đa số nông dân tranh thủ trồng và thu hoạch trước khi lũ ngập ruộng, nên nguồn rau màu cung ứng cho thị trường dồi dào kéo theo tình trạng cung vượt cầu.
Các thương lái lấy cớ nguồn cung dồi dào thu mua với giá thấp khiến nông dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn”. Còn theo bà con nông dân thuộc vùng rau màu 2 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B thì diện tích rau trồng tại địa phương ngày càng được mở rộng, trong khi nông dân vẫn phải phụ thuộc vào giá cả thương lái đặt ra.
Hầu hết bà con đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.

Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn huyện Đại Lộc tất tả thu hoạch dưa hấu vụ đông xuân. Trên nhiều cánh đồng dưa hấu, nông dân khẩn trương thu hoạch bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc.

Hiện nay sản phẩm tôm chiếm 65% trên tổng số lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa. Nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm chân trắng nói riêng đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi con tôm đang mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ nuôi trồng.

Những năm gần đây, ngoài sản xuất vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa mùa trong năm, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang còn tự phát gieo sạ vụ lúa Thu Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ 3 được đánh giá là lợi bất cập hại khi rủi ro rất cao.

Với hơn 40 loại rau, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, nhưng hiện vẫn thiếu hơn 350 nghìn tấn rau/năm so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để không phải nhập rau an toàn từ các địa phương khác đang trở thành mục tiêu phấn đấu của các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng rau ở Hà Nội hiện nay.