Giá Rau Chả Bõ Công Trồng

Giá bắp cải, su hào, cải cúc thời điểm này chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Giá rau củ sau Tết rớt giá thê thảm khiến người trồng rau phải bán tống bán tháo, thậm chí có hộ còn mang ra làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, chị Thu Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đạp xe chở rau đi gần 2 chục cây số đến khu chợ đầu mối Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) để bán. “Những ngày nắng ấm còn đỡ vất vả chứ những ngày rét như hôm nay thì đi bán đúng là chẳng bõ cái công, rau giờ rẻ như bèo”, chị chia sẻ.
Năm nay được mùa, người dân trồng rau thu hoạch được khá nhiều, những tưởng kỳ này kiếm thêm được chút tiền, ai dè giá rau lại rớt thê thảm. Nếu như vào năm ngoái, giá bắp cải vào khoảng 10.000 đồng/cây thì bây giờ giá chỉ còn 1 nửa. Giá 1 cây bắp cải thời điểm này chỉ khoảng 5.000-7.000 đồng, su hào thì từ 1.000-2.500 đồng 1 củ, rau cải cúc chỉ còn 700-1.000 đồng/mớ.
Chị Hòa cho biết : "Ra Tết, mọi người mua rau cũng ít, do vậy không thể tăng giá rau thêm được nữa. Giá bắp cải bình thường bán 6.000-7.000 đồng, nhưng nếu người mua trả giá 3.000-4.000 đồng cũng phải bán, nếu không sẽ không thể bán hết hàng.”
Mỗi cây bắp cải giống, chị Hòa cho biết đã mua với giá 1.200 đồng/cây. Chăm sóc, trồng trọt trong khoảng 3 tháng thì thu hoạch được. Nay bán với giá 4.000-5.000 đồng/cây thì thật chẳng thu về được là bao so với công chăm sóc của gia đình chị.
Đối với những hộ chỉ trồng rau để kiếm sống như gia đình chị thì phải cố gắng đi chợ đến chiều tối, chạy hết chợ này đến chợ khác để bán hết rau, hôm sau lại lấy rau mới, còn đối với những hộ nuôi thêm cả cá hay lợn thì với giá rau “rẻ như bèo” thế này, người dân chỉ mang đi bán một ít, còn lại mang cho cá, lợn ăn. “Rau rẻ thế này thì người ta mang cho cá với lợn của nhà ăn, vừa đỡ mất công lại đỡ tốn thêm tiền mua thức ăn cho vật nuôi”, chị Hòa nói.
Khách đi chợ cũng thấy khá bất ngờ vì giá rau thời điểm này lại rẻ như vậy. Chị Thu Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Rau bây giờ rẻ thật, từ Tết đã thấy không tăng giá. Hôm trước mất có 5.000 đồng mua được tận 3 củ su hào. Mà cũng thấy tội cho người bán rau nên bây giờ người ta nói giá bao nhiêu tôi cũng mua luôn, chứ không mặc cả như mọi khi.”
Tuy nhiên, chị Hòa phấn khởi cho biết, mấy ngày hôm nay trời trở lạnh nên giá rau cũng đá nhích lên được một chút. Giá su hào tăng thêm được từ 500-1000 đồng/củ, bắp cải tăng thêm được 1.000-2.000 đồng/ cây. Chị cũng hy vọng sắp tới giá rau củ sẽ được giá một chút cho gia đình chị đỡ vất vả.
Có thể bạn quan tâm

Anh Cao Thanh Tuấn (sinh năm 1976, ngụ ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, Châu Thành, An Giang) áp dụng thành công mô hình nuôi vịt trời. Với tổng đàn vịt trời trên 1.200 con, anh thu nhập gần trăm triệu đồng/năm từ bán thịt và giống.

Tháng 12-2014, từ nguồn vốn của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, 17 hộ nghèo, cận nghèo ở thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên được hỗ trợ 5 con lợn giống/hộ (tương đương 6 triệu đồng) để phát triển sản xuất. Đến nay, mô hình đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ, có 8 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay.

Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, không chỉ được nuôi nhốt tại các vườn thú phục vụ nhu cầu tham quan, chăn nuôi đà điểu đã trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều trang trại và nông hộ.

Nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang hết sức lo lắng bởi tình trạng khô hạn ở các ao đầm, suy giảm tốc độ tăng trọng và nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.