Giá Mía Giảm

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, việc công ty mía đường ra thông báo giảm giá thu mua trong lúc này khiến ngành chức năng và nông dân đều lo lắng.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), kể từ 2 giờ, ngày 30-10 công ty sẽ giảm giá thu mua mía 50 đồng/kg so với đầu vụ. Cụ thể, mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp giảm từ 880 đồng/kg xuống còn 830 đồng/kg; tại Xí nghiệp đường Vị Thanh giảm từ 905 đồng/kg xuống còn 855 đồng/kg.
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Casuco, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp, cho biết: Nguyên nhân giá mía giảm là do lượng đường sản xuất ra khó tiêu thụ, giá bán liên tục giảm do ảnh hưởng của đường nhập lậu từ Thái Lan.
Để tránh tình trạng lỗ lã, hiện Casuco bắt buộc phải điều chỉnh giảm giá thu mua mía trong dân. Trước tình hình khó khăn chung của ngành mía đường hiện nay, việc Casuco giảm giá chỉ là bất đắc dĩ, nên rất cần sự thông cảm của bà con nông dân.
Cũng theo ông Vinh, nhìn chung chất lượng mía nguyên liệu năm nay tốt hơn mọi năm, đặc biệt là giống mía chín sớm ROC 16. Hiện chữ đường bình quân từ đầu vụ đến nay đo tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trên 10 CCS.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, về cơ bản giống mía ROC 16 đã thu hoạch gần dứt điểm và bà con đang chuyển sang các giống mía khác nên chữ đường mía gần đây không cao.
Chính vì vậy, việc thu mua mía tại rẫy có giảm là do một phần các nhà máy đường điều chỉnh hạ giá thu mua và một phần do chất lượng của các giống mía lúc này thấp (nhất là chữ đường) so với giống ROC 16.
Qua khảo sát trên thị trường, hiện đường Thái Lan nhập lậu vào thị trường Việt Nam hiện nay khá nhiều và giá bán chỉ ở mức 11.400-11.500 đồng/kg, trong khi đường từ các nhà máy trong nước sản xuất bán ra là 11.800-12.100 đồng/kg. Với việc chênh lệch nhau 400-600 đồng/kg, nên hầu hết sản lượng đường từ các nhà máy trong nước sản xuất ra trong lúc này đều khó tiêu thụ và tồn kho với số lượng lớn.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15-10, các nhà máy đã ép được 416.000 tấn mía, sản xuất được 36.800 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 64.000 tấn, lượng đường tăng 7.100 tấn. Lượng đường tồn kho của các nhà máy tính đến ngày 15-10 là 202.500 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 43.000 tấn, riêng Casuco đang tồn kho khoảng 20.000 tấn.
Từ việc đường tồn kho nhiều, giá bán thấp nên các nhà máy đường đã bắt đầu hạ giá thu mua mía nguyên liệu trong dân, điều này khiến người trồng mía và ngành chức năng không khỏi lo lắng, bởi vùng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch, nhất là trong điều kiện nước lũ về như hiện nay.
Anh Huỳnh Văn Ly, ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp đang lo lắng cho 1ha mía đã đến ngày thu hoạch nhưng giá mía liên tục sụt giảm khiến gia đình vẫn chưa bán được mía.
Anh Ly cho hay: “Cách nay 5 ngày, giá mía giống K88-92 còn ở mức 780 đồng/kg, gia đình ráng đợi lên 800 đồng/kg sẽ bán, nhưng giá mía không lên mà còn giảm 50 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất vụ này ở mức 750 đồng/kg, với giá thu mua hiện tại thì làm sao nông dân bán được. Giải pháp lúc này là tiếp tục neo lại chờ giá lên”.
Do điều kiện gia đình gặp khó khăn, nên dù biết giá mía thấp, không có lợi nhuận, nhưng anh Lê Hoàng Giang, ở cùng ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng cũng đành bóp bụng bán mía với giá 730 đồng/kg cho thương lái.
Anh Giang buồn bã chia sẻ: “Do trồng giống mía chín muộn (giống K88-92) nên gia đình mới neo mía đến thời điểm này. Cứ ngỡ càng về cuối vụ giá mía được cải thiện phần nào, nhưng càng để lâu giá mía càng sụt giảm. Để có tiền trang trải cuộc sống và không biết giá mía có còn giảm nữa hay không, nên gia đình đành bán mía trong lúc này”.
Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho biết: Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 4.650/8.345ha mía. Điều lo lắng của ngành trong lúc này là việc các nhà máy đường thông báo giảm giá thu mua mía trong dân, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch mía, vì không ít người dân sẽ tiếp tục neo mía lại.
Do đó, với tình hình giá mía bấp bênh như hiện nay và nước lũ đang dâng lên, để tránh thiệt hại, hiện ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương nên khuyến khích người dân không nên neo mía, nhất là những khu vực ngoài đê bao mà tranh thủ thu hoạch. Ngành cũng đề nghị các nhà máy đường nên xem xét giữ mức giá thu mua như đầu vụ để nông dân có được nguồn lợi nhuận và có điều kiện tái đầu tư cho vụ sau.
Bởi, giá thành sản suất trong vụ mía này mà nông dân phải bỏ ra là khoảng 760 đồng/kg, nhưng hiện nay, thương lái vào mua mía tại rẫy chỉ có giá 700-730 đồng/kg, thậm chí một số khu vực của xã Hòa Mỹ giá chỉ có 660 đồng/kg, từ đó gây nhiều khó khăn cho người trồng mía…
Có thể bạn quan tâm

Sở Khoa học và công nghệ (KHCN) vừa tổ chức Hội đồng khoa học nhằm tổng kết, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi Đường lá cam theo hướng triệt tiêu hạt bằng biện pháp xử lý đột biến, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của giống bưởi đặc sản tỉnh Đồng Nai” do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện.

Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận.

Trên địa bàn thị xã Bắc Kạn hiện có khoảng 30ha rừng mỡ bị sâu ong gây hại, tập trung ở các thôn Bản Rạo (xã Xuất Hóa); thôn Nà Ỏi, Bản Bung (xã Dương Quang); Nà Chom, Khau Pút (xã Nông Thượng) và gần đây nhất là ở tổ 18, phường Sông Cầu.

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong thời kỳ suy thoái kinh tế” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, nhận định, dù tỉnh có nhiều lợi thế nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Hiện tại, không thiếu mô hình doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu nông sản. Nhưng trong thực tế, nhiều mô hình liên kết này thiếu tính bền vững. Nông dân sẵn sàng phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, DN không thực hiện đúng các cam kết trong bao tiêu khi thị trường bất lợi.