Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Lúa Hè Thu Chính Vụ Đảo Chiều Tăng Mạnh

Giá Lúa Hè Thu Chính Vụ Đảo Chiều Tăng Mạnh
Ngày đăng: 17/09/2014

Trong những ngày qua, thời tiết thuận lợi, nông dân các huyện, thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và TX. Cai Lậy tập trung thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu chính vụ 2014 trước khi nước lũ tràn về. Vụ lúa này, năng suất và giá cao hơn cùng kỳ năm ngoái nên nhiều bà con phấn khởi. Tuy nhiên, một số nông dân tỏ ra tiếc nuối vì đã bán lúa trước đó giá không cao như hiện nay.

Giá lúa tăng ở cuối vụ

Trong những ngày này, nông dân các huyện, thị phía Tây của tỉnh tích cực thu hoạch lúa hè thu chính vụ 2014. Khác với thời điểm cách nay 1 tháng, hiện tình hình tiêu thụ lúa rất thuận lợi khi giá tăng, thương lái đẩy mạnh thu mua.

Vừa bán xong 0,8 ha lúa IR 50404, với năng suất 7,5 tấn/ha và giá bán 4.950 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nguyễn Minh Tâm, ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè thu lãi 1,9 triệu đồng/công. Ông Tâm cho biết, bán được giá như hiện nay, gia đình nào cũng mừng vì có được tiền để trả tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu và chuẩn bị giống, vật tư, cày ải… cho vụ sản xuất sau.

“Khi lúa còn khoảng nửa tháng là thu hoạch, nông dân đứng ngồi không yên vì giá cứ lên xuống thất thường. Hơn nữa, thu hoạch vụ này, người dân phải chờ khoảng 6 tháng nữa mới có lúa thu hoạch, vì phải để đất ngâm lũ. Chính vì thế, chúng tôi không lo lắng sao được. Nhưng giá tăng đúng ngay thời điểm thu hoạch nên ai cũng thấy mừng” - ông Tâm bộc bạch.

Có chung niềm vui trúng mùa, trúng giá vụ lúa hè thu chính vụ, ông Nguyễn Văn Mai, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Nhờ bán lúa giá cao nên phần nào cứu vãn được tình thế khó khăn. Bởi trước đó, do trời mưa liên tục nên lúa bị đổ ngã, việc thu hoạch gặp bất lợi và tốn nhiều chi phí”. Gia đình ông Mai cũng vừa thu hoạch xong 0,4 ha lúa IR 50404, bán với giá 4.900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mà ông thu về khoảng 30%.

Thương lái Hồ Văn Hải, thu mua lúa tại ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A cho biết, chưa năm nào lại thấy giá lúa hè thu chính vụ “đảo chiều” tăng mạnh như năm nay. Khoảng 1 tháng trước đó, giá lúa thường chỉ 4.000 - 4.300 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ từ 3.800 - 3.900 đồng/kg.

Thế nhưng, từ cuối tháng 8 đến nay, giá lúa “đảo chiều” và đã tăng 1.000 đồng/kg. Hiện giá lúa tươi đang ở mức 4.900 - 5.100 đồng/kg đối với giống IR 50404 mua tại ruộng, còn lúa hạt dài từ 5.200 - 5.400 đồng/kg; nếu bán lúa khô, giá cao hơn từ 1.000 - 1.100 đồng/kg.

Theo nhận định của một số thương lái, nguyên nhân giá lúa hè thu chính vụ tăng mạnh trong những ngày qua là do thị trường xuất khẩu gạo trong nước được cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm. Hiện có không ít doanh nghiệp ký được hợp đồng với đối tác với số lượng lớn, nhất là các đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia và Philippines.

Ngoài ra, tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch đang tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp vừa đẩy mạnh chế biến xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới, vừa tăng cường xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Dự báo từ nay đến cuối vụ thu hoạch, lúa hè thu chính vụ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá do nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường các nước trên thế giới cần số lượng lớn.

Nhiều nông dân bán lúa “hớ giá”

Vụ lúa hè thu chính vụ 2014, các huyện, thị phía Tây của tỉnh xuống giống 40.000 ha, hiện nông dân đã thu hoạch 90% diện tích, ước đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, toàn huyện đã thu hoạch 12.000/17.000 ha và sẽ thu hoạch dứt điểm vào ngày 20-9.

Các giống lúa đã thu hoạch là: IR 50404, AP 2010, AP 2013, OM 5451. Giá lúa thời gian gần đây luôn ổn định ở mức cao nên nhiều nông dân phấn khởi. Hiện ngành Nông nghiệp kết hợp với các xã còn diện tích lúa hè thu chính vụ chưa thu hoạch tập trung củng cố đê bao để bảo vệ lúa.

Tại huyện Cai Lậy, bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đến thời điểm này nông dân thu hoạch được 90% diện tích (8.000/8.800 ha). Trên địa bàn huyện, giá lúa IR 50404 từ 4.900 - 5.100 đồng/kg, lúa hạt dài cao hơn 300 đồng/kg…

Do đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch nên giá lúa tuy có tăng nhưng không có nhiều nông dân của các huyện phía Tây được hưởng niềm vui vì diện tích và sản lượng lúa còn lại rất ít. Ông Nguyễn Văn Nam, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận tâm sự: “Giá lúa tăng nhưng không có bao nhiêu người được lợi. Bởi, cách đây khoảng nửa tháng, khi thu hoạch xong là tôi và bà con ở đây đã bán luôn lúa tươi tại ruộng. Khi đó, lúa IR 50404 chỉ có giá từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, tính ra không có lời bao nhiêu”.

Theo bà con nông dân, để cạnh tranh và mua được lúa, các thương lái sẵn sàng đặt tiền cọc trước với người dân. Bà Nguyễn Thị Thắm, ấp 4, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy cho biết: “Do tôi lấy tiền cọc cách nay 5 ngày nên chỉ bán được giá 4.900 đồng/kg, riêng những hộ mới nhận cọc thì được nâng lên 5.000 - 5.100 đồng/kg. Do thương lái đang tranh nhau mua lúa nên bà con thu hoạch đến đâu là bán hết lúa tươi đến đó, ít có người vựa lại”.

Trước tình hình giá lúa có nhiều khởi sắc theo hướng có lợi cho nông dân và được dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, trong khi trong tỉnh không còn nhiều lúa hè thu chính vụ và vụ thu đông còn khá dài. Chính vì vậy, giải pháp hiện nay là ngành Nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên các trà lúa hè thu chính vụ chuẩn bị thu hoạch ở các huyện phía Tây và trà lúa thu đông ở các huyện phía Đông, bảo đảm lúa đạt chất lượng khi thu hoạch.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo tháng 8 - 2014 đạt 627.089 tấn, trị giá FOB 270,353 triệu USD, trị giá CIF 284,690 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 431,12 USD/tấn. So với tháng 7 - 2014, số lượng tăng 1,87%, trị giá FOB tăng 2,23%, trị giá CIF tăng 1,37%, giá bình quân tăng 1,54 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng tăng 1,4%, trị giá FOB tăng 2,94%, trị giá CIF tăng 5,86%, giá bình quân tăng 6,47 USD/tấn.

Lũy kế xuất khẩu 8 tháng của năm 2014, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 4,243 triệu tấn, trị giá FOB 1,831 tỷ USD, trị giá CIF 1,932 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 431,38 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 9,17%, trị giá FOB giảm 8,55%, trị giá CIF giảm 7,26%, giá bình quân tăng 2,95 USD/tấn.

Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu tháng 8 gần đạt kế hoạch đề ra là 650 ngàn tấn, cao hơn tháng trước và cao hơn mức bình quân 8 tháng, tuy nhiên lũy kế 8 tháng vẫn thấp hơn cùng kỳ đáng kể. Xuất khẩu chính trong tháng vẫn tập trung thị trường Philippines, sau đó đến châu Phi, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành

“Lúc mới về khu vực thôn Xuân Đông, tôi mua hơn 3ha đất đồi. Với ý định trồng tỏi, tôi thuê máy múc san ủi, cải tạo thành những diện tích vuông vắn; phía dưới tận dụng lớp đất bazan, phía trên phủ một lớp đất cát dày từ 2 - 3cm để tạo độ tơi xốp và giữ độ ẩm.

04/11/2014
Phụng Hiệp (Hậu Giang) Triển Vọng Mô Hình Bơm Nước Tập Trung Phụng Hiệp (Hậu Giang) Triển Vọng Mô Hình Bơm Nước Tập Trung

Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang thực hiện thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng. Tuy mới triển khai, nhưng mô hình đã được ngành chức năng và người dân địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc giảm áp lực mía chạy lũ, nâng cao thu nhập cho người dân.

04/11/2014
Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Thu Nhập 48 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Thu Nhập 48 Triệu Đồng/ha

Năm 2014, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn, gồm 13 cánh đồng mẫu sản xuất lúa và 5 cánh đồng mẫu sản xuất cây rau màu, vượt 15 cánh đồng so với kế hoạch tỉnh giao.

04/11/2014
Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

04/11/2014
Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An) Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An)

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

04/11/2014