Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Lúa Giảm Mạnh, Hậu Cần Thu Mua Đói Meo

Giá Lúa Giảm Mạnh, Hậu Cần Thu Mua Đói Meo
Ngày đăng: 12/03/2014

Khoảng hơn 1 tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL liên tục giảm mạnh khiến nhiều thương lái không dám đi thu mua vì sợ lỗ.

Do đó, các dịch vụ ăn theo mùa thu hoạch như: Máy GĐLH, ghe lúa chở thuê, lò sấy, công nhân bốc vác... đói meo. Còn nông dân thì gặp khó vì không có tiền trang trải chi phí mùa vụ.

Đã thành thông lệ, mỗi khi nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ là giá lúa lại giảm mạnh. Ở hầu hết các tỉnh, thành có diện tích sản xuất lúa lớn như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… giá lúa đã đột ngột giảm mạnh trong thời gian ngắn, khiến giới thương lái càng thu mua thì càng lỗ nên thà bỏ cọc để chịu lỗ ít hơn.

Ông Lê Văn Tám, chủ 2 chiếc máy GĐLH đang thu hoạch lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho rằng: “Chỉ trong một tuần mà giá lúa đã giảm tới 200-300 đ/kg nên thương lái bắt buộc phải bỏ tiền cọc, vì nếu mua theo hợp đồng đã đặt cọc trước đó thì lỗ nặng hơn nhiều lần. Vì vậy mà dịch vụ máy GĐLH cũng bị ảnh hưởng theo”.

Tương tự, ông Lê Công Toại, chủ 3 máy GĐLH đang thu hoạch lúa thuê ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết, do nhiều thương lái đột ngột bỏ tiền đặt cọc nên nông dân không bán được lúa tươi, bắt buộc phải lùi ngày thu hoạch lại để chuẩn bị tìm chỗ phơi, sấy nên công việc của ông cũng bị ảnh hưởng. Trung bình vào vụ ĐX mỗi chiếc máy GĐLH của ông Toại gặt được 3,5 ha/ngày thì mấy ngày nay chỉ gặt khoảng 1 ha/ngày, do nông dân đình lại.

Bên cạnh đó, năm nay máy GĐLH xuất hiện càng nhiều nên giá cắt cũng giảm theo để cạnh tranh. Thông thường khi vào đông ken, thiếu máy giá công cắt sẽ tăng nhưng giờ thì ngược lại. Nếu như lúc đầu vụ giá thuê cắt máy từ 280.000 – 290.000 đ/công (tùy theo lúa đứng hay ngả) thì nay giá giảm chỉ còn 265.000 -270.000 đ/công, các chủ máy cũng tranh nhau nhận cắt để có việc làm. Nhưng khổ nỗi nhiều thương lái đã bỏ cọc, buộc lòng nông dân phải mang lúa về phơi nên bị chậm trễ.

Tại Kiên Giang, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 100.000/305.876 ha lúa ĐX, năng suất lúa bình quân đạt khá cao, 6,56 tấn/ha. Hòn Đất là địa phương có diện tích gieo sạ lớn nhất tỉnh, trên 81.000 ha, nông dân đang bắt đầu thu hoạch rộ.

Theo ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất thì thời tiết hiện nay rất tốt, thuận lợi cho việc thu hoạch lúa. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá lúa đột ngột giảm mạnh, thương lái ít đi thu mua nên nông dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do phần lớn nông dân có thói quen bán lúa tươi ngay tại ruộng nên rất bị động khi bí đầu ra, thiếu sân phơi cũng như kho tạm trữ lúa khô.

Nhiều thương lái thu mua lúa cũng ngậm đắng nuốt cay bỏ tiền đặt cọc vì giá lúa bất ngờ giảm mạnh. Thương lái Lương Văn Phú, thu mua lúa ở khu vực Đồng Tháp, An Giang cho biết: "Chỉ trong vòng 10 ngày mà giá gạo nguyên liệu hạt tròn đã giảm tới 700 đ/kg, gạo hạt dài giảm 1.000 đ/kg nên thương lái trở tay không kịp, lỗ te tua. Tôi có 1 chiếc ghe 30 tấn nếu mua theo hợp đồng đặt cọc sẽ lỗ 10 triệu đồng, còn bỏ cọc thì lỗ 5 triệu đồng. Vì vậy nên đành phải “bẻ kèo” với nông dân đưa ghe về nhà neo đậu".

Ông Tư Niên (Trần Văn Niên), có gần 10 ha lúa ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất mấy ngày nay cứ như ngồi trên đống lửa vì lúa chất đống ngoài đồng mà không bán được. “Lúa trúng nhưng vẫn kém vui vì khó bán. Đành phải huy động người nhà và mướn thêm nhân công phơi ngay tại ruộng. Nhưng phơi xong cũng chưa biết tính toán thế nào, với số lượng hơn 70 tấn lúa khô, mang về nhà cũng chẳng có chỗ chứa”, Tư Niên nói với vẻ mặt buồn rầu.

Nông dân Hậu Giang cũng đang thu hoạch rộ lúa ĐX trong bối cảnh giá lúa giảm, khó tiêu thụ. Tại huyện Long Mỹ, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 5.000/25.600ha lúa ĐX. So với cách đây khoảng 1 tuần, giá lúa trên địa bàn đã giảm từ 200-300 đ/kg.

Hiện thương lái mua lúa tươi tại ruộng đối với lúa IR 50404 chỉ còn hơn 4.000 đ/kg, còn lúa hạt dài như OM 5451, OM 6976 có giá từ 4.500-4.600 đ/kg, song cũng rất khó bán. Lúa mất giá và không tiêu thụ được đã khiến nhiều nông dân gặp khó vì không có tiền trang trải chi phí công cắt, tiền mua chịu VTNN đã đến hạn phải trả, nếu không đại lý sẽ tính lãi suất cao.

Giá lúa giảm, sức mua thị trường yếu nên các khâu dịch vụ cũng bị ảnh hưởng. Ông Lê Văn Thiên, ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết: “Chưa có năm nào như năm nay. Mọi năm vụ ĐX lò sấy của tôi hoạt động không kịp thở, chạy ngày chạy đêm vẫn không phục vụ xuể cho bạn hàng hàng xáo, bình quân 3 lò một ngày đêm sấy khoảng 100 tấn lúa. Thế nhưng gần 10 ngày nay số thương lái đưa lúa đến sấy ngày càng ít dần, có người đặt lịch trước rồi nhưng vẫn không thấy đến".

Theo ông Thiên, nguyên do là thương lái thấy giá lúa xuống nên không còn mạnh dạn mua lúa để xay bán cho các đơn vị chế biến XK. Họ đậu ghe ở nhà chờ giá lúa ổn định trở lại rồi mới đi thu mua tiếp.

Còn ông Đặng Văn Hồng, chủ nhà máy xay xát lúa gạo cung ứng cho các DN XK ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: “Mọi năm khi vào đông ken mỗi ngày tôi xay xát khoảng 5.000 tấn lúa nhưng hiện nay có ngày chỉ còn vài trăm tấn. Giá lúa xuống thấp đã làm ảnh hưởng dây chuyền”.


Có thể bạn quan tâm

Cá Dứa Đối Tượng Nuôi Hấp Dẫn Cho Vùng Nước Lợ Cá Dứa Đối Tượng Nuôi Hấp Dẫn Cho Vùng Nước Lợ

Trong chương trình chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa sang nuôi thuỷ sản, Nhà Bè là một trong những đơn vị đi đầu về những mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao. Song, tình hình nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn như nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

08/03/2014
Tháng 2/2014, Tổng Sản Lượng Thủy Sản Ước Đạt 369,5 Nghìn Tấn, Tăng 4% Tháng 2/2014, Tổng Sản Lượng Thủy Sản Ước Đạt 369,5 Nghìn Tấn, Tăng 4%

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2014 ước đạt 369,5 nghìn tấn (tăng 4% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng khai thác đạt 228,5 nghìn tấn (tăng 7,6%), sản lượng nuôi trồng đạt 141 nghìn tấn (đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013)

10/03/2014
Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Phát Triển Thủy Sản Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Phát Triển Thủy Sản

Trong những năm gần đây, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác, sử dụng tốt tiềm năng, mặt nước, lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

10/03/2014
Bình Thuận Nuôi Cá Bớp Trên Biển Bình Thuận Nuôi Cá Bớp Trên Biển

Chúng tôi theo chiếc xuồng máy chở thức ăn, thăm các bè cá bớp ở bãi trước Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận). Nước biển xanh trong và có phần ít sóng, và có lẽ chưa đến giờ cho cá ăn nên những người nuôi cá bè có phần thong thả. Một vài người thay vì ngồi trong các nhà lều nổi, ra đứng trên bè cá nhìn vào bờ.

10/03/2014
Vẫn Khó Ngăn Chặn Đánh Bắt Thủy Sản Theo Kiểu Tận Diệt Vẫn Khó Ngăn Chặn Đánh Bắt Thủy Sản Theo Kiểu Tận Diệt

Khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào bay, giã cào điện ở vùng gần bờ đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kiểu đánh bắt này lại không dễ dàng.

10/03/2014