Giá Heo Tăng, Nông Dân Tăng Đàn

Thời gian gần đây, do sợ dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng đã chuyển từ ăn thịt gà sang thịt heo. Nhờ đó giá heo tăng cao, nông dân phấn khởi tái đàn.
Giá tăng kỷ lục
Anh Cao Quang Khải có gần 1.000 con heo thịt, 200 heo nái ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cho biết từ khi có dịch cúm gia cầm, heo bỗng trở nên hút hàng. Giá heo hơi nhờ đó cũng tăng, từ 47.000 – 48.000 đồng/kg trước tết tăng lên 52.000 đồng/kg hiện nay, mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
“Thương lái đặt hàng liên tục, xuất chuồng con nào là đem xe xuống “câu” đi liền con đó. Tôi dự định tăng đàn thêm 10% nữa” – anh Khải dự tính. Với mức giá này, nông dân đang có lời kha khá. Anh Võ Hữu Chín có đàn heo 100 con nái, 700 – 800 con heo thịt ở thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh hồ hởi khoe vừa xuất chuồng được 2 lứa khoảng 100 con với giá 52.000 đồng/kg. “Tôi bán được tổng cộng 520 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí con giống, cám, thuốc… tôi còn lời 120 triệu đồng”.
Hiện với giá bán heo 52.000 đồng/kg, bà con đang có lời từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Anh Chín cho biết, với quy mô đàn heo nhà anh, cứ tầm khoảng 10 – 15 ngày là cho xuất chuồng 1 lứa 50 con. Do heo đang được giá nên anh thường để đến tầm 100 kg/con mới bán. Anh cũng đang dự tính mở rộng quy mô lên 120 con heo nái, 1.000 con heo thịt trong mấy tháng tới.
Giá heo giống cũng đang tăng mạnh. Trước tết mức thu mua chỉ trên 80.000 đồng/kg, đến nay đã ở mức 100.000 đồng. Ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, với tình hình tiêu thụ tốt hiện nay đã kích thích nông dân tái đàn, tăng sản lượng nuôi lên. Theo ước tính của hiệp hội, tổng đàn heo của Đồng Nai từ 1,2 triệu con các năm trước đã tăng lên 1,4 triệu con từ cuối năm ngoái đến nay.
Cố gắng bình ổn giá
Theo các thương lái, khoảng hơn một tháng nay trong khi gà tiêu thụ chậm do người dân sợ dịch cúm gia cầm, thì lượng thịt heo bán ra lại tăng lên đáng kể. Chị Trần Thị Thanh Hải - thương lái heo ở thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, nếu lượng heo ngày thường chị lấy trong dân bỏ mối cho các chợ khoảng tầm 50 con/ngày thì từ khi có cúm gia cầm đã tăng lên 60 – 70 con/ngày. Giá bán cũng tăng lên khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con.
Tương ứng theo đó, giá bán tại các chợ lẻ cũng tăng lên. Chị Lệ bán lẻ thịt heo tại chợ Phú Thọ, quận 11, TP.HCM cho hay, giá bán thịt heo các loại khoảng nửa tháng nay tăng từ 4.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại. Hiện thịt ba rọi có giá từ 90.000 – 95.000 đồng/kg, thịt đùi, thịt sườn cốt lết có giá từ 80.000 – 85.000 đồng/kg, xương từ 65.000 – 75.000 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá theo chị Lệ là do sức mua tăng, heo hút hàng.
Trong khi đó, ở hệ thống các nhà phân phối lớn như Vissan, Co.opmart,… giá bán lẻ thịt heo lại không tăng. Công ty Vissan cho biết lượng heo bán ra trong hệ thống Vissan từ sau tết đến nay tăng lên từ 10-15%, thậm chí có ngày sức bán tăng lên đến 20% so với thời điểm trước khi có dịch cúm gia cầm.
“Sức bán ra tăng nhưng giá bán chúng tôi không tăng dù giá thu mua heo của nông dân có tăng lên 4.000 – 5.000 đồng/kg. Với trách nhiệm bình ổn giá thị trường nên dù có lỗ chút chúng tôi vẫn ráng cầm cự” – đại diện Vissan chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Quy trình đã triển khai hiệu quả tại 2 huyện trồng ca cao trọng điểm của Lâm Đồng là huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh.

Mô hình trồng bắp tràng (bắp thu trái non) do Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) phối hợp với Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) triển khai thực hiện trên diện tích 504,5ha tại 2 xã Hội An Đông và Mỹ An Hưng A được đánh giá là cho hiệu quả rất cao so với trồng lúa.

Chúng tôi về ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh (Châu Thành - An Giang), nơi hình thành nhiều tổ sản xuất đạt giá trị kinh tế trung bình trên 50 triệu đồng/ha nhờ nuôi lươn, giúp nhiều hộ dân giàu lên. Ông Nguyễn Văn So, tổ 9, ấp Vĩnh Thuận cho biết: Nuôi lươn đạt giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trước đây, với diện tích lúa, mỗi năm tôi chỉ canh tác được một mùa, mùa nước nổi ngồi nhìn nước ngập trắng đồng. Hoàn cảnh gia đình luôn túng quẫn, khó khăn.

Chính quyền TP.HCM sẽ tích cực kết nối cung cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản VietGAP và đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng.

Với 3 mô hình VAC tiêu biểu cho từng vùng sinh thái như cải tạo vườn tạp và phát triển VAC miền núi; VAC hàng hoá ở các địa phương có nhiều cây ăn quả đặc sản; tiêu thụ sản phẩm ở những nơi cây ăn quả được trồng tập trung và thu nhập từ vườn là chính, dự án đã mang lại sức sống mới cho nhiều vùng đất khô cằn. Đã có 30 tỉnh - thành Hội với trên 1.000 hộ hội viên và nông dân được tham gia và hưởng lợi từ dự án.