Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá gỗ nguyên liệu tăng, nông dân đầu tư trồng rừng kinh tế

Giá gỗ nguyên liệu tăng, nông dân đầu tư trồng rừng kinh tế
Ngày đăng: 31/10/2015

Nông dân xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) mua cây giống trồng rừng

Giá gỗ nguyên liệu tăng

Hiện nay, nhiều thương lái đi mua gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn… với giá 1.400 đồng/kg, tương đương 1,4 triệu đồng/tấn (tăng 200.000 đồng/tấn so với năm ngoái).

Theo tính toán của những người trồng rừng kinh tế, hiện nay suất đầu tư cho rừng trồng suốt chu kỳ đối với đất bằng là 20 triệu đồng/ha, đất đồi dốc là 30 triệu đồng/ha.

Sau 5 năm bắt đầu khai thác được từ 70 đến 100 tấn/ha, bán với giá 1,4 triệu đồng/tấn, bình quân người trồng rừng thu 100 triệu đồng/ha.

Trừ chi phí phân giống, công khai thác, vận chuyển… thì lãi ròng 40 triệu đồng/ha.

Ông Ka Pa Út, dân tộc Chăm H’Roi ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Tôi trồng 1,2ha keo lai, vừa qua có người hỏi mua 85 triệu đồng nhưng tôi chần chừ chưa bán”.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) trước đây khai hoang 1ha trang trại trồng sắn và mía, qua 5 mùa đất bị bạc màu nên ông chuyển sang trồng rừng, vừa qua xuất bán keo thu lãi 40 triệu đồng.

Sau khi thu hoạch ông Tiến tiếp tục đầu tư trồng lại rừng.

Chỉ tính riêng ở xã Sơn Định, tại các khu vực như: Dốc Đá, Ruộng Cửa, chân núi Hòn Đát, Cỏ Cay, Da Bá… nông dân trồng 65,5ha rừng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Trường, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Định, người dân ở đây ra sức trồng rừng kinh tế, năm nay, nhiều gia đình thu trên 50 triệu đồng từ gỗrừng trồng và đang tiến hành trồng lại rừng.

Đầu tư trồng rừng

Dọc theo tuyến đường 19C, từ xã Sơn Định xuôi xuống xã Xuân Phước rồi qua xã Xuân Quang 3, Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), trong những ngày mưa vừa qua, tấp nập các loại xe tải vận chuyển cây giống từ Bình Định về bán.

Ông Nguyễn Văn Giáp, một người bán cây giống ở xã Xuân Quang 3, cho hay: “Tôi có xe tải nên đi rảo mua cây gỗ trồng từ Sơn Định xuống Xuân Quang 3 rồi chở ra Bình Định bán cho các nhà máy băm dăm làm nguyên liệu giấy, rồi sẵn xe mua cây giống chở về.

Cây giống lâm nghiệp ở các vườn ươm tại Bình Định tốt hơn, cây to, lá xanh tươi khi trồng mau bén rễ, mau phát nên nhiều người chọn trồng.

Từ đầu mùa đến nay, tôi bán gần 1 triệu cây giống rồi”.

Tại huyện Sông Hinh, từ cuối tháng 9 đến nay, nhờ có những cơn mưa nhỏ nên hàng trăm nông dân đến các vườn ươm mua giống cây lâm nghiệp về trồng rừng.

Ông Triệu Văn Học ở xã Ea Bar đang chở cây giống về trồng, cho biết: “Tôi rảo quanh vườn ươm ở xã Ea Bar hỏi mua cây giống nhưng các vườn ươm đã hết nên tôi xuống thị trấn Hai Riêng mua về trồng”.

Theo nhiều nông dân, giá cây giống lâm nghiệp năm nay tăng so với năm ngoái.

Hiện giá bạch đàn 800 đồng/cây (tăng 100 đồng/cây), keo lá tràm 750 đồng/cây (tăng 150 đồng/cây).

Ông Phan Long, một nông dân trồng rừng ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho hay: Cách đây 2 năm, tôi mua cây giống do hộ nông dân thu hái xô bồ hạt giống từ các vườn cây về gieo ươm.

Khi trồng, cây sinh trưởng không đồng đều, không chống chọi được với sâu bệnh hại.

Cây đã 2 năm tuổi nhưng chỉ cao 1,5m, thân cong queo, cành lá có rất nhiều bướu, có nhiều cây héo đọt rồi chết dần.

Năm nay, tôi mở rộng diện tích và chọn mua giống tốt ở những vườn ươm của tỉnh.

Trước đây, nhiều hộ nông dân khai hoang các khu vực gò đồi trồng sắn, mía, lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu.

Nếu như tiếp tục trồng sắn, mía thì phải tăng đầu tư nên không lãi, vì vậy nhiều nông dân chuyển sang trồng rừng kinh tế.

Ông Phạm Đinh Hòa ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nói: “Rẫy của tôi trồng sắn, mía nhiều năm, năm rồi phải bỏ hoang vì đất rất xấu; nay thấy gỗ rừng trồng lên giá nên tôi mua cây giống trồng rừng.

Việc trồng rừng này, một mặt không bỏ đất hoang, có thu nhập, mặt khác giúp cải tạo lại đất để vài năm sau trồng lại sắn, mía”.

Gỗ rừng trồng có giá cao nên phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân phát triển mạnh, không chỉ các xã miền núi mà các xã đồng bằng, ven biển, nông dân ra sức trồng rừng.

Tại các xã An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) những ngày qua, nhiều người dân đến các vườn ươm nhỏ lẻ cạnh quốc lộ 1, thuộc thôn Phước Lương, xã An Chấn, mua cây giống về trồng.

Ông Phạm Văn Bình ở xã An Mỹ, cho hay: “Mấy năm nay, khu vực đất gò đồi dưới chân Dốc Súc (xã An Mỹ) trồng sắn nhưng nay đất bạc màu phải đầu tư nhiều nên tôi chuyển sang trồng cây keo lá tràm”.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2015, toàn tỉnh đã ươm 8 triệu cây giống gồm: keo giâm hom, bạch đàn, keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen, dầu rái...

Hiện nay, các đơn vị lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đang phát dọn thực bì, tập trung chuẩn bị cây giống, phục vụ trồng rừng tập trung năm 2015.

Theo kế hoạch sẽ tổ chức phát dọn thực bì phục vụ khoảng 4.000ha; trong đó, rừng sản xuất 3.600ha, rừng phòng hộ - đặc dụng khoảng 400ha.


Có thể bạn quan tâm

Xóa Nghèo Nhờ Nuôi Thủy Sản Dưới Tán Rừng Phòng Hộ Xóa Nghèo Nhờ Nuôi Thủy Sản Dưới Tán Rừng Phòng Hộ

Rừng phòng hộ ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có chiều dài hơn 20km, tổng diện tích trên 1.000ha. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú; dưới tán rừng đước là các trảng nước và con kênh thích hợp cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đang chứng tỏ hiệu quả, cải thiện cuộc sống của chủ rừng.

04/07/2013
Chăn Nuôi Bò Lai Nhốt Chuồng Đem Lại Thu Nhập Khá Cho Nông Dân. Chăn Nuôi Bò Lai Nhốt Chuồng Đem Lại Thu Nhập Khá Cho Nông Dân.

Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.

04/07/2013
Nuôi Ong Lấy Mật - Đừng Để Tiềm Năng Bị Lãng Phí Nuôi Ong Lấy Mật - Đừng Để Tiềm Năng Bị Lãng Phí

Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.

04/07/2013
Xử Lý Hoa Lài Nghịch Vụ Cho Hiệu Quả Cao Xử Lý Hoa Lài Nghịch Vụ Cho Hiệu Quả Cao

Hoa lài là loại cây có hoa màu trắng và hương thơm có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là vào thời điểm trước và sau mùa mưa. Ngoài tác dụng làm thuốc, hòa lài còn được sử dụng chế biến ướp trà. Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa cây lài vào mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó Trà Vinh là tỉnh có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp loại cây trồng này.

04/07/2013
Hỗ Trợ Hộ Nghèo Mở Mang Nghề Chăn Nuôi Bò Hỗ Trợ Hộ Nghèo Mở Mang Nghề Chăn Nuôi Bò

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án "Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông" với sự tham gia của Tổ chức Heifer, Tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam (NMA). Dự án có tổng kinh phí trên 18,2 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư 4 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 1/7/2013 đến hết tháng 6/2017.

05/07/2013