Giá giảm, thương lái bẻ kèo, nông dân vỡ mộng với lúa hè thu muộn

Lúa chết, giá bán giảm
Những ngày này, các cánh đồng lúa ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang vào thu hoạch vụ hè thu muộn. Khác với những vụ trước đây, nhiều nông dân thất vọng vì không có lời. Ông Đặng Văn Lên, ngụ ở xã Long Hiệp có hơn 1ha lúa hè thu, chán nản nói: “Khi lúa bắt đầu trỗ bông, đã có gần một nửa diện tích lúa hè thu của gia đình tôi bị chết vì thiếu nước, sâu bệnh. Bây giờ vào vụ thu hoạch thì giá lại giảm mạnh, từ 10-15% so với năm ngoài, nên lỗ trắng răng”.
Tại tỉnh Trà Vinh, từ đầu vụ do bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn kéo dài nên hàng ngàn ha lúa trong tỉnh phải gieo sạ lại nhiều lần, nên chi phí bị đội lên nhiều lần và bị trễ lịch thời vụ, nhất là ở huyện Trà Cú và Châu Thành. Không riêng Trà Vinh, nhiều địa phương ĐBSCL cũng gặp tình trạng tương tự. Điển hình như vùng lúa ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), trong đợt nắng nóng kéo dài kèm theo mặn vừa qua, đã làm khoảng 372ha lúa ở địa phương này đang giai đoạn mạ bị chết, nông dân phải tốn thêm chi phí để sạ lại.
Ngoài ra, do những cơn mưa diễn ra thường xuyên, độ ẩm cao nên ngoài thị xã Ngã Năm, nhiều địa phương lân cận như TP.Vị Thanh (Hậu Giang), huyện Hòn Đất (Kiên Giang)… xảy ra tình trạng lúa lép, lúa lên mộng khi vẫn còn trên bông ngoài đồng ruộng.
Trong 2 ngày 11 và 12.8, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện các thương lái đang thu mua lúa tươi tại ruộng dao động từ 4.100 – 4.500 đồng/kg (tùy theo loại lúa, điều kiện vận chuyển). Với mức giá này, nếu so với giá thành sản xuất do Bộ Tài chính công bố bình quân tại các tỉnh ĐBSCL khoảng 4.099 đồng/kg, thì nông dân sẽ hoà vốn hoặc bị lỗ bởi giá thành sản xuất thực tế ở một số địa phương cao hơn rất nhiều so với 4.099 đồng/kg.
Anh Trần Văn Cọp, thương lái mua lúa ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Giá lúa luôn biến động và có chiều hướng xuống thấp. Những người mua lúa bán lại như tôi cũng không có lời, có khi còn bị lỗ nặng. Hiện đi đến cánh đồng nào mua, người dân cũng đòi bán nhưng tôi phải chắc có lời mới mua được”.
Lão nông Lâm Phước Hưng, ở khóm Tân Trung, phường 2 (thị xã Ngã Năm,tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Gia đình có gần 6.000m2 lúa RVT. Ngay ở đầu vụ, thương lái tự tìm đến đặt cọc 500.000 đồng/công và hứa mua với giá 6.500 đồng/kg. Thế nhưng, tới khi lúa tới ngày thu hoạch thì thương lái này không lại thu mua lúa. Gia đình chờ đợi không được nên đã bán cho thương lái khác với giá chỉ 5.400 đồng/kg.
Lúa chất lượng thấp tắc đầu ra
Thời gian qua, người dân ĐBSCL đã ồ ạt sản xuất các giống lúa chất lượng thấp với lý do giá bán bằng hoặc cao hơn lúa chất lượng cao, chi phí sản xuất cũng tương đương. Riêng vụ hè thu này, nhóm giống lúa chất lượng thấp chiếm 24,7% trong cơ cấu giống lúa trong khi đó ngành nông nghiệp khuyến cáo ở mức dưới 10%.
" Trước khi thu hoạch, thương lái đặt cọc với giá cao (khoảng 6.500 đồng/kg) nhưng tới thu hoạch thì họ bỏ cọc không mua lúa. Để trả tiền phân bón, thuốc BVTV, người dân cũng đành hạ giá bán xuống”. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NTNN, hiện nhóm giống lúa chất lượng thấp đột ngột có giá thấp hơn nhóm lúa chất lượng cao. Chẳng hạn như lúa IR 50404 có giá khoảng 4.100 đồng/kg; lúa ML202 có giá khoảng 4.200 đồng/kg trong khi đó các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 4900 được các thương lái thu mua ở mức 4.300 - 4.500 đồng/kg. “Vụ lúa này, lúa chất lượng thấp khó tiêu thụ, đặc biệt là lúa IR50404. Các thương lái không muốn mua hoặc luôn tìm cách ép giá người dân” - ông Vân cho biết.
Anh Hà Thanh Triều – Giám đốc HTX Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Trong vụ lúa hè thu năm nay, hợp tác xã sản xuất 2 loại lúa gồm lúa chất lượng cao OM 5451 và loại chất lượng thấp IR 50404. Đến khi thu hoạch, HTX bán được lúa OM 5451 với giá 4.800 đồng/kg lúa tươi (đã hợp đồng từ đầu vụ với công ty thu mua); còn giống IR 50404 thì bán cho thương lái với giá 4.100 đồng/kg (vụ hè thu năm 2014 có giá 4.300 đồng/kg, công ty thu mua không chịu ký hợp đồng).
Theo ngành nông nghiệp các địa phương, sản xuất lúa chất lượng cao không những bán được giá cao hơn lúa chất lượng thấp mà năng suất cũng đạt cao hơn và ít bị sâu bệnh. Vì vậy, chi phí đầu tư của nông dân tương đối thấp hơn so với các giống lúa chất lượng thấp đang bị thoái hóa và nhiễm bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vụ thu hoạch năm nay, năng suất mía tại cánh đồng lớn dự kiến đạt từ 90 - 100 tấn/hécta, tăng khoảng 40 tấn/hécta so với năng suất cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…

Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Mang Thít (Vĩnh Long) đã chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thực hiện khoảng 8ha mô hình luân canh dưa hấu trên nền đất lúa, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 lần trồng lúa.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm nâu trên thanh long, thời gian qua các địa phương đã tiếp tục triển khai công tác phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2015, giá dừa khô bình quân từ 60.000 - 65.000 đồng/chục (12 trái), nhưng đến tháng 7, 8 và 9 giảm chỉ còn 40.000 đồng/chục; thời điểm tháng 9/2015, chỉ còn 35.000 đồng chục.