Giá Chè Tươi Thấp, Người Trồng Chè Thấp Thỏm Nỗi Lo

Gia đình ông Hà Trọng Tâm ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh là một trong những hộ có năng suất chè cao nhất ở xã, bình quân đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha/năm. Với diện tích gần 4ha chè và chế biến chè khô, mỗi năm gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
Năm ngoái, có những thời điểm, chè nhà ông bán được gần 7.000 đồng/kg búp tươi loại A, bình quân cũng được hơn 6.000 đồng/kg cả vụ. Tuy nhiên, từ đầu vụ chè năm nay giá chè chỉ dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg chè loại A, có những thời điểm xuống dưới 4.000 đồng khiến cho ông và nhiều hộ trồng chè trong xã lo lắng.
Ông Tâm cho biết: Giá chè phải từ 4.200 đồng trở lên thì người trồng chè mới có lãi bởi hiện nay giá vật tư như phân bón, thuốc BVTV, tiền thuê nhân công hái... ngày càng cao. Nếu giá cứ xuống thấp như thế này thì người trồng chè như chúng tôi không dám đầu tư nhiều, chỉ chăm sóc để giữ vườn thôi.
Giá chè tươi xuống thấp khiến người trồng chè thấp thỏm nỗi lo, không yên tâm đầu tư thâm canh.
- Ông Hà Trọng Tâm trao đổi kỹ thuật thâm canh chè với cán bộ khuyến nông.
Cùng tâm sự như ông Tâm, gia đình chị Hoàng Thị Như Tình ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn cũng đang lo sốt vó vì giá chè tươi xuống quá thấp.
Các đại lý thu mua trên địa bàn huyện hiện nay chỉ mua từ 3.200 đồng đến 3.800 đồng/kg tùy loại. Chị Tình thổ lộ: Gia đình tôi có hơn gần 3ha chè, mỗi năm thu hoạch khoảng 25 – 26 tấn chè tươi, nếu giá chè cứ giữ ở mức khoảng 4.200 đồng/kg trở lên thì gia đình cũng có lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng/năm.
Đây là số tiền khá lớn đối với người dân miền núi như chúng tôi. Năm nay giá chè thấp quá, từ đầu vụ đến giờ chưa lúc nào lên được đến 5.000 đồng/kg, đầu tư vào nhiều thì lỗ mà không đầu tư thì năng suất thấp, chè xấu càng khó bán.
So với cùng kỳ năm 2013 thì giá chè búp tươi chỉ bằng 2/3. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chè vẫn còn tồn khá nhiều hàng cũ, chưa xuất khẩu được. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 44.292 tấn, giảm 10,29% về lượng và giảm 5,87% về trị giá.
Do đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu chè chỉ thu mua nguyên liệu cầm chừng để duy trì sản xuất khiến giá chè tươi nguyên liệu xuống thấp. Một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương người trồng chè vẫn còn dùng thuốc BVTV tràn lan; thu hái sớm hơn so với thời gian cách ly khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.
Tỉnh ta là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu có uy tín đứng chân. Nhiều mô hình chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP cũng đã được xây dựng.
Tại các huyện như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh... đã hình thành các làng nghề chế biến chè bên cạnh các doanh nghiệp. Hiện nay trên toàn tỉnh đã có gần 100 cơ sở chế biến chè với công suất 1 tấn búp tươi/ngày và hàng ngàn cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Những doanh nghiệp, cơ sở chế biến này đã góp phần thúc đẩy việc trồng chè phát triển. Việc có nhiều cơ sở chế biến sẽ tạo thuận lợi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng lại bất lợi về việc quản lý tiêu chuẩn, nhất là vệ sinh thực phẩm.
Qua đợt kiểm tra cuối năm 2011 của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy: Chỉ có 1/3 số cơ sở chế biến lớn đạt tiêu chuẩn loại A về vệ sinh thực phẩm, trong khi đó có gần 1/3 cơ sở mới đạt loại C. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
Cũng do có quá nhiều cơ sở chế biến mà sản phẩm chè của tỉnh ta khá đa dạng, nhưng thiếu hẳn một thương hiệu có “tên tuổi” để khẳng định trên thị trường. Ngay hai doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất chè đen quy mô lớn nhưng cũng “mạnh ai nấy làm” và chưa chú trọng đến xây dựng quảng bá thương hiệu chè Phú Thọ.
Trên địa bàn có rất nhiều cơ sở chế biến chè, nhưng lại chưa có cơ sở chế biến chè cao cấp, chè đặc sản như Ô Long, chè đặc sản xuất khẩu dù Viện Nghiên cứu chè đã chế biến thành công, thương nhân nước ngoài khảo sát khẳng định Phú Thọ hoàn toàn có điều kiện để chế biến các loại chè chất lượng cao để xuất khẩu.
Để có thể xây dựng được thị trường ổn định, bền vững thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trong tỉnh vẫn phải tiếp tục giữ vững thị trường đã có, tiếp tục tìm kiếm các thị trường tiềm năng; giữ vững uy tín, đặc biệt là trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng bá thương hiệu chè Phú Thọ một cách rộng rãi.
Đối với người trồng chè cần khẩn trương loại bỏ diện tích chè cũ, năng suất thấp, thay thế bằng các giống chè cho năng suất cao, chất lượng tốt; tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất chè an toàn...
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, mặc dù giá heo hơi đã giảm nhẹ, thương lái đến mua heo hơi với giá từ 4,7 triệu - 4,8 triệu đồng/tạ, giảm hơn 500 ngàn đồng/tạ so với cách đây 2 tháng, nhưng theo nhiều hộ chăn nuôi, năm 2014 là một năm khá thành công với người chăn nuôi heo vì giá heo hơi luôn dao động ở mức khá cao. Có thời điểm lên đến 5,5 triệu đồng/tạ, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ban đầu sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong phạm vi gia đình hoặc bán lẻ ở địa phương vì số lượng ít, chưa được xem như một phương thức làm kinh tế. Đến nay, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nghề nuôi ong có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, các sản phẩm từ ong, đặc biệt là mật đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Thời gian qua, ngoài phối hợp cùng ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong tổ còn hùn vốn tiết kiệm được gần 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhau trang bị thêm dụng cụ, mở rộng chuồng trại, tăng đàn, nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2013, tổ hợp tác không còn thành viên nghèo.

Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và vật nuôi trong vụ Đông - xuân này, các ngành chuyên môn của huyện đang tích cực triển khai công tác “3 chống”, đó là: Chống đói, chống rét và chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.

Sáng 10-1, hàng chục xã viên hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), bức xúc đổ bỏ sữa tươi ngay tại khu vực thu mua sữa của công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk), phản đối việc Công ty ra thông báo hạn định mức thu mua sữa tươi kiểu “thắt vú bò”.