Giá Cao Su Xuất Khẩu Giảm Mạnh

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến mủ cao su trong tỉnh đang lo lắng vì sản lượng khai thác và giá cao su xuất khẩu đang giảm mạnh, chỉ bằng 70-80% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của các doanh nghiệp cao su, tình trạng rớt giá sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, bởi nguồn cung cao su trên thế giới đang gia tăng.
Khai thác mủ cao su tại Công ty Cao su Bà Rịa.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm liên tục từ tháng 2 đến nay. Hiện giá mủ cao su chỉ đứng ở mức 45 triệu đồng/tấn, giảm gần 4 triệu đồng/tấn so với tháng 6 và nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mỗi tấn cao su mất hơn 12 triệu đồng, tức giảm 22%.
Ông Võ Hữu Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường xuất khẩu cao su của công ty tương đối ổn định. Hiện 80% sản lượng mủ cao su của công ty đã ký được hợp đồng dài hạn cho các khách hàng truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Công ty hiện có 8.500ha cao su, trong đó, hơn 3.000ha diện tích vườn cây trong thời kỳ xây dựng cơ bản, hơn 5.000ha đang khai thác. 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng kéo dài, đồng thời cũng chưa phải là thời kỳ khai thác mủ cao điểm, nên công ty chỉ khai thác được 783 tấn, đạt 16,5% kế hoạch năm.
Dự kiến, trong năm nay công ty sẽ khai thác 5.800 tấn mủ cao su, vượt 840 tấn so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cao su giảm sâu nên hiệu quả sản xuất không cao, lợi nhuận theo đó cũng giảm mạnh, thu nhập của người lao động cũng bị co lại. Hiện thu nhập của người lao động chỉ còn hơn 3 triệu đồng/người/tháng, giảm gần một nửa so với đầu năm ngoái.
Theo phản ánh của các DN cao su trên địa bàn tỉnh, bên cạnh khó khăn do giá mủ giảm mạnh, cơn bão hồi năm ngoái cũng đã làm hàng trăm ha cao su của các công ty đang trong mùa khai thác bị gãy đổ, khiến năng suất và sản lượng mủ giảm mạnh. Ông Lê Văn Lợi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Thống Nhất cho rằng, giá cao su giảm, sản lượng khai thác cũng giảm đã gây khó khăn cho công ty.
Hơn 100ha cây cao su đang trong mùa khai thác bị bão làm gãy đỗ, nên từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác mủ của công ty giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước những khó khăn trên, công ty đang tính đến phương án cắt giảm thu nhập của người lao động, dự kiến sẽ áp dụng vào tháng 8 tới. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người lao động tại công ty là 4 triệu đồng/người/tháng.
Giá cao su giảm, các DN gặp khó, các hộ tiểu điền cũng lao đao. Hiện nông dân trong tỉnh bán mủ cao su khô cho các đại lý chỉ với giá khoảng 35-36 triệu đồng/tấn. Ở mức giá này, nếu khai thác các vườn cây cao su dưới 10 năm sẽ không mang lại lợi nhuận, do năng suất thấp. Do đó, nhiều chủ vườn chọn giải pháp ngưng khai thác để dưỡng cây với hy vọng giá mủ cao su sẽ tăng vào dịp cuối năm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu trong cả nước đạt 383 ngàn tấn, kim ngạch 946 triệu USD, giảm 5% về lượng và 19,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, do giá cao su tiếp tục giảm trong thời gian qua. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng cao su xuất khẩu đạt hơn 3.300 tấn, chỉ đạt 45% kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,490 triệu USD, đạt 41% kế hoạch năm 2013.
Nguyên nhân khiến giá cao su giảm trong những tháng đầu năm 2013 là do kinh tế thế giới hồi phục yếu khiến nhu cầu cao su tăng chậm; tồn kho cao su tăng cao ở Trung Quốc và thế giới trong đầu năm 2013. Đặc biệt, nguồn cung cao su từ Thái Lan, nước dẫn đầu về xuất khẩu cao su trên thế giới sẽ gia tăng đáng kể khi mùa mưa đến, điều này sẽ tạo áp lực kéo giá cao su tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Vụ tôm 2015, ngay từ đầu năm, người nuôi đã phải đối mặt với các khó khăn do thời tiết gây ra.

Nằm trong nhóm 26 xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạch Văn (Thạch Hà) đã và đang triển khai nhiều phong trào thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành 19 tiêu chí NTM trong năm 2015.

Sáng 26/9, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ nông thôn mới (NTM) Hà Tĩnh Võ Kim Cự đi kiểm tra một số mô hình phát triển sản xuất tại 2 xã Ân Phú, Đức Lĩnh và làm việc với cán bộ chủ chốt các xã, huyện Vũ Quang về tiến độ thực hiện chương trình NTM.

Không có điều kiện sắm tàu thuyền ra khơi hay mua đất làm rẫy, trong khi đất đai lại khô cằn, pha cát không phù hợp với việc trồng trọt, nên nhiều hộ dân vùng ven biển đã chuyển hướng đầu tư vào các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Trong những thời điểm chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, gia đình bà Trần Thị Hường, ở thôn Châu Thành, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp, Đắk Nông) vẫn “đứng vững” nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến.