Giá Cá Tra Tăng Trở Lại

Giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL hồi phục mạnh từ đầu tháng 8 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh các tháng tới đây.
So với đầu tháng 8, giá cá tra loại 1 tăng ít nhất 2.000 đồng (từ 19.000 đồng lên 21.000 đồng/kg). Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định giá cá tra sẽ tăng trở lại từ tháng 9 trở đi, mức giá giao động có thể từ 22.500 - 23.000 đồng/kg, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với hiện nay.
Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu ấm lên trong khi sản lượng nuôi sụt giảm nghiêm trọng. Qua thống kê sơ bộ tình hình nuôi trồng cá tra 7 tháng đầu năm 2013, VASEP cho biết nguồn cung nguyên liệu cá tra của Việt Nam năm nay có thể giảm trên 30%.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá cá tra sụt giảm kéo dài hơn một năm qua, người nuôi thua lỗ, không mặn mà đầu tư nên bỏ ao trống. Tính đến cuối tháng 7, số diện tích ao bỏ nuôi trong dân lên đến 50%, trong khi tình hình nuôi trong các doanh nghiệp cũng giảm từ 30-50%.
Trước tín hiệu thị trường xuất khẩu bắt đầu ấm lên, ngày 14/8, Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương phát đi thông báo từ tháng 9 đến tháng 11 tới đây sẽ tập trung thu mua 20 ngàn tấn cá nguyên liệu với mức giá giao tại nhà máy từ 22.500-23.000 đồng/kg. Ngoài ra, Hùng Vương dự tính sẽ tung ra gói hỗ trợ 20.000 tấn thức ăn để tiếp sức cho người nuôi đang sử dụng thức ăn của nhà máy Việt Thắng.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh.

Mùa tôm mới ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng đang vào vụ, thế nhưng tại Trà Vinh đã có hơn 2.500ha tôm nuôi bị chết. Tình trạng tôm chết đang xuất hiện tại nhiều địa phương nên người nuôi tôm thấp thỏm âu lo.