Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Cà Phê Cao, Nông Dân Phấn Khởi

Giá Cà Phê Cao, Nông Dân Phấn Khởi
Ngày đăng: 09/12/2014

Hiện tại đã là giữa vụ thu hoạch cà phê năm 2014. Với mức giá tăng cao như hiện nay, các nhà vườn cà phê đều rất phấn khởi. Hầu hết nông dân đều tính đến phương án tích trữ hàng hoặc ký gửi chờ giá tiếp tục lên mới bán/cắt giá.

Nhà vườn phấn khởi

Chư Prông (Gia Lai) là một trong những huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện hiện có khoảng 13.500 ha cà phê, trong đó, 95% diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh. Niên vụ cà phê năm nay, ước tính năng suất cà phê trung bình của huyện đạt khoảng 36 tạ nhân/ha. So với mọi năm, con số này không có nhiều biến động.

Hộ Lê Quang Nhân Trí (thị trấn Chư Prông) hiện có 1.200 cây cà phê, trong đó có 900 cây đang cho thu hoạch; số còn lại còn nhỏ do vừa tái canh.

Đây là năm thứ 14 kể từ khi vườn cây cho thu hoạch. Ước tính, niên vụ này nhà anh thu được 20 tấn cà phê tươi. So với năm trước, mức sản lượng này không giảm. “Nhà tôi đầu vụ tưới trễ hơn so với các hộ, đợt trổ hoa không bị trùng vào đợt lạnh nên năng suất vẫn giữ mức ổn định”- anh Trí cho biết.

Do không có nhân công phơi hái nên sau khi thuê người thu hoạch xong cà phê, gia đình anh Trí đã bán tươi luôn cho thương lái. “Đầu tháng 11 vừa qua tôi cân bán được mức giá 8.400 đồng/kg cà phê tươi, sau khi trừ chi phí phân bón, tưới nước, thuốc… vẫn có lãi khoảng 100 triệu đồng” - anh Trí, chia sẻ thêm. Theo anh Trí, đa số các nhà vườn khác quanh khu vực cũng đảm bảo mức năng suất tương đương hoặc cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Văn Gặp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, nhận định: “Với mức giá cao như năm nay, người trồng cà phê ở Chư Prông có thể nói đã đón một mùa khá thuận lợi. Giá cao và năng suất ổn định khiến hầu hết nhà vườn đều phấn khởi”.

Còn tại huyện Ia Grai, nông dân đều rất phấn khởi trước tình hình giá cà phê tăng cao như hiện nay. “Với 4.000 gốc cà phê nhà tôi vụ này thu về được hơn 70 tấn cà phê tươi. Năm nay vườn nhà tôi cho năng suất cao hơn mọi năm. Được mùa, được giá nên tụi tôi rất mừng”-ông Đoàn Minh Thông (thôn 3 - xã Ia Hrung - huyện Ia Grai), phấn khởi nói. Theo tính toán của nhiều người dân, với mức giá như hiện tại, trung bình mỗi ha cà phê được chăm sóc ổn định đã có thể đem về cho nông dân mức hoa lợi từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Trữ cà phê chờ giá

Thông tin diễn biến thị trường cà phê liên tục được người dân cập nhật, theo dõi. “Theo chúng tôi nắm được thì năm nay cà phê ở Brazil bị mất mùa do hạn hán, không những thế, tổng sản lượng cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm nên khả năng tăng giá là rất cao. Bởi vậy, chúng tôi sẽ chỉ bán phần nào để bù vào chi phí đầu tư và tái đầu tư cho niên vụ tới, còn lại sẽ trữ hàng chờ giá lên mới bán tiếp” - anh Thông, cho biết.

Giá cà phê đầu vụ cao kèm với đó là liên tục tăng giá từ đầu vụ khiến người trồng cà phê không vội bán ra. Nếu như thời điểm đầu tháng 11, giá cà phê tươi được thương lái thu mua dao động trong khoảng 8.400 đồng/kg, thì tới cuối tháng 11, mức giá này đã được nâng lên 9.000 đồng/kg. Mức giá cà phê khô hiện nay đang được thu mua ở mức 20.000 - 21.000 đồng/kg, cà phê nhân dao động trong khoảng 41.800 - 42.000 đồng/kg.

Nếu như trước đây, phương pháp phơi khô nguyên trái để tích trữ cà phê được người dân áp dụng phổ biến thì hiện nay, nhờ có các loại máy nghiền, xay loại bỏ lớp vỏ áo bên ngoài của trái cà phê, người dân đã tiếp cận và chủ yếu áp dụng phương pháp xay lấy nhân, phơi khô và tích trữ.

Mức giá của những chiếc cối xay này không quá lớn, chỉ khoảng trên dưới 6 - 7 triệu đồng/chiếc và dao động tùy loại. Với phương pháp này, nông dân không chỉ tiết kiệm được thời gian phơi khô, giảm diện tích chứa mà còn tránh nguy cơ trái cà phê khô bị hút ẩm trở lại và bị nấm mốc tấn công.

Nhờ chủ động nắm bắt kỹ thông tin thị trường giá cả nông sản nội địa và quốc tế, người trồng cà phê ở Gia Lai đã tự tìm cho mình những “chiến thuật” để nâng cao mức thu lợi sau sản xuất. “Thực tế thì không ai có thể ngăn cản việc nông dân trong việc giữ lại hay bán ra sản phẩm của mình, bởi đó là quyền quyết định của họ.

Với việc chủ động nắm bắt thị trường như vậy, bản thân họ cũng đã dự lường được trước các khả năng, thậm chí là nguy cơ đảo chiều có thể xảy ra. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của truyền thông về thị trường nông sản hiện nay, người nông dân không chỉ “đơn thương độc mã’ phụ thuộc sự may rủi của thị trường, họ hoàn toàn nắm bắt thị trường nhanh nhạy và chính xác bởi đó là miếng cơm, manh áo của chính họ. Đó cũng là bước tiến bộ đáng kể”- ông Nguyễn Văn Gặp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, nêu quan điểm.

Bên cạnh tích trữ, để tránh rủi ro trong quá trình bảo quan, nhiều nông dân thường chọn hình thức ký gửi, chờ giá lên hoặc khi có nhu cầu cần tiền mặt mới tiến hành “cắt” giá. Phương án này khá thuận tiện cho nông dân song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi trên địa bàn tỉnh từng xảy ra nhiều vụ vỡ nợ của chủ đại lý thu mua nông sản, để lại bài học đắt giá cho những nông dân gửi niềm tin nhầm chỗ…

Với tổng diện tích khoảng 78.224 ha, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, năng suất và sản lượng chung của cà phê, niên vụ 2014 của tỉnh có giảm so với năm trước do ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết và sâu bệnh. “Năng suất trung bình niên vụ cà phê 2014 ước đạt 25,8 tạ nhân/ha, tổng sản lượng toàn tỉnh ước đạt 196.900 tấn cà phê nhân” - ông Văn Phú Bộ - Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai), cho biết.

Nguồn bài viết: http://www.baogialai.com.vn/channel/722/201412/gia-ca-phe-cao-nong-dan-phan-khoi-2356504/


Có thể bạn quan tâm

Kim Ngạch Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản Tháng Một Giảm Gần 14% Kim Ngạch Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản Tháng Một Giảm Gần 14%

Trái ngược với xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm vừa qua, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, càphê, gỗ, hạt tiêu…

27/01/2015
Agribank Bắc Kạn Ưu Tiên Vốn Lĩnh Vực Nông Nghiệp, Nông Thôn Agribank Bắc Kạn Ưu Tiên Vốn Lĩnh Vực Nông Nghiệp, Nông Thôn

Tăng được dư nợ thêm gần 100 tỷ đồng trong năm 2014 có thể coi là một thành công lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Kạn. Trong đó, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh.

27/01/2015
Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản

Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.

27/01/2015
Sức Dân Làm Đường Sức Dân Làm Đường

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.

27/01/2015
Cây Thuốc Giấu Trên Đỉnh Ngọc Linh Cây Thuốc Giấu Trên Đỉnh Ngọc Linh

Xã Trà Linh bây giờ vẫn còn là một miền đất cao vợi, xa xôi nhất ở Nam Trà My, mặc dù đường sá đã được thảm nhựa. Và các nóc làng người Xê Đăng sống quanh lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Người khỏe mạnh đi bộ từ trung tâm xã (đoạn cuối đường giao thông) về các thôn mất ít nhất 4 giờ.

27/01/2015