Gặp khó do không đánh giá được thị trường

Chăm sóc đà điểu
Cách đây 3 năm lên xã Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu mô hình nuôi đà điểu thương phẩm của ông Nguyễn Mạo.
Lúc đó, đà điểu mới được đưa vào nuôi chừng 4, 5 tháng.
Ông Nguyễn Mạo không giấu được niềm vui khi thấy những “đứa con tinh thần” của mình chạy nhảy.
Thế nhưng trong lần lên Bình Điền gần đây, chúng tôi thất vọng biết hiện trang trại này không còn nuôi đà điểu nữa.
Theo anh Nguyễn Quốc Triều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Điền: “Lúc bấy giờ, giá con giống khoảng 1,5 triệu đồng/con có trọng lượng 10kg.
Sau một năm nuôi, tốn biết bao chi phí về thức ăn, công chăm sóc, khi đạt đến trọng lượng xuất bán, đi liên hệ nhiều nơi từ nhà hàng đến các tiểu thương ở chợ nhưng chẳng ai mua; phải làm thịt bán giá rẻ cho người dân trong vùng, vì nếu cứ nuôi sẽ tốn thêm chi phí”.
Cũng như gia đình ông Mạo, ông Phan Văn Hứa, xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) cũng bắt tay làm quen với giống vật nuôi mới này từ tháng 8/2012.
Từ nguồn hỗ trợ 10 con giống ban đầu của một dự án, ông đặt mua thêm 2 con với ý định sẽ nuôi đà điểu sinh sản, rồi cung cấp giống cho người dân trong vùng.
Thế nhưng trong lần ghé trang trại tuần qua, chúng tôi nhận được lời đề nghị buồn từ ông: “Cháu hỏi giúp xem có ai mua đà điểu không, bác bán rẻ cho”.
Ông Hứa tâm sự: “Đà điểu nuôi hoài mà không chịu đẻ, chắc do mình nuôi không đúng kỹ thuật, mà bán thì không ai mua.
Vì thế, gia đình đành làm thịt để biếu, tặng và bán cho người dân trong vùng, chẳng có chút lời lãi nào”.
Theo tính toán của ông Hứa, bỏ ra khoảng chi phí 60 triệu đồng mua đà điểu giống và nuôi trong vòng 3 năm, không tính chi phí thức ăn, công chăm sóc, gia đình mất ít lắm cũng hơn chục triệu đồng.
Trong khi cùng số vốn như thế, nuôi lợn, gà mỗi năm quay vòng 3 đến 4 lứa cũng lãi gần 100 triệu/năm.
Hiện, trang trại ông Hứa vẫn còn 3 con đà điểu với trọng lượng khoảng 1 tạ/con chưa có ai liên hệ mua.
Là loại vật nuôi khá quen thuộc với nhiều địa phương phía nam, nhưng đà điểu vẫn là loại vật nuôi xa lạ với người chăn nuôi và cả người tiêu dùng ở Huế.
Rất ít nhà hàng trên địa bàn đưa món thịt đà điểu vào thực đơn, cũng rất ít người thưởng thức món này.
Nếu như ở nước ngoài, da, xương đà điểu được sử dụng chế tác sản phẩm mỹ nghệ, túi xách… thì ở Việt Nam những cơ sở sản xuất như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn ở Huế hầu như không có.
Đó là nguyên nhân vì sao mô hình nuôi đà điểu thương phẩm của người dân mới bắt tay vào nuôi đã thất bại.
Ông Hồ Tịnh Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh (Quảng Điền), chia sẻ: “Loại vật nuôi, thực phẩm này quá mới.
Nếu như ở Quảng Nam hay các tỉnh miền Nam, đà điểu thương phẩm có giá gần 200 ngàn đồng/kg, được các nhà hàng đặt mua tận trang trại thì ở Huế chỉ bán chưa tới 100 ngàn đồng/kg.
Nguyên nhân là thực phẩm này vẫn rất xa lạ với người dân.
Còn nói nuôi đẻ trứng hay nhân giống thì người nuôi lại chưa được tập huấn bất cứ kỹ thuật nuôi nào, mà chỉ tự mày mò tìm hiểu là chính.
Vì thế, thất bại cũng không quá khó lý giải”.
“Để đưa một loại cây trồng, vật nuôi vào sản xuất thì phải tổ chức khảo nghiệm đánh giá về khả năng thích nghi, phát triển, thị trường...
nếu đảm bảo những tiêu chí trên, mới đưa ra lộ trình nhân rộng mô hình cụ thể.
Tuy nhiên, hiện một vài trang trại đã tự phát đưa những vật nuôi mới vào nuôi không theo quy hoạch nên dễ gặp khó khăn.
Chúng tôi khuyến cáo người dân khi bắt tay thực hiện mô hình mới cần chủ động nắm bắt tình hình thị trường, liên hệ với các trạm hoặc trung tâm khuyến nông lâm ngư địa phương để nhận được tư vấn, giúp đỡ”.
Ông Đặng Ái, Phó phòng Trồng trọt và Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Có khả năng trong năm nay Việt Nam nhập khẩu hơn 150.000 con gia súc sống (trâu, bò - pv) từ Úc, trở thành thị trường tiêu thụ mặt hàng này lớn thứ hai của Úc sau Israel, theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Úc được đăng trên trang thị trường nước ngoài ttnn.com.vn hôm 19-3.

Manh nha từ một vài mô hình nhỏ, đến nay, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa ở Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã phát triển khá mạnh. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, "gà vườn" Mai Sơn giờ đây đã được thị trường biết đến nhờ nuôi "gà vườn", đời sống kinh tế - xã hội của người dân đã được nâng lên, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Vĩnh Hòa (Ba Tri - Bến Tre) là xã thuần nông. Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, trong những năm trước đây, nông dân ở Vĩnh Hòa đã đầu tư nuôi bò. Do giá bò không ổn định, năm 2008, người dân đã chuyển sang nuôi dê.

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Trong khi nhiều địa phương ở ĐBSCL loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thì tại An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ cây lúa, tập trung trồng cỏ, trồng bắp kết hợp nuôi bò vỗ béo cho thu nhập cao.