Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gạo Xứ Nghệ Bao Giờ Có Thương Hiệu?

Gạo Xứ Nghệ Bao Giờ Có Thương Hiệu?
Ngày đăng: 16/12/2014

Gạo xứ Nghệ đã phân phối đi một số tỉnh trong nước và cả thị trường thế giới. Tuy nhiên, điều trăn trở là vẫn chưa xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu gạo xứ Nghệ.

Xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) là vùng đất có tiềm năng, lợi thế lớn về sản xuất lúa nước, có nhiều vùng sản xuất trọng điểm được xem là “vựa lúa” như các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà…, với nhiều giống lúa gạo thơm ngon nổi tiếng.

Ruộng đồng xứ Nghệ được phù sa các sông lớn bồi đắp hàng ngàn năm nên rất màu mỡ, nhiều vùng được xem là “bờ xôi ruộng mật”. Người nông dân xứ Nghệ đã bao đời gắn bó với cây lúa, có bề dày kinh nghiệm thâm canh. Nhiều năm trở lại đây, năng suất lúa vùng này từng bước được nâng lên, người nông dân đã dư thừa gạo để bán ra thị trường.

Gạo xứ Nghệ đã phân phối đi một số tỉnh trong nước và cả thị trường thế giới. Tuy nhiên, điều trăn trở là lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo chưa cao, sản lượng gạo xuất ra thị trường chưa nhiều và đặc biệt là chưa xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu gạo xứ Nghệ, để được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến.

Vài năm trở lại đây, Công ty TNHH Vĩnh Hoà (Yên Thành, Nghệ An) đã sản xuất được giống lúa AC5 có chất lượng gạo thơm ngon, năng suất cao, được người nông dân nhiều địa phương tin tưởng lựa chọn.

Công ty đã tiến hành thu mua cho người dân với giá cao, tiến hành xay xát, đánh bóng và xuất bán ra thị trường nhiều tỉnh với khối lượng có năm lên đến hàng trăm tấn, được chào bán với thương hiệu “gạo xứ Nghệ”.

Được biết, gạo AC5 đã được mang sang chào bán ở thị trường Mỹ. Công ty cũng đang xây dựng thương hiệu gạo thảo dược từ giống lúa VH1 có đặc tính gạo thơm ngon, có các vi chất dinh dưỡng, vitamin...

Cty CP TCty Vật tư nông nghiệp Nghệ An cũng đã sản xuất thành công giống lúa thuần VTNA2 cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon được thị trường ưa chuộng. Công ty có nhà máy xay xát, đánh bóng gạo hiện đại bậc nhất miền Trung, nhưng do lượng lúa thu mua vào còn chưa đủ công suất, lượng gạo bán ra không đủ so với nhu cầu thị trường.

Được biết hiện nay Công ty đang tích cực phát triển các loại giống lúa năng suất, chất lượng cao ra các tỉnh trên cả nước.

So với tiềm năng, lợi thế của địa phương, thì việc xây dựng thương hiệu gạo xứ Nghệ đang là một khoảng trống lớn. Một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, hay mới đây là Campuchia đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu gạo của quốc gia và tầm thế giới. Một khi gạo đã có thương hiệu thì rất thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng, tăng giá bán và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nguyên nhân của việc chưa xây dựng được thương hiệu gạo xứ Nghệ do sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, một số nơi vẫn còn tình trạng quá nhiều giống lúa trên một cánh đồng, trong đó không loại trừ cả những giống chưa bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra có hiện tượng đất trồng lúa bị ô nhiễm do lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu; khâu bảo quản, chế biến chưa bảo đảm qui chuẩn; còn yếu trong khâu tổ chức phân phối, bán lẻ và công tác tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số người dân, DN chưa có ý thức xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo xứ Nghệ.

Để xây dựng thành công một số thương hiệu gạo xứ Nghệ đòi hỏi sự đầu tư bài bản, công phu của các DN và sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước cũng như sự hưởng ứng, đồng thuận của nông dân.

Ông Trương Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty VTNN Nghệ An cho biết: “Để xây dựng được thương hiệu gạo xứ Nghệ, cần: Giống lúa chất lượng cao, cho năng suất cao, gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng; tổ chức sản xuất qui mô lớn để có qui trình chăm sóc đảm bảo yêu cầu kĩ thuật; làm tốt khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và tổ chức phân phối, bán hàng và quảng bá tốt.

Đòi hỏi của thị trường, nhất là thị trường quốc tế, ngày càng khắt khe hơn, không chỉ gạo thơm ngon mà còn phải bổ dưỡng, đẹp, không có dư lượng hoá chất độc hại, bao bì đóng gói phải có hình thức, trang trí độc đáo, ưa nhìn”.

Ông Doãn Trí Tuệ, một chuyên gia về nông nghiệp nói: “Để xây dựng được thương hiệu gạo, cần có các DN có đủ năng lực đứng ra đầu tư một cách bài bản: Từ sản xuất giống, chọn giống, đăng kí thương hiệu độc quyền; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư về phân bón, vật tư và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; bao tiêu và phân phối sản phẩm".

Theo ông Tuệ, trong mối liên kết “4 nhà” thì DN phải đóng vai trò trung tâm, chủ động trong tổ chức sản xuất. Nếu để cho người nông dân tự xoay xở thì không thể tạo ra được thương hiệu gạo. Kiểu buôn bán chụp giật như trộn hai loại gạo với nhau để tăng lợi nhuận cũng sẽ đánh mất thương hiệu gạo xứ Nghệ...

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ DN và nông dân trong qui trình xây dựng thương hiệu lúa gạo như hỗ trợ về vốn, quảng bá, khen thưởng… Và, cần có những giải pháp như hội thảo, tập huấn, ràng buộc về hợp đồng…để người nông dân từng bước chuyển sang phương pháp canh tác khoa học, hiện đại.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/gao-xu-nghe-bao-gio-co-thuong-hieu-post136126.html


Có thể bạn quan tâm

Trồng Cà Tím Giống Mới Lãi 200 Triệu Đồng/ha Trồng Cà Tím Giống Mới Lãi 200 Triệu Đồng/ha

Thời gian gần đây, cà tím giống mới của Thái Lan VIOLET KING 252 cho năng suất cao, được bà con nông dân ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trồng khá phổ biến. Nhờ trồng loại cây này nhiều gia đình đã giàu lên, tiêu biểu là hộ anh Bùi Đình Tuấn, hiện ở khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, với diện tích 3 ha trồng cà tím, thu nhập 600 triệu đồng.

23/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Nhện Ở Bình Dương Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Nhện Ở Bình Dương

Nhắc đến tên của loài rắn này, không ít người nghĩ rằng đây là loài rắn độc, rất khó gần chứ nói gì đến việc thuần chủng, nuôi nhốt. Vậy mà hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (Bình Dương) đã chọn nuôi bởi lợi nhuận rất cao. Tính trung bình, người nuôi lãi ròng khoảng 1 triệu đồng/con/năm.

26/11/2012
Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

23/06/2013
Mô Hình Nuôi Rắn Ri Tượng Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Rắn Ri Tượng Hiệu Quả Cao

Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.

05/08/2013
Mô Hình “Chăn Nuôi Gà Thả Vườn” Hiệu Quả Ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) Mô Hình “Chăn Nuôi Gà Thả Vườn” Hiệu Quả Ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)

Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.

27/11/2012