Gạo Thái Lan đối mặt khủng hoảng

Chính phủ Thái Lan muốn người nông dân chuyển từ trồng lúa sang mùa khô sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn để tăng thu nhập và giảm bớt tình trạng dư thừa sản lượng gạo - Ảnh: Bloomberg.
Đối với Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha, lập lại sự cân bằng cho thị trường gạo và cải thiện thu nhập cho nông dân là những vấn đề chủ yếu trong chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xử lý kho gạo tồn 13 triệu tấn để lại từ thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Trong thời gian cầm quyền, cựu Thủ tướng Yingluck đã chi 25 tỷ USD để thu mua lúa gạo với giá cao nhằm hỗ trợ nông dân, kết quả là kho gạo khổng lồ hiện nay.
“Chính phủ Thái Lan hiện nay chắc chắn sẽ không can thiệp vào giá lúa gạo”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chatchai Sirakulya phát biểu.
“Chúng tôi muốn giá cả biến động phù hợp với cơ chế thị trường. Chúng tôi muốn tập trung hơn vào việc tăng cường sức mạnh cho người nông dân."
Lượng nước ở 4 hồ chứa chính ở các tỉnh miền Trung Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993 do tác động của hiện tượng El Nino. Miền Trung là khu vực chiếm khoảng một nửa sản lượng gạo của Thái Lan trong mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau ở nước này.
“Chúng tôi đang lo ngại về tình hình khô hạn ngày càng căng thẳng”, ông Chatchai cho biết. “Thời tiết này có thể gây thiệt hại cho mùa màng. Chính phủ hy vọng nông dân sẽ không trồng lúa trong mùa khô bởi chúng tôi đã cảnh báo trước họ về tình trạng thiếu nước”.
Bộ trưởng Chatchai cho hay, Chính phủ Thái Lan muốn người nông dân chuyển từ trồng lúa sang mùa khô sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn để tăng thu nhập và giảm bớt tình trạng dư thừa sản lượng gạo.
Tháng trước, giá chuẩn của gạo Thái Lan đã giảm xuống mức 350 USD/tấn, thấp nhất từ năm 2007 - theo số liệu của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.
Năm ngoái, sản lượng gạo của Thái Lan vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 50%, trong khi sản lượng cao su nước này vượt cầu nội địa 7 lần - theo thống kê của Chính phủ Thái.
Sản lượng gạo thô của Thái Lan trong niên vụ 2015-2016 có thể giảm xuống mức 22,98 triệu tấn, thấp nhất kể từ niên vụ 1996-1997 nếu nông dân nước này không cấy lúa trong mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm nay. Mức sản lượng dự báo này giảm 30% so với sản lượng 32,62 triệu tấn của niên vụ trước.
Ngược lại, nếu nông dân Thái vẫn trồng lúa trong mùa khô trên 20% diện tích canh tác, sản lượng gạo thô của nước này có thể đạt 24,69 triệu tấn.
Hiện tượng El Nino đang làm thay đổi thời tiết trên toàn cầu. Trong đó, nhiều phần của khu vực châu Á nóng lên, trong khi mưa lớn xảy ra ở nhiều vùng của Nam Mỹ. Nhiều cánh đồng ở châu Á đang đối mặt nguy cơ trở nên nứt nẻ và mùa màng trên toàn cầu có thể bị gián đoạn.
Chính phủ Thái Lan muốn nông dân nước này chuyển sang canh tác những loại cây trồng giá trị cao mà thị trường đang có nhu cầu, đồng thời giảm sản lượng lúa thông qua chính sách phân vùng cây trồng tự nguyện.
Có thể bạn quan tâm

Thương vụ Việt Nam tại Úc vừa thông tin cho hay, trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng thực phẩm từ các nước có sản phẩm xuất khẩu vào Úc đã phát hiện, cá rô phi của Việt Nam có chất cấm.

Giữa tháng 9-2015, một đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng nguyên nhân đùi gà Mỹ bán giá rẻ trên thị trường Việt Nam có thể là do có sự gian lận thương mại giữa các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam và đối tác xuất khẩu thịt gà của Mỹ.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam chi khoảng 219,03 triệu USD để nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu. Lũy kế đến ngày 15/9, Việt Nam chi 3,96 tỷ USD.

Công nghệ lạc hậu là nguyên nhân khiến nông sản Việt "lép vế" về chất lượng trên thị trường. Có 80 - 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải thông qua các khâu trung gian, dẫn đến các lo ngại về giá cả, mất thương hiệu.

Một dấu hỏi đặt ra là nông sản Việt yếu đến cỡ nào khi mới đây có thông tin giá xuất khẩu chỉ bằng 65% giá bình quân thế giới. Phải chăng có nhiều yếu tố cộng dồn trong chuyện này?