Gắn Tiêu Chí Thủy Lợi Với Hình Thức Tổ Chức Sản Xuất

Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, những năm qua, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) đã tập trung vận động bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông theo hướng đa dạng trong cơ cấu sản xuất.
Nhờ đó, 2 năm trở lại đây, thu nhập của nhân dân tăng khá cao, bình quân 37,6 triệu đồng/người/năm, góp phần không nhỏ đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Về Ðiệp Nông một ngày chủ nhật, đúng dịp xã tổ chức ngày lao động xã hội chủ nghĩa làm thủy lợi nội đồng kết hợp đánh bắt chuột. Người phát cỏ, người vơ rơm rạ, người bắt chuột, không khí lao động trên khắp các cánh đồng thật nhộn nhịp, khẩn trương.
Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Ðiệp Nông cho biết: Ðể có được một vụ đông thắng lợi đòi hỏi phải đáp ứng được các yếu tố về thời vụ, giống, phân bón, đặc biệt là công tác thủy lợi, tưới, tiêu.
Xác định được điều đó, hàng năm, khi triển khai sản xuất vụ đông, Ðảng ủy, UBND xã, HTX tổ chức “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa làm thủy lợi nội đồng” huy động cán bộ, viên chức và toàn thể nhân dân tham gia, trong đó tập trung khơi thông các tuyến mương cấp 3 dẫn tưới đến các ruộng kết hợp bắt chuột thủ công, nhận được sự đồng tình, tham gia tích cực của đông đảo nhân dân. Từ đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho tới các ban, ngành, đoàn thể đều xắn tay cùng bà con nạo vét kênh mương.
Năm 2013, ngày lao động xã hội chủ nghĩa đã thu hút 1.563 người tham gia, khơi thông và nạo vét được 24km mương máng cấp 3, tạo điều kiện tưới, tiêu nhanh trên toàn bộ diện tích cây vụ đông. Năm nay, phong trào cũng đã thu hút được trên 1.800 người, dự kiến khơi thông trên 25km mương máng cấp 3, vượt trên 4km so với kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, để hạn chế thiệt hại cây màu do chuột, hàng năm, xã đều phát động phong trào diệt chuột, tổ chức thu mua với giá 3.000 đồng/con trong 15 ngày, riêng trong ngày lao động xã hội chủ nghĩa, để khuyến khích bà con, giá thu mua lên tới 4.000 đồng/con.
Ở tuổi 83 nhưng cụ Nguyễn Văn Khiêm, thôn Việt Yên 3 vẫn tích cực tham gia lao động, cụ Khiêm cho biết: Với tinh thần làm cho mình, cho chính gia đình mình, cùng toàn Ðảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông, tôi muốn cùng bà con đóng góp công sức cải tạo mương máng.
Ðó chỉ là một trong những biện pháp góp phần đẩy mạnh sản xuất vụ đông của địa phương. Ông Trần Duy Mạc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc mở rộng và phát triển cây vụ đông là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho bà con nông dân và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Theo đó, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, Ðiệp Nông đã chú trọng cải tạo, cứng hóa kênh mương.
Ðến nay, 13,1km kênh cấp 1 đã cơ bản được cứng hóa, trên 35km mương cấp 3 được nạo vét, khơi thông thường xuyên, 11 tuyến bờ vùng với tổng chiều dài 10,7km cũng được bê tông hóa phục vụ tốt nhu cầu tưới, tiêu, đi lại của bà con. Xã đã quy hoạch vùng, bố trí cơ cấu cây vụ đông phù hợp, khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật đưa các cây trồng có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường vào sản xuất.
Ðến nay, nhân dân trong xã đã gieo trồng được 502ha cây vụ đông, trong đó diện tích trồng trên đất 2 lúa đạt 341/360ha. Cơ cấu cây trồng đa dạng: đỗ tương, ngô, khoai, lạc, dưa chuột, rau các loại… trong đó tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.
Vụ đông năm 2014, Ðiệp Nông có 80ha cây màu trồng trên cánh đồng mẫu có hợp đồng bao tiêu trong đó: ngô ngọt 45ha; dưa chuột bao tử 15ha; bí đỏ 15ha; đỗ, lạc 15ha. Nhờ làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm nên nông dân phấn khởi, tin tưởng đầu tư vào sản xuất vụ đông.
Theo ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN, mục tiêu Ðiệp Nông đặt ra là phủ kín cây vụ đông trên diện tích 2 lúa, đưa nước tưới tới từng cây trồng để nâng cao hơn nữa giá trị từ cây màu. Hệ thống mương cấp 1 đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới, tuy nhiên trên 35km mương cấp 3 dẫn tưới từng ruộng chưa được chú trọng đầu tư, còn khó khăn trong sản xuất.
Sản xuất vụ đông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân Ðiệp Nông. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 438,5 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 110,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ước tính hết năm 2014 còn 2,5%.
Ðời sống của người dân được nâng cao, nhờ đó cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ðiệp Nông đã huy động nhân dân đóng góp 4,03 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào hoàn thành hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Ðến nay, 19/19 tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, mục tiêu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2014 đang dần trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm

Nấm mèo, hiện đang là cây trồng chủ lực của bà con “xóm nấm”. “Xóm nấm” do bà con đã quen gọi thành tên, của tổ 5, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), nơi gần như 100% cư dân sinh sống bằng nghề trồng nấm mèo. Nấm mèo của “xóm nấm” cung cấp hầu khắp thị trường toàn quốc và cả xuất ngoại, là nghề mang lại trù phú cho một vùng dân cư.

Xã ven biển Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngư dân thả nuôi sò hơn 800 ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Sò loại 100 - 110 con/kg hiện nay giá bán tại bãi nuôi trên dưới 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Thương lái thu mua sò huyết thương phẩm cung cấp cho những thị trường lớn trong nước như: thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu.

Có một nghịch lý đang tồn tại trong thị trường gà thịt ở Thủ đô Hà Nội là, trong khi gà đồi Ba Vì (dù chất lượng rất tốt, giá cả phải chăng) đang bí đầu ra, người nông dân phải chăn nuôi cầm chừng do thương lái ép giá, thì gà đồi Yên Thế lại thâm nhập vào nội đô với số lượng ngày càng lớn.

Thời điểm hiện nay, nông dân ở các huyện Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch ớt với niềm vui được mùa, được giá. Giá ớt tươi được các thương lái thu mua tại ruộng từ 18.000 - 20.000 đ/kg, cao hơn 3.000 - 5.000 đ/kg so với năm ngoái.

Những ngày này xuống Châu Thành - Long An và Chợ Gạo - Tiền Giang, thủ phủ trồng thanh long ở ĐBSCL đều gặp các chủ vườn với nét mặt rầu rĩ, hoang mang vì một loại nấm bệnh lạ tấn công mà mức độ được ví không khác gì nấm Corynespora gây ra bệnh vàng rụng lá trên cây cao su từng bùng phát ở Đông Nam bộ vào năm 2011.