Gà Vườn Xóa Nghèo Ở Mai Sơn (Yên Bái)

Manh nha từ một vài mô hình nhỏ, đến nay, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa ở Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã phát triển khá mạnh. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, "gà vườn" Mai Sơn giờ đây đã được thị trường biết đến nhờ nuôi "gà vườn", đời sống kinh tế - xã hội của người dân đã được nâng lên, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Chẳng biết từ khi nào, "gà vườn" Lục Yên đã trở thành một món đặc sản ẩm thực với nhiều người. Chỉ biết rằng, gà ở đây có lớp mỡ vàng dưới da, ăn rất giòn, không ngậy, có vị ngọt thơm. Theo nhiều người, sở dĩ gà Mai Sơn nói riêng và Lục Yên nói chung được nhiều người biết đến như vậy là do kết hợp giữa cách chăn nuôi với sự ban tặng của thiên nhiên từ nguồn nước, đất đai đến các phụ sản nông, lâm nghiệp.
"Gà mới nở được nuôi nhốt tại chuồng, khi được 3 - 5 lạng mới thả ra vườn. Cách này vừa giảm chi phí chi phí đầu vào lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Gà nuôi cũng khỏe mạnh và ít dịch bệnh. Chính điều này đã tạo nên hương vị khác biệt, rất riêng của gà nơi đây" - Trưởng thôn Sơn Thượng Đào Ngọc Toản bật mí về phương thức nuôi "gà vườn" Mai Sơn.
Với lợi thế sẵn có, Mai Sơn xác định sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa chính là bài toán xóa nghèo, mở hướng làm giàu cho nhân dân. Trên cơ sở đó, hàng năm, xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, địa phương vận động người dân tăng gia sản xuất, đặc biệt là trồng ngô đồi phục vụ chăn nuôi. Đến nay, toàn xã đã có 525ha ngô đồi (diện tích cả năm) với năng suất 35 tạ/ha. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng mô hình nuôi gà thả vườn.
Anh Tống Văn Lục, thôn Sơn Thượng cho biết: "Gia đình tôi đã chăn nuôi gà thả vườn từ nhiều năm trở lại đây nhưng do vốn ít nên chỉ dừng lại ở vài trăm con. Năm vừa qua được xã vận động cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, tôi đã mạnh dạn mở rộng đàn gà lên 1.000 con". Theo Trưởng thôn Đào Ngọc Toản, phong trào nuôi gà thả vườn ở Sơn Thượng phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn thôn có khoảng 9.000 con gà, chia bình quân mỗi hộ cũng có khoảng trên trăm con gà. Nhờ đó, đời sống của người dân cũng ngày một nâng lên.
Không chỉ ở Sơn Thượng mà các thôn như: Đán Đăm, Sơn Tây, Sơn Nam… việc nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa cũng phát triển mạnh, lúc nào mỗi nhà cũng có sẵn trong chuồng trên dưới trăm con gà thịt. Ông Nguyễn Văn Thậm, thôn Sơn Tây cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên duy trì hàng trăm con gà thịt. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn gà phát triển rất ổn định. Đầu ra thì không lo vì cứ đến lứa là lái buôn lại đến tận chuồng để bắt".
Phong trào nuôi gà thả vườn phát triển mạnh, nhu cầu về con giống cũng tăng lên. Vì thế, ở Mai Sơn đã hình thành Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chuyên cung cấp con giống cho bà con trong vùng và khu vực lân cận. Điều này không những giúp người chăn nuôi giảm được chi phí đầu tư mà còn hạn chế được khả năng lây lan dịch bệnh.
Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tình phấn khởi: "Đến nay, tổng đàn gà của xã đã đạt ngưỡng gần 40.000 con, đàn lợn 4.000 con, trong đó có 14 mô hình chăn nuôi hàng hóa và 500 mô hình chăn nuôi gà theo dạng bán công nghiệp. Nhờ vậy, trong năm qua, đã có 40 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân được nâng lên 12 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt 800kg/người/năm".
Lựa chọn và phát triển đúng hướng, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa ở Mai Sơn đã mang lại hiệu quả tốt. Từ đó đã tạo bước để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 5-8, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cho biết, hiện cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng cà phê rụng trái bất thường tại xã Tam Bố (huyện Di Linh) trong thời gian gần đây.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo để nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế đồi rừng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất là động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) quyết tâm ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập.

Vụ mùa năm 2014, huyện Hoằng Hóa gieo cấy gần 8.000 ha lúa, trong đó chủ yếu là các giống ngắn ngày như BC15, DQ11, Bắc Thơm... Tính đến ngày 31-7, cây lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, lúa đại trà vụ mùa đang ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng.