Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gà Vườn Lên Hương Ở Hậu Giang

Gà Vườn Lên Hương Ở Hậu Giang
Ngày đăng: 26/05/2012

Những ngày gần đây, gà vườn liên tục tăng giá, không chỉ có người nuôi vui mừng mà các tiểu thương kinh doanh gà tại chợ cũng vui lây.

Theo các tiểu thương, yếu tố khiến giá gà vườn trong thời gian qua tăng mạnh là do số lượng đàn nuôi trong dân ở một số địa phương đã giảm, trong đó có việc ảnh hưởng đến thông tin sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở ấp 4, xã Long Trị A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những hộ dân nuôi gà vườn nhiều năm và hiện tại đàn gà của gia đình đã lên đến 600 con gà thịt, giống gà Bến Tre. Anh Mạnh cho biết: “Lúc đầu, thấy nhiều bà con trong khu vực thành công với mô hình nuôi gà vườn nên gia đình mới nuôi thử. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, nên chỉ nuôi khoảng 100 con, tỷ lệ đạt trên 60%”. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh nhận ra rằng nuôi gà vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, có thể thu được lợi nhuận khá cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà vườn mang lại, anh Mạnh đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn nuôi. Ngoài nguồn thu nhập từ việc bán gà thịt, anh Mạnh còn tận dụng những phụ phẩm trong chăn nuôi để bón cho các loại cây trồng, giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất. Một năm trung bình anh nuôi khoảng 3 đợt, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.

Còn ông Huỳnh Ngọc Trung, ở khu vực I, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Ngoài nuôi cá tra, gia đình tôi còn nuôi thêm khoảng 1.000 con gà vườn. Hiện, khoảng 500 con gà thịt trong giai đoạn xuất bán, gà đạt trọng lượng từ 1,3 - 1,5 kg/con”. Gà vườn hiện được thương lái thu mua với giá từ 78.000 - 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước, và tăng từ 25.000 - 30.000 đồng/kg so cùng kỳ. Với mức giá hiện tại, gia đình ông Trung sẽ thu được nguồn lợi nhuận gần 10 triệu đồng từ lứa gà này. Trung bình, mỗi năm ông xuất bán từ 5 - 6 lứa gà, mang về cho gia đình nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất mà người nuôi đang gặp phải là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, công tác tiêm phòng luôn được các hộ chăn nuôi quan tâm, đẩy mạnh. Theo ông Trung, yếu tố quan trọng trong nuôi gà thả vườn là khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ, để gà được khỏe mạnh và sản phẩm được an toàn đến tay người sử dụng.

Không chỉ các hộ chăn nuôi vui mừng mà những tiểu thương chuyên mua bán gia cầm cũng rất phấn khởi. Vì hiện nay gà thịt là sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng và bán với giá cao khoảng 120.000 đồng/kg đối với gà ta làm sẵn, gà thả vườn giống Bến Tre có giá 110.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Diễm Lệ, tiểu thương chuyên mua bán gà, vịt ở chợ Vị Thanh, cho biết: “Từ khi có thông tin về chất tạo nạc trong chăn nuôi heo, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các loại gia cầm. Do đó, việc buôn bán rất thuận lợi. Nếu trước đây, mỗi ngày tôi chỉ bán được từ 30 - 40 con gà, vịt các loại thì hiện nay bán lên đến 50 - 60 con/ngày, từ đó mà thu nhập cũng tăng theo”.

Theo nhận xét của ngành thú y, mô hình nuôi gà thả vườn không đòi hỏi người nuôi phải tốn nhiều thời gian và công sức lao động. Gà là loài gia cầm dễ nuôi, dễ chăm sóc, thời gian nuôi ngắn, trung bình từ 3 - 4 tháng thì xuất chuồng, sản phẩm được nhiều người ưa chuộng nên bán với giá cao. Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý các yếu tố như chuồng trại phải được vệ sinh kỹ, đảm bảo lượng thức ăn, nước uống, chủ động tiêm các loại vắc-xin để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra trong quá trình chăn nuôi.

Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết: Long Mỹ là địa phương có số lượng đàn gà tương đối lớn với 294.325 con, bao gồm gà thả vườn và gà công nghiệp. Trong đó, gà thả vườn chiếm tỷ lệ khoảng 70%, tập trung nhiều nhất ở xã Long Trị và Long Trị A. Hiện nay, gà thả vườn có giá khoảng 80.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi thu được nguồn lợi nhuận từ 30% trở lên. Đối với các loại gia cầm, trạm thú y ở huyện, xã tiến hành tiêm phòng thường xuyên để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Qua theo dõi, nhận thấy nuôi gà vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi có tính khả thi, nông dân đều làm được và hoàn toàn có khả năng làm giàu ngay trên mảnh vườn của nhà mình khi thực hiện mô hình kết hợp. Trong thời gian tới, ngành sẽ vận động các hộ chăn nuôi tham gia vào câu lạc bộ nuôi gà để có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Trên cơ sở đó, góp phần giải quyết vấn đề về con giống, thức ăn và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Có thể bạn quan tâm

Một Mô Hình Nuôi Ếch Thành Công Ở Bến Tre Một Mô Hình Nuôi Ếch Thành Công Ở Bến Tre

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2009, anh Nguyễn Văn Công, ngụ tại ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh (Ba Tri - Bến Tre) đã phát hiện giống ếch Thái Lan khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này. Gần 4 năm qua, gia đình anh nuôi ếch Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao.

20/10/2012
Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Trồng Chôm Chôm Xen Xoài Đài Loan Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Trồng Chôm Chôm Xen Xoài Đài Loan

Do tình trạng các loại cây trồng được mùa mất giá, nên bà con nông dân ở xã Mỹ Lương (Cái Bè, Tiền Giang) đã trồng nhiều loại cây xen kẽ trong vườn nhằm "an toàn hóa thu nhập" khi có biến động về thời tiết, giá cả. Tiêu biểu có mô hình trồng chôm chôm xen xoài Đài Loan của anh Phạm Văn Lương ở ấp Lương Ngãi.

21/10/2012
Trồng Dưa Chuột Lãi Lớn Ở Vĩnh Phúc Trồng Dưa Chuột Lãi Lớn Ở Vĩnh Phúc

Mấy vụ gần đây, nông dân ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) chủ động chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, mang lại thu nhập hơn hẳn các loại rau màu khác.

22/10/2012
Trồng Xoài Thu Nhập Gần 200 Triệu Đồng/năm Ở An Giang Trồng Xoài Thu Nhập Gần 200 Triệu Đồng/năm Ở An Giang

Nông dân Võ Văn Quýt, 60 tuổi, nhà ở dưới chân sườn núi Cấm, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trồng trên 3.500 gốc xoài các loại. Mỗi năm, xoài cho ra trái 1 vụ chính, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài 4 tháng. Nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi của thiên nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Quýt xử lý xoài cho ra hoa, kết trái nghịch vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bán được giá, thu được lợi nhuận cao.

23/10/2012
Khảo Nghiệm Thành Công Dự Án Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Lào Cai Khảo Nghiệm Thành Công Dự Án Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Lào Cai

Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.

24/10/2012