Gà Sao Vật Nuôi Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Phát triển chăn nuôi là hướng đột phá trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ gia đình, trong đó những vật nuôi có giá trị kinh tế cao như con gà sao đã được nhiều người dân lựa chọn.
Chuyện anh Võ Thanh Sang, ở ấp Bình Tân, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang mới đây xuất chuồng bán cho thương lái 200 con gà sao với giá 80.000 đồng/kg, sau 2 tháng nuôi thu lợi nhuận gần chục triệu đồng là đề tài “nóng” của nhiều hộ dân trong xã. Anh Sang là một nông dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt suốt nhiều năm và anh cũng thừa nhận mình đã không ít lần bị thua lỗ với con gà, con vịt.
Lần này, nhờ người bạn giới thiệu đến một hộ nuôi gà sao ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thấy giống gà lạ và giá trị kinh tế khá cao nên đã mua ngay 200 con giống. Qua một tuần chăm sóc, anh thấy giống gà sao dễ nuôi so với giống gà khác mà anh đã nuôi qua.
Theo anh thì gà sao có sức đề kháng dịch bệnh rất cao nên ít bị hao hụt, ngoài ra rất háo ăn, mau lớn, gà con sau 20 ngày tuổi có thể chuyển từ thức ăn tấm cám sang thức ăn công nghiệp hoặc lúa, bắp. Riêng phần chuồng trại cũng đơn giản không cần kiên cố, chủ yếu làm bằng cây lá để gà có chỗ trú mưa, tránh nắng.
Bên trong chuồng gác thêm một số thanh cây ngang để gà đậu, vòng ngoài chuồng có thể dùng lưới chỉ, lưới gân bao bọc luôn cả phần nóc để gà không bay ra được bên ngoài. Chi phí đầu tư cho một chuồng trại có diện tích khoảng 40 - 50m2 đất chỉ vài triệu đồng, nhưng có thể nuôi được từ 150 - 200 con gà, đây cũng là yếu tố thuận lợi cho hộ nghèo ít đất muốn chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, trưởng trại chăn nuôi Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, gà sao có tên khoa học là Bambusicola hay còn gọi là gà trĩ, trĩ sao thuộc họ gà phi có nguồn gốc từ châu Phi. Thịt gà này ăn rất ngon, bổ dưỡng nên được người tiêu dùng ưa thích, lượng gà tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là các quán ăn, nhà hàng.
Cá tính gà sao lúc còn nhỏ rất nhút nhát, sợ người, sợ bóng tối, sợ tiếng động, nhưng khi gà lớn thì có thể bay lên cao cách mặt đất từ 6 - 10m. Ưu điểm của loài gà sao nếu nuôi theo dạng công nghiệp thì gà mái đẻ trứng rất sai, bình quân mỗi con mái có thể đẻ từ 80 - 100 quả trứng, kéo dài trong khoảng thời gian 6 tháng. Mùa đẻ trứng của gà thường bắt đầu vào tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, nhưng nhược điểm của gà sao mái là nuôi giữ con không hiệu quả.
Để duy trì và phát triển giống gà sao bằng công nghệ hiện đại, mỗi tháng trại chăn nuôi con giống của Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang đã cho ấp nở thành công khoảng 1.000 con gà sao, cung cấp theo đơn đặt hàng cho người nuôi ở các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Tây Ninh… với giá 20.000 đồng/con giống. Hướng tới, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sẽ tăng thêm nguồn nuôi gà bố mẹ sinh sản, nhằm đáp ứng đủ con giống cung cấp theo nhu cầu người nuôi.
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết: Mô hình nuôi gà sao của hộ anh Sang thành công là một chuyển biến mới trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã. Hiện nay, các cấp hội, đoàn thể xã đã vào cuộc lập phương án rà soát hộ nghèo, hộ có nhu cầu vay vốn chăn nuôi để gửi về Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Tới đây, địa phương sẽ nhân rộng ra nhiều hộ dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ có thêm công ăn việc làm mới và chắc chắn hộ nghèo trong xã sẽ giảm xuống đáng kể.
Có thể bạn quan tâm

Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.