Gà Đông Tảo trên đất Đơn Dương

Giống gà này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cũng như khẳng định vựa rau Đơn Dương là miền “đất lành” thích hợp với nhiều “sản vật”.
Cường và Minh chăm sóc giống gà Đông Tảo
Tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng chuyên ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, Lê Ánh Bình Minh không đi xin việc như nhiều sinh viên mới ra trường khác mà ấp ủ niềm đam mê nuôi các loại gà quý hiếm.
Gặp nhau với sự “tâm đầu ý hợp” khi Phạm Phi Cường tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đang “mê mệt” các loài chim quý hiếm.
Nên duyên chồng vợ, hai bạn trẻ quyết định “bắt tay” với việc nuôi gà Đông Tảo.
Sau nhiều lần thất bại do mua gà không đúng nguồn gốc, Cường và Minh quyết định ra tận Hưng Yên mua gà giống về nuôi.
Nhưng khí hậu Đà Lạt lạnh khiến giống gà này không thích ứng được.
Thêm một lần nữa thất bại, đôi vợ chồng trẻ quyết định dời trang trại về Đơn Dương, nơi khí hậu ấm áp để gây dựng đàn gà.
Từ 55 con gà giống bắt đầu nuôi vào năm 2014, sau một năm, 50 con gà Đông Tảo trưởng thành đã khiến nhiều người biết đến trang trại gà Đông Tảo tại xã Đạ Ròn của Cường - Minh.
Với chi phí đầu tư ban đầu 124 triệu đồng, trong 700m2 vườn nhà, trang trại gà Đông Tảo của vợ chồng Cường - Minh đã đem lại nguồn thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng cho 4 thành viên trong gia đình.
Với giá thành gà thương phẩm từ 300 - 500 ngàn đồng/kg, sau 8 - 10 tháng nuôi, một con gà nặng từ 3 - 6kg có giá bán khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng.
Ngoài ra, trang trại luôn có 50 con gà đẻ trứng với 2 máy ấp trứng, Cường - Minh không những chủ động được nguồn gà giống, không phải ra tận Hưng Yên mua như trước kia mà còn cung cấp gà giống với giá 100 - 200 ngàn đồng/con.
Trứng gà Đông Tảo cũng được bán với giá 50 ngàn đồng/quả hay 300 ngàn đồng/chục quả.
Tuy vậy, số lượng gà thương phẩm cũng như gà giống, trứng của trang trại vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng quan tâm đến giống gà này.
Anh Phan Minh Tuyển (Phi Nôm, Đức Trọng) là một trong những khách hàng đầu tiên mua gà giống của trang trại Cường - Minh về nuôi.
“Qua tìm hiểu thấy gà từ trang trại của Cường - Minh có nguồn gốc từ Hưng Yên nên tôi yên tâm mua về nuôi.
Được hai bạn tư vấn kỹ thuật nuôi nên 4 cặp gà của tôi phát triển rất tốt”, anh Tuyển cho biết.
Có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm, dai nên gà Đông Tảo từ trang trại của Cường - Minh luôn được các nhà hàng cao cấp đặt hàng.
Hiện tại, trang trại chỉ cung cấp được gà thương phẩm cho một số nhà hàng trong tỉnh và thành phố Phan Rang (Ninh Thuận).
Bên cạnh nuôi gà thương phẩm và gà giống, với niềm đam mê gà quý hiếm, vợ chồng Cường - Minh còn chăm chút cho 3 - 4 con gà kiểng để có thể tham gia các “cuộc thi sắc đẹp” của gà, giá của một con gà kiểng lên tới hơn 10 triệu đồng.
Để có được một trang trại gà Đông Tảo như vậy, Cường và Minh đã nhiều lần “khăn gói” ra tận Hưng Yên ở vài tháng để học hỏi cách nuôi và chăm sóc gà.
Vì vậy, khi trở về trang trại của mình, đôi vợ chồng trẻ luôn có những người nuôi gà kinh nghiệm ở Hưng Yên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật khi cần.
Bởi vậy mà gà của trang trại Cường - Minh ít khi bị bệnh dịch, chất lượng gà thịt, gà giống và trứng luôn đảm bảo.
Đặc biệt với cách xử lý phân bằng vi sinh nên trang trại luôn giữ được môi trường sạch sẽ.
Ngoài các sản phẩm về gà, phân gà sau khi xử lý được bán cho các hộ trồng trọt xung quanh cũng góp phần làm tăng thêm thu nhập.
“Mình nuôi gà Đông Tảo là để thỏa niềm đam mê nuôi chim, gà quý.
Hướng phát triển của mình không chỉ là trang trại nuôi gà mà mình muốn xây dựng thành trang trại sinh thái để mọi người có thể đến tham quan, đồng thời, mình muốn mở một nhà hàng ẩm thực gà Đông Tảo để khách có thể thưởng thức con gà chính tay mình lựa chọn.
Không những vậy, mình sẽ hướng dẫn những hộ xung quanh nuôi giống gà này để có thể xây dựng thành một làng nghề nuôi gà Đông Tảo của Đơn Dương cũng nổi tiếng như gà Đông Tảo Hưng Yên”, Minh chia sẻ.
Hiện nay, có nhiều xe chở gà con đi bán rong được giới thiệu là gà Đông Tảo có giá rẻ hơn gà của trang trại Cường - Minh.
“Để tạo được tính cạnh tranh, trang trại của chúng tôi luôn đảm bảo nguồn hàng chất lượng, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Tôi tin rằng khách hàng sẽ phân biệt được đâu là sản phẩm tốt để lựa chọn”, anh Cường khẳng định.
Gà Đông Tảo còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng với niềm đam mê và tâm huyết của đôi bạn trẻ Cường - Minh trong việc tạo dựng thương hiệu gà Đông Tảo của Lâm Đồng, có thể trong nay mai, ngoài những đặc sản rau, hoa, chè, cà phê… mọi người còn biết đến gà Đông Tảo của vùng đất Tây Nguyên không thua gì gà Đông Tảo Hưng Yên nổi tiếng.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông xuân 2014 - 2015, nông dân Núi Thành đã có được một vụ mùa thắng lợi, dù trước đó thời tiết, sâu bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng.

Cuối tuần rồi, lên huyện Quế Sơn tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Ba Quế Minh, đúng lúc họ đang hì hục khiêng những bao lúa khô trút vô ghè.

Tăng diện tích cây “né hạn” là một trong những giải pháp chống hạn đang được xã Đức Phú (Mộ Đức) tích cực triển khai để đối phó với nguy cơ hạn hán trong vụ hè thu đến. Không chỉ phòng tránh được nguy cơ lúa mất mùa do thiếu nước trong vụ hè thu, mà nhờ đó, Đức Phú còn hình thành nên những “cánh đồng vàng” với doanh thu hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Dù được đánh giá là chính sách mang tính toàn diện để phát triển thủy sản, song việc triển khai thực hiện Nghị định 67 hiện còn không ít vướng mắc. Việc hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn này vẫn còn khá thấp so với nhu cầu của ngư dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 6/27 cơ sở đóng tàu cá đánh bắt xa bờ được UBND tỉnh công bố đủ điều kiện hoạt động. Ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện có thêm 4 cơ sở nữa đang được đề xuất đầu tư nâng cấp cho đủ điều kiện hoạt động.