Gà Đông Tảo Dễ Nuôi, Giá Cao

Sau thành công từ việc nuôi rắn mối, giờ đây, bà Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) lại có thu nhập khá nhờ nuôi gà Đông Tảo.
Những ngày cuối năm, điện thoại của bà Hoa reo liên tục bởi khách đặt mua gà Đông Tảo. Trên website trang trại rắn mối - gà Đông Tảo do con trai bà Hoa điều hành từ TP. Hồ Chí Minh cũng đắt khách không kém. Bà Hoa cho biết, bà vừa đóng hàng gửi đi Cà Mau, Bạc Liêu và TP. Hồ Chí Minh với số lượng 45 con gà Đông Tảo. Với giá 500.000 đồng/con gà giò và 6 triệu đồng/con gà cồ giống 6 tháng tuổi, bà đã thu về gần 30 triệu đồng...
Với số vốn ban đầu 250 triệu đồng, bà Hoa đầu tư nuôi 30 gà mái đẻ, 6 gà cồ giống, 20 gà giò và khoảng 100 gà con (lấy giống từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Chỉ sau 1 năm, bà Hoa đã lấy lại vốn. Năm nay, bà tiếp tục thắng lớn khi thị trường gà Đông Tảo có giá cao và hút hàng. Hiện gà cồ thuần thục có giá 18 triệu đồng/con, mái đẻ 4 triệu đồng/con, gà con mới nở từ 150.000 đồng/con; trứng gà cũng từ 80.000 đồng/quả; gà thịt trên 3kg giao tận nhà có giá 350.000 đồng/kg...
Theo bà Hoa, gà Đông Tảo dễ bán, hầu như ngày nào cũng có người đặt hàng. Một mình bà vừa lo chăm sóc đàn gà Đông Tảo hơn 400 con, lại vừa lo trại rắn mối hơn 50.000 con nên suốt ngày tất bật. Những ngày cận Tết, gà Đông Tảo bán càng chạy hơn. Người mua gà không phải để nuôi mà làm quà biếu. Theo bà, gà bán từng cặp bố mẹ, loại 3kg/con có giá 6 - 7 triệu đồng/cặp, 3,5 - 4kg/con có giá 10 triệu đồng/cặp. Chính vì thế, những con gà lớn luôn hút hàng.
2 năm nuôi gà Đông Tảo đã cho bà Hoa nhiều kinh nghiệm. Theo bà, gà Đông Tảo dễ nuôi, tuy nhiên cần chú ý thời tiết và lứa tuổi gà. Gà con ít lông nên chịu lạnh kém, thời kỳ đầu cần nuôi nhốt, ủ điện cả ngày lẫn đêm, bổ sung các loại vitamin trong khẩu phần ăn để gà khỏe mạnh và có sức đề kháng. Khi gà đạt trọng lượng khoảng 300 - 350g, vẫn cần ủ điện vào buổi chiều và tối. Gà 2 tháng tuổi, lông tơ đã rụng hoàn toàn, có thể đưa ra thả vườn hoặc nuôi ở diện tích rộng. Mùa đông hay lúc nhiệt độ xuống thấp, có thể ủ điện để giữ ấm cho gà... Gà Đông Tảo thích chạy nhảy nên chuồng trại phải rộng rãi. Gà trưởng thành có thể nặng từ 3 đến 6kg. Gà Đông Tảo đẻ trứng trong 10 tháng khoảng 70 quả. Nếu lấy trứng, gà có thể đẻ sai hơn, nhưng nghỉ 2 - 3 ngày mới đẻ lại... Bà Hoa cho biết, nuôi gà Đông Tảo cũng cần thực hiện tốt quy trình tiêm phòng đều đặn.
Được biết, mô hình nuôi rắn mối - gà Đông Tảo đã đem về cho bà Hoa hơn 350 triệu đồng mỗi năm. Mới đây, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã đến thăm trang trại của bà Hoa và chúc mừng sự thành công của bà trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Theo bác sĩ thú y Nguyễn Tường Hải - Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư: Ngày xưa, gà Đông Tảo (hay Đông Cảo) là 1 trong 5 giống gà đặc hữu dùng để tiến vua. Gần đây, người ta đồn thổi nếu cúng gà Đông Tảo trong ngày Tết thì cả năm phát đạt nên giá gà cứ tăng vùn vụt. Với thịt chắc, giòn và thơm, gà Đông Tảo được mọi người ưa chuộng. Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư dự định xây dựng mô hình nuôi gà Đông Tảo để chuyển giao rộng rãi cho nông dân. Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số hộ đã nuôi cho thấy gà khó tiêu thụ và con giống khó đảm bảo thuần chủng. Hiện nay, giá gà vẫn còn là giá ảo…
Có thể bạn quan tâm

Chị Bòng cho biết, thu nhập hàng năm của gia đình chị sau khi trừ chi phí vẫn còn 800 triệu đồng... Là người tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình sinh kế mới của người dân vùng cát trắng xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, chị Hồ Thị Bòng, thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dự án giao đất giao rừng cho người dân chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của lâm trường Lắk – huyện Lắk – Tỉnh Đắk Lắk đã tạo việc làm cho không ít hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk.

Nhờ tính cần cù, chịu khó và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nông dân Lê Văn Nhang (66 tuổi), thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Làm giàu không dễ nhưng cũng không khó với những người có ý chí và nghị lực như anh Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Với nhiều người dân thôn Nhuận Trạch (xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội) thì cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thung là tấm gương vượt khó để làm giàu trên vùng chiêm trũng quê hương.