Gà Đông Tảo, Cá Mú Nghệ Hút Hàng

Cá mú nghệ, gà Đông Tảo đang là những đặc sản hút hàng của nông dân Khánh Hòa cung ứng trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 bởi sự độc đáo, mới lạ.
Cá mú nghệ được các chủ đìa tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) nuôi gần 10 năm nay, giống được nhập từ Đài Loan - Trung Quốc, thời gian nuôi từ 18 - 24 tháng, đến khi xuất bán có trọng lượng từ 15 - 20kg. Trước đây, cá mú nghệ được thương lái thu mua và xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Tết năm nay, ngoài xuất khẩu, cá mú nghệ đang được các đại lý hải sản tại TP. Cam Ranh cung ứng cho thị trường nội địa.
Ông Trần Dũng, người nuôi cá tại phường Cam Linh cho biết, do cá mú nghệ có trọng lượng lớn, giá trị kinh tế cao, khó chia nhỏ theo kiểu cắt lát nên gặp khó khi tiêu thụ trong nước vào ngày thường. Thế nhưng, do cá lớn, thịt trắng, dai, thơm ngon nên rất phù hợp cho các bữa tiệc tất niên. “Hiện nay, giá cá thu mua tại đìa từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, giá mỗi con 2,5 - 4 triệu đồng, tùy theo khối lượng. Năm nay, chúng tôi đã xuất bán được 50 con cho thị trường trong nước” - ông Dũng chia sẻ.
Từ rằm tháng Chạp, các đại lý hải sản bắt đầu bắt cá từ các đìa, sau đó chuyển về nuôi nhốt trong bể để đợi khách hàng. Anh Trần Văn Út, một đại lý hải sản tại TP. Cam Ranh cho biết, cá có thể vận chuyển sống bằng ô tô để giao cho các nhà hàng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước hoặc làm chết, ướp đá để gửi bằng đường hàng không. Chỉ cần chưa đến 10 tiếng thì khách hàng ở Hà Nội đã nhận được cá còn tươi nguyên, đảm bảo chất lượng.
Cận Tết, sau nhiều lần cân nhắc, đắn đo và được bạn bè tư vấn, anh Quý (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) quyết định mua cá mú nghệ để làm quà Tết. Và lựa chọn của anh đã rất phù hợp khi món quà này đã đem lại nhiều niềm vui, ngạc nhiên cho người được tặng từ chuyện con cá to, nặng gần 20kg, đến chất lượng thơm, ngon của thịt cá.
Cá mú nghệ có thể chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, kho nhưng hợp nhất vẫn chính là nấu lẩu. “Tôi mới làm 1 con dùng thử, thịt trắng, ngọt, khách tấm tắc khen ngon. Tiết trời se lạnh, có nồi cá mú nghệ trong bữa tiệc tất niên thì còn gì bằng” - anh Quý nói.
Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, “cơn sốt” gà Đông Tảo xuất hiện mỗi khi Tết đến. Giá của giống gà này luôn ở mức cao ngất ngưởng, có khi đến cả chục triệu đồng mỗi con. Năm nay, trại gà Kiều Hoa ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh lần đầu tiên đưa ra thị trường gần 50 con gà Đông Tảo để bán trong dịp Tết Nguyên đán, và đến nay đã được các khách hàng từ Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đặt mua hết.
Gà Đông Tảo là loài gà quý, từng được tiến vua, có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngày nay, gà Đông Tảo trở thành món ăn xa xỉ, chỉ có trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng, được nhiều người lựa chọn làm quà biếu trong dịp lễ, Tết. Hiện nay, nhiều hộ dân ở nhiều nơi đang nuôi loài gà này nên các thông tin về gà Đông Tảo xuất hiện nhiều trên các trang web, mạng xã hội.
Đặc điểm nổi bật của gà Đông Tảo là đôi chân rất to, có màu hơi đỏ. Ngoài ra, trọng lượng của gà từ 4 - 5kg, da bụng sần sùi, có màu hơi thâm, rất dễ nhận biết bằng mắt thường. Khi nấu chín, thịt gà ăn giòn, giống với màu của thịt bò nấu chín. Tuy nuôi được, nhưng ít khi nào các chủ vườn dám “mạnh tay” làm thịt gà ăn vì giá quá đắt. Bà Đinh Thị Kiều Hoa, chủ trại gà Kiều Hoa cho biết, bà bắt đầu nhập giống 10 con gà Đông Tảo từ Hưng Yên về vào đầu năm 2013.
Tết này, bà cung cấp cho thị trường hơn 50 con gà Đông Tảo. Đây là loài gà mới ở Khánh Hòa nên nhiều người tìm mua. Hiện nay, giá gà thịt dao động từ 400.000 - 500.000/kg. Ngoài ra, giá gà Đông Tảo không chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà còn có nhiều yếu tố khác như đôi chân, màu lông, bộ cánh...
Khách mua làm quà biếu thường chọn gà có đôi chân to, lông màu mật. Dịp này, bà Hoa đã bán được những con gà đẹp với giá cả chục triệu đồng, đặc biệt có 1 con nặng tới 7kg với giá 22 triệu đồng. Tuy nhiên, để nuôi được những con gà đẹp, người chủ phải rất kỳ công, từ khâu chọn phối giống đến chăm sóc tới khi gà trưởng thành và được bán.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2003, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre triển khai trồng thực nghiệm cây mía trên vùng đất gò cao bị nhiễm phèn, mặn của xã Bình Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) với khoảng 2 ha, sau đó, bà con nông dân địa phương thực hiện như một phong trào chuyển đổi cây trồng, bởi cây mía là một cây trồng mới, có hiệu quả thiết thực…

Sau vụ mùa actiso được giá nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, người trồng actiso ở phường 12-Tp.Đà Lạt (nơi có diện tích actiso nhiều nhất Đà Lạt) lại đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay, dù mới chỉ xuống giống từ đầu tháng 5.

Trồng ngô thâm canh mật độ cao (ngô trồng dày) là một biện pháp canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đơn vị diện tích. Tại Anh Sơn (Nghệ An), mô hình này đã triển khai cho bà con sản xuất hơn 1 năm qua với tổng diện tích gần 250 ha. Từ hiệu quả bước đầu, trồng ngô mật độ cao đang mở hướng phát triển mới cho bà con vùng bãi.

Trước thực trạng dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người dân. Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô 6 ao, tổng diện tích là 22.000m². Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,54 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 611 triệu đồng, người dân và doanh nghiệp đối ứng hơn 933 triệu đồng.

Cũng là làm nông, nhưng từ lâu trồng cây bông lài đối với những người ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được xem là một nghề truyền thống. Bởi, cây bông lài được trồng tập trung ở một vài khu vực vùng ven thành phố và hầu hết các hộ trồng lài đều đã có thâm niên trong nghề ít nhất là từ 10 - 40 năm. Nghề trồng bông lài không phải nhọc nhằn một nắng hai sương, nhưng nguồn thu mang lại khá cao và ổn định.