Gà Đồi Yên Thế Vững Chân Ở Thủ Đô

Trong không khí rạo rực của những ngày áp Tết Giáp Ngọ, nhiều gia đình ở Thủ đô lại bận rộn đi sắm Tết. Và món “đặc sản” ưa chuộng là gà đồi Yên Thế.
Một cái tên quen thuộc
Ngày cuối tuần se lạnh, chị Đỗ Thị Mai Hương, phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) hồ hởi ra siêu thị Hiway ở gần nhà mua hai con gà đồi Yên Thế về tiếp đãi bạn bè. Chị Hương biết sản phẩm gà đồi Yên Thế thông qua một người bạn và đã quen dùng được gần một năm nay.
Chị chia sẻ, gà đồi Yên Thế ăn dai, thịt ngon, đậm nên cả nhà ai cũng thích. "Trước đây, tôi rất lo lắng khi nghe thông tin trên báo chí về gà thải loại, gà nhập lậu. Tuy nhiên, gà đồi Yên Thế bán trong siêu thị có tem nhãn, địa chỉ nơi cung cấp rõ ràng nên tôi yên tâm” - chị Hương bày tỏ.
Từ một cái tên xa lạ, ở vùng đất cách xa Hà Nội gần 100 cây số, hơn một năm nay, sản phẩm gà đồi Yên Thế đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều bà nội trợ ở thủ đô. Quầy hàng giới thiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế của Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Giang Sơn (Công ty Giang Sơn- xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy luôn đông khách.
Theo đại diện Công ty Giang Sơn, đơn vị cung cấp gà đồi Yên Thế tại Hà Nội, quầy hàng ra đời từ đầu năm nay, nằm trong chương trình hợp tác giữa Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang.
Đến nay, đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người nội trợ và cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của các nhà hàng, cơ quan, đơn vị…ở Hà Nội. Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 13 (AgroViet 2013) mới đây, mỗi ngày gian hàng gà đồi Yên Thế bán được từ 200-300 con gà.
Gà đồi Yên Thế được làm sạch, đóng gói nguyên con hoặc nửa con. Nhiều người tiêu dùng nhận định, gà đồi Yên Thế có mức giá vừa phải, ổn định và chất lượng tốt nên dễ dàng được ưa chuộng. Được biết, hiện mỗi ngày Công ty Giang Sơn cung cấp ra thị trường Hà Nội khoảng 1 tấn gà thịt sẵn. Sản phẩm gà đồi Yên Thế với tem nhãn, thương hiệu đầy đủ đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại Hà Nội như hệ thống siêu thị Hapro, Metro, Saigon Coopmart Thanh Xuân, Hiway…
Gà đồi Yên Thế còn được đưa về tiêu thụ tại chợ gia cầm Hà Vỹ - chợ gia cầm lớn nhất Hà Nội. Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban Quản lý chợ cho biết, đầu năm nay, số lượng gà đồi Yên Thế về chợ chỉ khoảng 2-3 tấn/ngày. Tuy nhiên, từ tháng 11-2013, sau khi UBND huyện Yên Thế tổ chức ký kết hợp tác trực tiếp với các hộ kinh doanh tại chợ thì số lượng tăng lên nhanh chóng. Chợ hiện có 14 kiốt bán gà đồi Yên Thế với số lượng 4 - 5 tấn/ngày, có hôm đạt 6 - 7 tấn.
Nỗ lực vì thương hiệu
TP Hà Nội là thị trường tiêu thụ sản phẩm rất rộng lớn. Hiện nay, tổng đàn gia cầm của Hà Nội có khoảng 23,4 triệu con, trong đó 14,4 triệu con gà, đáp ứng 60- 65% nhu cầu tiêu dùng, còn lại phải nhập từ các tỉnh.
Do đó, việc đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế về tiêu thụ đã góp phần không nhỏ giải bài toán về nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Mặt khác, chương trình này cũng mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện Yên Thế.
Đứng chân được tại thị trường có sức cạnh tranh rất lớn như Thủ đô Hà Nội đã khó. Thế nhưng việc gìn giữ, phát huy thế mạnh ấy khó hơn bội phần. Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Giang Sơn chia sẻ, Công ty coi bảo đảm chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Toàn bộ các hộ chăn nuôi gà đồi muốn có đầu ra phải bảo đảm nuôi đúng quy trình an toàn sinh học. Quá trình giết mổ, đóng gói cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Tâm lưu ý, đối với sản phẩm gia cầm đã giết mổ không được để bên ngoài quá hai giờ. Nếu không thịt gà sẽ tự hủy, chất lượng không ngon và không bảo quản được lâu.
Không chỉ bảo đảm chất lượng, Công ty Giang Sơn còn quan tâm cả hình thức sản phẩm. Theo đó, khi khách có nhu cầu đặt hàng mua gà cúng lễ, Tết, Công ty sẽ làm sạch và vắt chéo cánh gà đẹp mắt.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả thực phẩm an toàn Hà Nội (Sanbanbuon) cho biết, từ tháng 3-2013, các sản phẩm thịt, trứng an toàn đã được đưa lên sàn giao dịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân Thủ đô. Người tiêu dùng luôn mong muốn có nguồn hàng ổn định, chất lượng cao.
Do vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thương hiệu cho sản phẩm.
Việc đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế về tiêu thụ góp phần không nhỏ giải bài toán về nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm

Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.

Cụ thể, trên diện tích khoảng 56,86ha, Hanoimilk tiến hành trồng cỏ và thức ăn thô xanh, sử dụng những giống mới chất lượng, năng suất cao, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất ra khoảng 10.000 tấn cỏ và thức ăn thô xanh/năm, phục vụ cho việc chăn nuôi giai đoạn đầu khoảng 250 con bò sữa và mở rộng lên thành 2.000 con bò sữa trong giai đoạn tiếp theo. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 110,973 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2014 - quý II/2016.

Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, trong tháng 10, trên địa bàn huyện có 2 nơi phát hiện đàn bò có triệu chứng bệnh lở mồm long móng ở thị trấn Vũng Liêm và xã Hiếu Thành, nhưng đã được khống chế. Trên đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh ổn định, có một số bệnh thông thường xảy ra ở một số nơi như bệnh Gumboro, bại liệt trên vịt,...; không có bệnh cúm trên đàn gia cầm.

Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc nhiều từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi giá các yếu tố này ngày càng tăng cao…