Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gà Bạc Triệu Cháy Hàng Trong Dịp Cuối Năm

Gà Bạc Triệu Cháy Hàng Trong Dịp Cuối Năm
Ngày đăng: 02/02/2014

Với người Việt Nam, gà là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, trong số những sản vật quý hiếm thường dùng để cung tiến cho vua chúa ngày xưa, có 2 giống gà hiện còn được lưu giữ và nhân giống tại Bắc Ninh, đó là gà chín cựa (hay còn gọi là gà Sơn Tinh) và gà Hồ (Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành). Trong thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều người đã không tiếc công sức, tiền bạc săn lùng những giống gà quý này.

Gà chín cựa – từ truyền thuyết đến hiện thực

“Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao” là những sản vật quý báu đã đi vào tiềm thức của mọi người dân nước Việt từ thuở hồng hoang dựng nước của các Vua Hùng. Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, giống gà chín cựa ngỡ chỉ có trong truyền thuyết ấy lại xuất hiện bằng xương, bằng thịt giữa thế kỷ 21 ngay tại miền đất quan họ Bắc Ninh – Kinh Bắc, nơi có lăng mộ và đền thờ Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương.

Sau nhiều năm lặn lội, dày công nghiên cứu, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ hiện đại, chọn tạo, lưu giữ giống gà nhiều cựa quý hiếm này.

Hiện tại, trang trại chăn nuôi gà nhiều cựa của Công ty có trên 60.000 con gà đủ loại, từ gà giống 1 ngày tuổi cho đến gà trưởng thành, gà bố mẹ. Đây là giống gà có giá trị cao, thân hình mảnh dẻ, mắt sáng, mào đỏ tươi như máu. Đuôi mảnh, cong vút tựa cầu vồng; đặc tính hoang dã, ưa chạy nhảy, nuôi chăn thả như gà ta. Riêng cặp chân to, chắc và mọc đều 3 cựa mỗi bên; mỗi cựa dài, ngắn khác nhau mọc nối theo hàng, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu...

Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco lần đầu tiên đưa ra thị trường loại gà quý hiếm này. Dự kiến đến hết tháng 3-2014, sẽ có khoảng 10.000 con gà chín cựa được đưa ra thị trường. Trung bình, một con gà trưởng thành có trọng lượng khoảng 3kg, giá bán 3 triệu đồng/con; những con có hình thức, mẫu mã đẹp, cựa mọc dài và đầy đủ thì giá bán có thể lên tới hàng chục triệu đồng...

Anh Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco chia sẻ: “Có nhiều đơn đặt hàng từ khắp mọi miền tổ quốc gửi về. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển và nhân giống gà nhiều cựa nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và góp phần xây dựng văn hóa tâm linh của người Việt ngày một sâu đậm hơn...”.

Lạc Thổ vang tiếng gà Hồ

Được bao bọc bởi dòng sông Đuống thơ mộng, vùng đất Lạc Thổ (thị trấn Hồ, Thuận Thành) vốn nổi tiếng với truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời. Cùng với tranh dân gian Đông Hồ, gà Hồ là một sản vật quý giá, là niềm tự hào của người dân nơi đây và đã được Viện chăn nuôi Quốc gia công nhận là nguồn gen quý hiếm, di sản quốc gia.

“Đầu công, mình cốc, cánh trai” là câu truyền miệng để nhận biết giống gà này. Gà Hồ có trọng lượng lớn, mào đỏ hoặc hồng như hoa mẫu đơn. Một con gà trống trưởng thành phải đạt trọng lượng từ 4kg trở lên, đầu gộc màu mã mận (màu mận chín) hoặc mã lĩnh (màu đen); mào xít hoặc mào nụ; chân cao tròn và to vừa phải, vẩy mịn; đuôi nơm.

Gà mái ngoài việc có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, phải đạt trọng lượng từ 3kg, lông mang màu mã thó (trắng màu đất thó), mã sẻ (màu lông chim sẻ) hoặc mã nhãn (màu quả nhãn chín). Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng, ăn một lần là nhớ mãi.

Tồn tại qua nhiều thế kỷ, giống gà này dần bị mai một và lai tạp, dẫn đến nguy cơ tiệt chủng. Ông Nguyễn Đăng Chung, chủ nhiệm CLB gà Hồ Lạc Thổ cho biết: “Năm 1992, chúng tôi thành lập CLB gà Hồ Lạc Thổ, là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của những người có niềm đam mê với giống gà cổ này. Đồng thời, CLB tiến hành tuyển chọn, nghiên cứu thêm về các đặc điểm, tiêu chí của giống gà Hồ để dựng lại khuôn mẫu, góp phần lưu giữ và bảo tồn nguồn gen quý hiếm”.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình ông Đỗ Tá Dũng ở xóm Ngõ Trại - một trong những hộ hiện nuôi giữ nhiều dòng gà Hồ đẹp nhất trong số 40 hộ nuôi gà Hồ ở làng Lạc Thổ, ông Dũng chia sẻ: “Gà Hồ có nhiều đặc điểm quý, song lại có những hạn chế nhất định như phát triển chậm, sinh sản muộn, đẻ thưa dẫn đến số lượng hiện nay chưa nhiều, cung không đủ cầu.

Đàn gà của gia đình tôi về số lượng thì nhiều bậc nhất ở Lạc Thổ, nhưng cũng chỉ có khoảng 50 con để cung ứng trong dịp Tết Giáp Ngọ và đều được khách hàng đặt từ trước.

Loại gà thương phẩm bình thường được bán với giá 500.000-700.000 đồng/kg; đặc biệt có một số con gà ưng ý, khách hàng trả giá hơn chục triệu đồng nhưng tôi quyết giữ lại không bán. Chúng tôi nuôi gà Hồ hiện nay cũng chỉ một phần do giá trị kinh tế, còn lại là vì tâm huyết, vì nặng lòng với nét văn hóa quê hương...”.

Dưới sự giúp đỡ của trường Đại học Nông nghiệp I, Viện chăn nuôi Quốc gia cũng như một số dự án trong nước và quốc tế, hy vọng người Lạc Thổ sẽ bảo tồn, nhân rộng và phát triển giống gà Hồ, để tiếng gà Hồ sẽ mãi vang xa...


Có thể bạn quan tâm

Lúa cấp siêu nguyên chủng cho năng suất trên 80 tạ/ha Lúa cấp siêu nguyên chủng cho năng suất trên 80 tạ/ha

Ngày 27/8, tại xã An Nghiệp (huyện Tuy An), Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng Phú Yên tổ chức hội thảo mô hình Sản xuất giống lúa cấp siêu nguyên chủng vụ hè thu năm 2015. Gần 100 đại biểu đến từ các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và Đồng Xuân tham gia hội thảo.

01/09/2015
Hội thảo bình chọn giống lúa chất lượng cao Hội thảo bình chọn giống lúa chất lượng cao

Sáng ngày 27-8, tại ấp 11, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh (BQL) đã tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa. Ông Phạm Hoài An, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ trì hội thảo.

01/09/2015
Triển khai nhiều mô hình thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững Triển khai nhiều mô hình thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững

Vấn đề làm người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung những năm qua nhứt đầu là tình trạng bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu ngày càng khó kiểm soát. Trước tình hình đó, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê triển khai và nhân rộng nhiều mô hình giúp người dân thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế huyện nhà.

01/09/2015
Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cách đây 5 năm, ông Trương Nguyên (49 tuổi) ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi) đã mạnh dạn từ bỏ những loại cây trồng truyền thống như đậu, bắp để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, hồ tiêu… Với cách làm đó đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành mô hình kinh tế điển hình để bà con nông dân học hỏi, làm theo.

01/09/2015
Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững

Ngày 28/8/2015, tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững.

01/09/2015