Ethoxyquin Trong Thức Ăn Tôm Và Biện Pháp Quản Lý

Kết quả thử nghiệm về mức độ tồn lưu ethoxyquin trên tôm nuôi thương phẩm cho phép đưa ra biện pháp quản lý loại hóa chất này hiệu quả hơn, tránh nguy cơ đánh mất những thị trường lớn.
Tình hình sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản
Với giá thành rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao, nên ethoxyquin được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cấm hẳn việc sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản là khó khả thi. Tuy nhiên để đảm bảo sản phẩm nuôi trồng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường NK về VSATTP, cơ quan quản lý cần có những khuyến nghị thích hợp đối với người sản xuất và chăn nuôi đối với việc sử dung thức ăn có chứa ethoxyquin.
Để làm cơ sở đưa ra những khuyến cáo như vậy, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ “Khảo sát và thử nghiệm thời gian tồn lưu của ethoxyquin trong tôm nuôi thương phẩm”.
Đã tiến hành thu mẫu thức ăn tôm tại các đại lý và cơ sở nuôi tôm thương phẩm ở một số địa phương trọng điểm về sản xuất thức ăn và nuôi tôm công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả phân tích 90 mẫu thức ăn được thu tại một số nhà máy sản xuất thức ăn tôm có thị trường cho thấy hầu hết các loại thức ăn (tỷ lệ 92,3% số mẫu) đều có chứa ethoxyquin .
Tuy nhiên, hàm lượng ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm nói riêng giảm dần theo giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, phần lớn có hàm lượng ethoxyquin trong khoảng 58-100 ppm. Chưa phát hiện thức ăn có hàm lượng ethoxyquin cao hơn 128,84 ppm.
Kết quả khảo sát và phân tích cũng cho thấy, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện một số loại thức ăn dùng cho tôm nuôi giai đoạn thương phẩm có hàm lượng ethoxyquin rất thấp (khoảng 27,02 - 79,53 ppb).
Nhóm nghiên cứu đã chọn 6 vùng nuôi tại Bạc Liêu để theo dõi mức độ tồn lưu của ethoxyquin trên tôm nuôi thương phẩm. Kết quả cho thấy, với các loại thức ăn chứa hàm lượng ethoxyquin thấp (27,02-79,53 ppb), dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm là không có (dưới ngưỡng phát hiện của phương pháp và thiết bị) hoặc rất thấp. Đối với các loại thức ăn có hàm lượng cao hơn, tùy thuộc vào nồng độ ethoxyquin trong thức ăn, dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm có thể phát hiện ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dư lượng ethoxyquin trong tôm thương phẩm sẽ bị thải loại hoàn toàn trong thời gian 4-5 ngày sau khi ăn tùy theo hàm lượng có trong thức ăn thử nghiệm.
Thí nghiệm cũng cho thấy, khi thay đổi từ thức ăn có ethoxyquin sang thức ăn không có ethoxyquin, không phát hiện thấy sự ảnh hưởng về sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cũng không có sự khác biệt về hàm lượng tích tụ ethoxyquin và thời gian tồn dư ethoxyquin trong cả tôm sú và tôm chân trắng.
Các biện pháp quản lý
Từ các kết quả thí nghiệm và tham khảo qui định của các thị trường nhập khẩu như Nhật, EU,… các cơ quan hữu quan bước đầu có thể thực hiện một số biện pháp quản lý đối với thức ăn nuôi thủy sản, nhằm hạn chế rào cản về VSATTP của các thị trường nhập khẩu.
Trước hết, cần quy định các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nói chung (kể cả các chất bổ sung vào thức ăn, dầu cá,…) không sản xuất loại thức ăn có hàm lượng ethoxyquin lớn hơn 150ppm và phải ghi rõ hàm lượng ethoxyquin trên bao bì sản phẩm, đồng thời công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Cơ quan quản lý bổ sung chỉ tiêu ethoxyquin trong kiểm tra chất lượng thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.
Đồng thời, cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi việc sử dụng thức ăn có chứa ethoxyquin đúng phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu VSATTP cho sản phẩm nuôi.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh tôm năm 2012 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013, tổ chức tại Bến Tre ngày 12/12/2012, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói Bộ đang đấu tranh để tháo gỡ những khó khăn về vấn đề thị trường, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến ethoxyquin; nhưng phải đấu tranh trên tinh thần để bán được nhiều hàng hơn chứ không phải để mất thị trường. DN và hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng ethoxyquin có trong tôm nguyên liệu, chẳng hạn, cho tôm ăn thức ăn không chứa ethoxyquin trước khi thu hoạch một thời gian. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng tích cực đàm phám với phía Nhật Bản để yêu cầu xem xét lại vấn đề cảnh báo đối với chất ethoxyquin.
Rõ ràng, vấn đề ethoxyquin cần một giải pháp toàn diện, kết hợp cả các mặt kỹ thuật, quản lý, tuyên truyền giáo dục người sản xuất trong nước và phối hợp, đấu tranh với cơ quan quản lý ở thị trường nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Trương Xuân Thiệt đó là một lão ngư quắc thước, vạm vỡ với làn da ngăm rám nắng. Chúng tôi bị cuốn hút bởi những câu chuyện bình dị về biển cả, về những lần ông xả thân cứu các thuyền viên và tình yêu mãnh liệt của ông với biển khơi, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) hiện có diện tích trồng rau trên 146 ha, trong đó có khoảng 21 ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, sản lượng rau hàng năm đạt trên 3.200 tấn; giá trị thu nhập trên 1 ha diện tích canh tác rau đạt từ 100 - 120 triệu đồng, 1 ha rau an toàn đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng.

Sở Công Thương Thái Bình vừa tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, thực phẩm, thủy - hải sản của tỉnh vào thị trường Hà Nội.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cuối năm 2015, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của huyện Hoài Đức sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội.

Hôm nay (ngày 28/5), tại Lào Cai, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ty Thương vụ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức Hội nghị “Kết nối xúc tiến xuất, nhập khẩu nông sản, thủy hải sản và đồ gỗ mỹ nghệ lần thứ nhất năm 2015".