El Nino có thể làm giá gạo toàn cầu tăng mạnh

Giá gạo đã đạt đỉnh vào năm 2012 và giảm từ đó đến nay do tình trạng dư thừa nguồn cung, đặc biệt là của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới Thái Lan.
Ngoài ra, việc đồng tiền của một số nước xuất khẩu gạo lớn mất giá cũng là nguyên nhân khiến giá gạo đi xuống.
Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khô hạn và mối lo về chất lượng gạo Thái sau nhiều năm tích trữ trong kho đang dẫn tới kỳ vọng giá gạo sớm đảo chiều.
“Thế giới đang ở trong một đợt El Nino mạnh. Tình hình thời tiết này có thể ảnh hưởng bất lợi lớn đến sản lượng gạo của Indonesia và Philippines, hai nước nhập khẩu gạo lớn, và cũng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng gạo của Thái Lan. Vì vậy, giá gạo có thể sắp tăng cao hơn”, ông David Dawe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét.
Theo dự báo, năm nay sẽ chứng kiến đợt El Nino tồi tệ nhất kể từ cuối thập niên 1990. Trong đợt El Nino cuối những năm 1990, khu vực Đông Nam Á rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng, trong khi khu vực Bắc Mỹ hứng chịu lụt lội lớn.
Năm nay, El Nino có thể sễ ảnh hưởng lớn tới lượng xuất khẩu gạo của thế giới. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, năm nay có lượng mưa trung bình thấp hơn hàng năm, dẫn tới lo ngại sản lượng gạo sẽ thấp hơn bình thường.
Tại Thái Lan, thời tiết khô hanh và nhiệt độ cao cũng có thể cản trở quá trình sinh trưởng của cây lúa. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng qua, giá gạo tương lai trên sàn Chicago Board of Trade ở Mỹ đã tăng 24,5%. Tuy vậy, sự tăng lên của giá gạo tương lai vẫn chưa được phản ánh trên thị trường gạo giao ngay.
Trong 8 tháng đầu năm, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá gạo hạt dài của Mỹ giảm 10,4%.
Theo một số chuyên gia, sản lượng gạo của Ấn Độ và Indonesia có thể sẽ giữ vai trò quyết định triển vọng của giá gạo trong năm nay.
Nếu sản lượng gạo của hai quốc gia này thấp hơn bình thường, giá gạo thế giới có thể tăng 15-20% trong năm tới.
Mấy năm qua, lượng gạo tồn kho lớn giữ giá gạo ở mức thấp, nhưng tồn kho này đang giảm xuống.
Lượng gạo tồn kho của 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới gồm Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Mỹ và Việt Nam đứng ở mức 41 triệu tấn vào năm 2012.
Theo dự báo, mức tồn kho sẽ giảm xuống 30 triệu tấn trong năm nay, trước khi còn 22 triệu tấn vào năm 2016, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng gạo 2007-2008.
Trong cuộc khủng hoảng gạo 2007-2008, giá gạo tăng gấp 4 lần chỉ trong 4 tháng.
Các chuyên gia hiện đang tranh cãi về việc liệu gạo tồn kho của Thái Lan có suy giảm chất lượng tới mức không còn có thể sử dụng làm thức ăn cho con người.
Năm ngoái, nhà lãnh đạo Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói chỉ 10% trong số 18 triệu tấn gạo mà chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra để lại là trong điều kiện tốt.
Thái Lan đã tích trữ lượng gạo tồn kho khổng lồ từ năm 2011 theo chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân.
Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan mua lúa gạo từ nông dân với giá cao gấp đôi giá thị trường. Đầu năm ngoái, chương trình kết thúc, nhưng số gạo thu mua vẫn tiếp tục được tích trữ trong các nhà kho của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm

Ngư dân Phan Thành ở Phan Rí, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang neo đậu tại cảng cá Phước Tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Chuyến đi biển vừa rồi ông Thành lỗ hơn 100 triệu đồng trả tiền bạn ghe. Ra khơi trong tình trạng thấp thỏm sợ thua lỗ và vì không còn vốn nên ông Thành đành cho thuyền tạm nằm bờ.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” tại các thị trường tiêu thụ lớn, trong khi đó bức tranh của ngành cao su lại nhuốm màu ảm đạm khi mà các chỉ số về sản lượng và kim ngạch đang có chiều hướng sụt giảm mạnh.

Theo đó, không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người hoạt động nghề cá hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể, và đối tượng này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu.

Bà Võ Mai, phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho rằng ngành chế biến trái cây cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng những sản phẩm như mứt thanh long hay nước ép, rượu thanh long... đầu ra gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa quen với những sản phẩm này, nên Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ trong khâu quảng bá sản phẩm trong những năm đầu tiên.

Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây, có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới,…