Được Mùa Vụ Dưa Hấu Cuối Năm

Với giá bán 3.800-6.000 đồng/kg dưa hấu, vụ dưa hấu cuối cùng trong năm của bà con đất cồn (thuộc xã An Thủy - Ba Tri, Bến Tre) được đánh giá là có lãi khá cao. Do đặc thù của vùng đất, từ nhiều năm nay, bà con đất cồn không trồng vụ dưa hấu Tết vì “đụng hàng” với dưa của miền Đông và các tỉnh lân cận.
Về đất cồn trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí Tết như đến rất gần. Trời nắng như nhạt đi, gió chướng thổi mạnh. Trên đất giồng ngoài cồn, bà con đang tất bật chăm sóc cho vụ dưa hấu cuối năm đang vào thu hoạch. Tại cồn Hố, cồn Tròn, cồn Cây Tra (thuộc ấp An Thạnh, An Thới - xã An Thủy) có diện tích khoảng hơn 120ha - vùng đất trồng chuyên dưa hấu và lớn nhất của huyện. Ông Đặng Tấn Công - Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, cho biết vụ dưa đang vào mùa thu hoạch. Năm nay, bà con ngoài cồn vừa trúng giá, trúng mùa dù thời tiết rất khó khăn (do ảnh hưởng của các cơn bão).
Các giống dưa được bà con lựa chọn xuống giống vụ này chịu được gió, nước ngập như Trâu vàng, Rồng xanh, Phù đổng… Anh Võ Văn Lý (cồn Cây Tra) đang chăm sóc hơn 5.000m2 dưa hấu còn khoảng tháng nữa thu hoạch, cho biết, bà con đã bước vào mùa thu hoạch. Ruộng dưa của tôi sẽ thu hoạch vào đợt Giáng sinh (Noel), hy vọng sẽ có giá cao hơn. Với giá hiện ở mức có lãi (3.800-6.000 đồng/kg), vụ dưa này bà con rất phấn khởi.
Anh Chế Văn Tài (cồn Hố) đang thu hoạch gần 8.000m2 dưa hấu giống Rồng xanh cũng phấn chấn cho biết thêm, dù thời tiết vào cuối năm rất bất lợi nhưng vụ dưa của bà con phát triển bình thường, không những trúng giá mà năng suất vẫn đạt ở mức cao (bình quân một công đạt hơn 7 tấn; bà con có lãi hơn chục triệu đồng/công dưa). Nhiều ruộng dưa đã thu hoạch xong, bà con dọn đất và phơi đất, chờ đến cuối tháng Chạp sẽ bước vào vụ dưa đầu tiên của năm 2014 - khoảng tháng 2, tháng 3 thu hoạch (vụ dưa ra Giêng thường có giá rất cao).
Trên vùng đất cồn hai xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú), có gần 250ha - hai địa phương có diện tích dưa lớn của huyện, bà con cũng đang vào mùa thu hoạch dưa cuối năm với giá khá cao, có lãi. Ngoài việc áp dụng phủ bạt, bà con ở hai xã này còn ghép dưa hấu trên gốc cây bầu, giúp dưa chịu được ngập úng, hạn chế tỷ lệ chết, dù trái ít nhưng to hơn.
Có thể bạn quan tâm

Đến cuối năm 2013, diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện Hải Lăng có 435ha, chủ yếu tập trung trên các con sông Ô Lâu, Thác Ma, Ô Giang thuộc các xã Hải Tân, Hải Sơn, Hải Chánh. Trong đó có 120 mô hình nuôi cá lồng, bè; hiệu quả nhất vẫn là mô hình cá chình lồng (28 lồng).

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).