Được mùa vụ đông xuân

Vừa xếp các bao lúa đã phơi khô vào góc kho, ông Nguyễn Chí Quốc ở thôn Long Phú, xã Tam Nghĩa vui vẻ: “Năm ni cứ ngỡ mất mùa do trước đó diễn biến của thời tiết không được thuận lợi cho lắm. Nhưng 5 sào lúa của gia đình tôi lại cho năng suất gần 4 tạ/sào. Với giá lúa hiện nay khoảng 5.800 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi cũng có lãi kha khá”.
Không riêng gì ông Quốc mà nhiều nông dân ở xã Tam Nghĩa cũng bội thu trong vụ lúa đông xuân. Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Trưởng ban Nông nghiệp xã Tam Nghĩa, toàn xã có 450ha lúa đông xuân, sản lượng ước đạt 2.406 tấn với năng suất bình quân đạt 53,47 tạ/ha, tăng hơn so với vụ mùa năm ngoái 0,59 tạ/ha. Trong khi đó, tại xã Tam Xuân 1, mặc dù cuối vụ có rầy nâu gây hại, mưa nắng thất thường nhưng 420ha lúa đông xuân vẫn cho năng suất 52,5 tạ/ha và sản lượng đạt 2.205 tấn.
Theo ông Bùi Văn Gát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, vụ đông xuân năm nay, Núi Thành có diện tích gieo sạ 4.174ha vượt kế hoạch là 174ha. “So với cùng kỳ năm ngoái, năng suất lúa vụ đông xuân bình quân cả huyện giảm 2,69 tạ/ha.
Nguyên nhân là đợt mưa lớn từ 24 đến 27.3 vừa qua, cộng thêm dịch bệnh, sâu rầy trên cây lúa xảy ra khiến nhiều vựa lúa lớn của huyện bị ảnh hưởng như xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Xuân 2… Năng suất lúa ở các xã này bị giảm nên kéo theo năng suất toàn huyện cũng giảm xuống. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra là 50 tạ/ha vẫn vượt kế hoạch và sản lượng ước tính là 21.712 tấn, đạt 108,6% so với kế hoạch” - ông Gát cho biết.
Không riêng cây lúa mà nhiều loại cây nông nghiệp khác như đậu phụng, bắp, sắn… cũng được mùa lớn. Các vùng trồng đậu phụng như Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hiệp, Tam Nghĩa… nông dân đều được mùa. Ông Bùi Văn Gát thông tin: “Toàn huyện có 760ha trồng đậu phụng và đạt sản lượng 1.391 tấn với năng suất bình quân là 18,31 tạ/ha, cây bắp cho năng suất 54 tạ/ha với sản lượng 826 tấn. Riêng các xã miền núi như Tam Sơn, Tam Trà, Tam Thạnh… cây sắn đã trúng lớn với sản lượng 16.900 tấn cho năng suất bình quân 120 tạ/ha”. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện, tuy vụ đông xuân có bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng về cơ bản vẫn đạt kế hoạch đã đề ra và có thể xem là được mùa.
Có được thành công này là nhờ sự chủ động của ngành nông nghiệp cũng như sự chỉ đạo chặt chẽ của các địa phương và sự tích cực chăm sóc cây trồng của bà con nông dân. Ông Mai Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 cho biết, đầu vụ chúng tôi đã chủ động xây dựng 11 cống giao thông nội đồng, nạo vét 700m mương tưới. Đồng thời trong mùa vụ, khi có sâu bệnh, thiếu nước, hoặc mưa lớn gây hại cây trồng ở một số diện tích, chúng tôi đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện để kịp thời ứng phó.
Nhờ vậy, năng suất cây trồng của vụ mùa ở địa phương vẫn được đảm bảo. “Sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, ngành nông nghiệp huyện sẽ triển khai kế hoạch cụ thể để sản xuất vụ hè thu. Trong đó, chú trọng khâu nước tưới, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp, chuyển đổi cây trồng đối với một số diện tích có nguy cơ không chủ động được nước tưới. Ngoài ra, ngành tuyên truyền vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống các loại sâu bệnh thường phát sinh mạnh trong vụ hè thu” - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành Bùi Văn Gát nói.
Có thể bạn quan tâm

Huyện có cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng diện tích cây vụ đông; đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quy gọn vùng sản xuất với từng loại cây trồng, ưu tiên mở rộng diện tích gieo trồng các loại khoai tây, bí đỏ, dưa chuột... để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng.

Từ giống bơ Booth có nguồn gốc ngoại nhập, anh Nguyễn Khắc Ngữ (thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil, Đắk Nông) đã tạo cho mình hướng làm giàu mới giữa vùng đất chuyên canh cà phê.

Ngày 9.10, tại TP.Long Xuyên (An Giang), Sở NN-PTNT tỉnh An Giang phối hợp cùng Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2012 - 2014”. Đây là dự án thực hiện từ tháng 7.2012 tại H.Phú Tân (An Giang) và H.Tân Hiệp (Kiên Giang).

Theo bà Hoàng Thị Mai - phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, thời gian tới TP sẽ mở rộng mô hình này cùng với việc tăng diện tích sản xuất muối trải bạt, thay dần muối đất.

Thanh tra Sở NN&PTNT thành phố đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 300 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hơn 2,7 tấn và gần 200 lít thuốc thú y, hóa chất xử lý trong môi trường nuôi trồng thủy sản, thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.