Được Mùa Dưa Trên Đất Lúa

Tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, hàng trăm hộ dân ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam) triển khai gieo trồng dưa gang và dưa leo trên những chân đất lúa. Nhờ dưa được mùa được giá nên nhiều gia đình có nguồn thu nhập cao.
Cuối tháng 8 dương lịch, gặt 1,5 sào lúa hè thu trên cánh đồng Gò Má xong là bà Lê Thị Tiến (tổ 14, thôn Thanh Ly 2, xã Bình Nguyên, Thăng Bình) khẩn trương làm đất rồi mua hạt giống dưa gang về gieo trồng. Bà Tiến nói: “Dưa gang là loại cây có thời gian sinh trưởng rất ngắn, từ khi trồng đến lúc nó ra hoa kết trái chỉ chừng 45 ngày. Hơn 3 tuần qua tôi đã hái bán 10 đợt trái rồi, chừ tới đầu tháng 12 hái thêm 4 đợt nữa là nhổ dây, cày đất để chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân 2013 - 2014. Vụ này ước thu được 2,2 tấn dưa gang, với giá bán bình quân tại ruộng 7.000 đồng/kg, tổng số tiền kiếm được không dưới 15 triệu đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư chỉ khoảng 2 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho biết, tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, cuối tháng 8.2013 cả trăm hộ dân trên địa bàn xã tổ chức gieo trồng 30ha dưa gang và dưa leo trên những chân đất lúa thuộc các khu vực cao ráo, không bị ngập lụt, úng thủy. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Thanh Ly 2 và thôn Liễu Thạnh. Ông Thanh nói: “Từ giữa tháng 10 dương lịch đến nay, nông dân đã tiến hành thu hoạch rộ 2 loại dưa ấy. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa nhà nông sẽ nhổ phá dây và cày phơi ải đất để chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân. Thực tế cho thấy, vụ thu đông năm nay trồng 1 sào dưa người dân địa phương lãi ròng 6 - 8 triệu đồng, cao gấp 5 - 7 lần so với sản xuất lúa. Việc canh tác theo phương thức gối vụ này đã giúp rất nhiều gia đình có nguồn thu nhập rất cao, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh”.
Không riêng gì xã Bình Nguyên, những ngày qua rất nhiều hộ dân ở thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) cũng hết sức phấn khởi vì được mùa dưa leo. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ thu đông này nông dân nơi đây tổ chức sản xuất khoảng 120 sào dưa leo trên những chân đất canh tác lúa. Nhờ sản lượng đạt khá cao, giá bán liên tục nhích lên nên bình quân 1 sào dưa cho mức lãi ròng 6 triệu đồng. Ông Năm nói: “Vụ hè thu vừa qua năng suất lúa tụt giảm mạnh, trong khi đó ngành chăn nuôi lại quá ảm đạm vì dịch bệnh bùng phát liên miên, giá bán sản phẩm biến động theo hướng tiêu cực khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Bây giờ, được mùa dưa leo, nhiều gia đình đã trút bớt gánh lo cơm áo gạo tiền”.
Có thể bạn quan tâm

Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.

Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL, theo đề án chuyển đổi đất trồng lúa, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu hệ thống sấy, chế biến, giá cả không cạnh tranh…