Được cấp ruộng cũng như không

Ngỡ ngàng “ruộng bậc thang”
Dự án thủy điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây đã đi vào vận hành, khai thác khá lâu. Vậy mà chuyện tái định canh cho người dân nhường đất cho thủy điện này đến nay vẫn chưa…ổn.
Sau bao năm chờ đợi tái định cư, định canh, đến giờ 30 hộ dân thôn Ra Manh, xã Sơn Long đã về nơi ở mới và được cấp đất TĐC. Cụ thể, 15 hộ trong tổng số 30 hộ chọn suất tái định canh của dự án thì được cấp 4.000m2 ruộng bậc thang để trồng lúa nước.
Ngày 25.6.2015, huyện Sơn Tây đã tổ chức cấp ruộng bậc thang cho dân và cấp luôn tiền mua giống, phân bón cho việc sản xuất. Nhưng sau gần 2 tháng nhận ruộng, chưa có cây lúa nào mọc lên trên những đám ruộng này.
Ruộng tái định canh khô khốc, đầy sỏi và đá dăm.
Tại khu TĐC của 15 hộ dân ở khu tái định cư Anh Nhoi 2, ruộng được cấp không thể sản xuất được. Những vòi nước được gọi là “hệ thống thủy lợi tự chảy” nhỏ từng giọt nước. Những mảnh ruộng dường như chỉ toàn cát với sỏi, chẳng có bùn non hay đất thịt...
Là một trong những chủ nhân của mảnh ruộng TĐC khu tái định cư Anh Nhoi 2, bà Phạm Thị Oanh cho biết: “Tôi rất ngỡ ngàng vì cái ruộng bậc thang được cấp. Nó khô ran, sỏi, cát và đá như sân đá banh vậy thì làm sao trồng lúa nước được”. Bà Oanh mong mỏi: “Giờ cho trồng keo thì may ra cây sống nổi!”.
Ruộng không thể gieo sạ, nhưng ngay sau khi cấp ruộng, huyện Sơn Tây đã cấp tiền để người dân mua giống sạ, mua phân bón cho lúa. Số tiền 4 triệu cho “mùa lúa đầu” này giờ chẳng biết đã về đâu?
Sớm “gỡ khó” cho người dân
Làng TĐC Anh Nhoi 2 khang trang. Nếu nhìn bề ngoài thì cứ ngỡ chủ nhân của những ngôi nhà này chắc đời sống khá giả lắm. Sự thực không phải tất cả như vậy, chí ít là 15 hộ mất đất được cấp 4.000m2 ruộng hiện không sản xuất được, đang không có việc làm, thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Ông Trần Minh Tuấn – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Sơn Tây - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư dự án TĐC cho người dân khu dân cư Anh Nhoi 2, cho biết: “Tổng vốn đầu tư dự án khai hoang ruộng bậc thang để cấp TĐC cho 15 hộ dân là 2 tỷ đồng. Ruộng đã khai hoang xong, cấp đến tay dân.
Có hệ thống thủy lợi cung cấp nước về tận ruộng. Thế nhưng có lẽ trong năm đầu tiên việc sản xuất hơi vất vả”.
Thực tế ruộng định canh ấy, để cắm được cây lúa xuống mảnh ruộng không phải chuyện vất vả mà là không khả thi. “Nước sinh hoạt của dân còn không đủ thì lấy đâu ra mà cung cấp cho cây lúa với diện tích đến 7ha” – bà Phạm Thị Oanh, người dân khu tái định cư Anh Nhoi 2 nói.
Ở huyện Sơn Tây, những năm trước cũng đã thực hiện chủ trương khai hoang ruộng bậc thang bằng cơ giới hóa ở xã Sơn Lập. Kết quả sau khi khai hoang mặt ruộng mấp mô, đất mặt bị cào đi hết, lớp sỏi, đá phía dưới không thể làm thành ruộng được. Mặt khác nước không có, rốt cuộc khai hoang rồi lại… bỏ hoang.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước, đặc biệt là nước ở vùng cao ngày càng cạn kiệt, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi cây trồng ở những vùng nước tưới không đảm bảo.
Nên chăng việc TĐC bằng cấp ruộng lúa nước cho người dân cũng cần xem xét cẩn trọng, không nhất thiết phải khăng khăng là ruộng.
Và nếu thế, cái cam kết ban đầu với người dân “mỗi hộ được cấp 4.000m2 ruộng lúa nước” sẽ không thành sự thực.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Sơn Tây cho biết, sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp huyện để triển khai thí điểm trồng lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang này. Sau đó hướng dẫn nhân dân cùng làm theo.
Hy vọng những mảnh ruộng bậc thang này mai này sẽ xanh màu xanh lúa nước, giúp cuộc sống đồng bào Ca Dong Anh Nhoi 2 bớt khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào vườn cây ăn trái tại huyện Chợ Mới (An Giang), nhiều nhà vườn ở xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới) thực hiện trồng xoài ba màu theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Nhiều ngày qua, người trồng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung cũng như thương lái đứng ngồi không yên trước cảnh hàng nghìn xe dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tại Phú Yên, giá dưa liên tục giảm, nông dân và thương lái lại phải đóng nhiều khoản phí do địa phương quy định, khiến họ lâm cảnh lao đao.

Xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay gặp khó khăn đã kéo giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi không có lãi. Chẳng những bị lỗ, hàng loạt hộ nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ… còn bị các doanh nghiệp nợ tiền mua nguyên liệu kéo dài không trả hoặc chỉ trả “nhỏ giọt”, khiến người nuôi khốn đốn…

Vợ chồng anh Lâm Phú Lợi (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã nói như thế về sự đổi thay cuộc sống từ khi nuôi ếch giống đến nay.

Thực hiện tái cơ cấu đối với ngành hàng tôm càng xanh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang triển khai dự án sản xuất lúa hữu cơ và nuôi tôm càng xanh theo quy trình VietGAP giai đoạn 2014 - 2020.