Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dùng chất cấm trong chăn nuôi xử lý nghiêm để tránh hậu quả xấu

Dùng chất cấm trong chăn nuôi xử lý nghiêm để tránh hậu quả xấu
Ngày đăng: 08/08/2015

Cách đây hơn 3 năm, ngành chăn nuôi Đồng Nai đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn cố tình sử dụng chất cấm. Từ các trang trại chăn nuôi lớn đến các hộ nuôi nhỏ lẻ đã bị một phen khốn đốn vì giá heo giảm “tận đáy” trong hơn 1 năm. Do đó, khi phát hiện một số trại heo tại các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành và TP. Biên Hòa, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra phát hiện và truy tận gốc các trại có dùng chất cấm trong chăn nuôi và nguồn chất cấm có từ đâu để xử lý triệt để, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

* Hộ vi phạm nói… không biết

Theo kết quả kiểm tra, các cơ sở vi phạm chủ yếu đều dùng chất cấm tự trộn trong thức ăn chăn nuôi. Khi lực lượng chức năng phát hiện, đều quanh co chối là không biết.

Đại diện cơ sở chăn nuôi của bà Bùi Thị Sáu, KP.6, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Cơ sở tự trộn thức ăn theo công thức của một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi. Các chất trộn trong thức ăn đều được bán công khai ngoài thị trường từ các cơ sở, công ty có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi đoàn kiểm tra đưa kết quả xét nghiệm có tỷ lệ chất salbutamol vượt quá quy định”. Ông Trịnh Văn Nghị, chủ trại heo tại KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Chúng tôi ý thức rất rõ việc vi phạm sử dụng chất cấm tạo nạc cho heo sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nên không cố ý sử dụng chất này. Rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ để tìm ra nguyên nhân nguồn chất cấm này từ đâu?”.

Một số người chăn nuôi sử dụng chất cấm cho heo bởi khi sử dụng chất này, heo có tỷ lệ nạc cao nên được một số thương lái mua với giá cao hơn. Một vài thương lái còn đề nghị người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm và họ sẽ mua heo hơi cao hơn 1 - 2 ngàn đồng/kg, khiến một số hộ vì hám lợi bất chấp quy định cấm của Nhà nước vẫn dùng. Đại diện cơ sở chăn nuôi Nguyễn Thành An, KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), thừa nhận: “Có nhân viên tiếp thị đem chất tạo nạc cho heo đến tận trại chăn nuôi chào hàng. Do họ thuyết phục nên tôi có lấy một ít để sử dụng”.

Một số chủ trang trại nuôi heo lớn tại Đồng Nai bức xúc nói, việc dùng chất cấm là một tội ác trong chăn nuôi, đề nghị tỉnh phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

* Đề nghị xử lý hình sự

Ngày 4-8, trao đổi với Báo Đồng Nai, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho biết: “Sở đã chuyển hồ sơ các trại có dùng chất cấm trong chăn nuôi sang bên Công an tỉnh yêu cầu truy tận gốc chất cấm, xử lý triệt để. Đồng thời, Sở cũng sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ tăng mức xử phạt và coi việc dùng chất cấm trong chăn nuôi như sử dụng ma túy và truy cứu hình sự”.

Cán bộ Chi cục Thú y Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm chất cấm lần 2 tại trại heo của ông Nguyễn Khoa Hồ (KP.6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu).

Ông Đạo cho biết thêm, sẽ đề nghị đóng cửa cấm không cho chăn nuôi với các trại có sử dụng chất cấm. Với những thương lái cung cấp chất cấm rồi mua lại heo có dùng chất cấm cũng sẽ bị xử lý thật nghiêm. Cách đây hơn 3 năm, chỉ một số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi Đồng Nai cũng như cả nước trên 2 ngàn tỷ đồng (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).

“Việc chỉ một số ít hộ dùng chất cấm không xử lý triệt để sẽ giết chết ngành chăn nuôi của tỉnh.Tới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ có văn bản đề nghị tỉnh tăng hình thức xử phạt với các hộ chăn nuôi dùng chất cấm và buộc những trại này phải đóng cửa trong 2 tháng liền không cho xuất đàn. Yêu cầu truy tố hình sự với các hộ dùng chất cấm trong chăn nuôi và cả người bán chất cấm” - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Chí Công cho biết. Tuy nhiên theo ông Công đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài muốn quản lý tận gốc chất cấm, Nhà nước kiểm soát chặt ngay từ khâu nhập khẩu về. Còn cứ để nhập khẩu chất cấm tràn lan như hiện nay thì chẳng khác nào thả gà ra rồi đuổi.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết hiện nay lực lượng thú y đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trại, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để ngăn chặn không cho sử dụng chất cấm. Với những đàn heo phát hiện có chất cấm sẽ giữ lại không cho ra thị trường. Người tiêu dùng dễ dàng phát hiện heo có dùng chất tạo nạc (chất cấm) bằng mắt thường là thịt heo nạc tận đến bì, lớp mỡ rất ít. Với giống heo siêu nạc thịt cũng phải có lớp mỡ khoảng 1,5 - 2cm mới đến bì.

Hiện giá heo mua tại trại chưa biến động nhiều, vẫn ở mức 45 - 46 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi lo ngại nếu không sớm công bố rõ thông tin, minh bạch người sử dụng và không sử dụng chất cấm, có thể giá heo sẽ rớt mạnh như 3 năm trước, gây thiệt hại lớn, làm nhiều người chăn nuôi khốn đốn.


Có thể bạn quan tâm

Lúa ST 5 Không Bán Được Nông Dân Lo Lắng Lúa ST 5 Không Bán Được Nông Dân Lo Lắng

Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.

18/12/2014
Lào Cai Trồng Khảo Nghiệm 6,5 Ha Bí Thiên Thanh Lào Cai Trồng Khảo Nghiệm 6,5 Ha Bí Thiên Thanh

Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.

18/12/2014
Giá Mía Thấp Ỏ Long Mỹ (Hậu Giang) Nông Dân Lỗ Nặng Giá Mía Thấp Ỏ Long Mỹ (Hậu Giang) Nông Dân Lỗ Nặng

Do không có thương lái đến thu mua nên sau khi thu hoạch xong đa phần bà con tự vận chuyển ra nhà máy để bán. Mía cân chỉ đạt từ 8 - 9 chữ đường, với giá 650 - 700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía lỗ 700.000 - 800.000 đồng/công.

18/12/2014
Nông Dân Chưa An Tâm Về Cây Mía Nông Dân Chưa An Tâm Về Cây Mía

Vụ thu hoạch mía năm 2014 - 2015 đã bắt đầu hơn một tháng nay. Theo phản ánh của nông dân nhiều nơi, việc thu hoạch mía năm nay có nhanh hơn so với các năm trước, tâm lý sợ mía khô, sợ mía cháy của bà con nông dân cũng giảm bớt. Có điều - cũng theo lời bà con nông dân, cây mía hiện nay không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nên không tạo được sự an tâm để nông dân có thể tiếp tục gắn bó với cây mía.

18/12/2014
Bình Dương Chuẩn Bị Rau Màu Dịp Tết Bình Dương Chuẩn Bị Rau Màu Dịp Tết

Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống cây trồng kháng sâu bệnh và thời điểm gieo trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế mang lại từ rau màu ngày càng ổn định hơn. Điều quan trọng là từ sự gắn bó của người nông dân với cây trồng, hy vọng người trồng rau màu trong tỉnh sẽ có được một vụ mùa bội thu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới.

18/12/2014