Dưa Tăng Giá Vì... Khan Hiếm

Một tuần trở lại đây, giá dưa bất ngờ tăng mạnh từ 5.000-10.000 đồng/kg, nhưng thật tréo ngoe khi có rất ít hộ trồng dưa thu hoạch vào đúng thời điểm này.
Cánh đồng dưa ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), chỉ cách 1 tháng trước, nơi đây từng là vựa dưa lớn với hơn 100ha nhưng chờ đến chín bủn vẫn chẳng ai đến mua, thì nay các thương lái tìm về đây để hỏi mua từng trái với giá cao chưa từng có từ đầu vụ đến giờ.
Hai ngày nay, chòi dưa của ông Nguyễn Thanh Lý- ngụ xã Bình Chương đặt ở ngay bãi giữa sông Trà bỗng nhộn nhịp cùng tiếng nói cười xôn xao. Gần 2 ha dưa của ông đang đến kỳ thu hoạch và giá bán lên đến 8.000 đồng/kg. “Bãi giữa này có mấy chục hộ trồng dưa nhưng họ trồng sớm, thu hoạch sớm nên giờ còn 1, 2 chòi ở lại đây thôi. Hồi đầu vụ, tôi tưởng mình lỗ nặng khi giá dưa chỉ còn vài trăm đồng. Nhưng may quá, đến khi ruộng dưa nhà tôi chín thì giá tăng đến bất ngờ”- ông Lý vui mừng.
Theo ông Lý, chưa năm nào giá dưa lại tăng giảm kỳ lạ như năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã lãi khoảng 7-8 triệu đồng/sào dưa. “Như mọi năm thì đầu vụ giá dưa sẽ tăng cao. Đến giữa và cuối vụ như bây giờ thì giá dưa cao lắm cũng chỉ 2.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá dưa lại chạy ngược. Đầu vụ thì tụt thảm hại, cuối vụ lại tăng vùn vụt. Thiệt lạ quá!”- ông Lý băn khoăn.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.500ha trồng dưa, thì đến nay chỉ còn khoảng 300ha dưa đang độ thu hoạch. Diện tích còn lại đã được thu hoạch vào đúng thời điểm giá dưa lao dốc. Điều này đã khiến cho hàng nghìn hộ trồng dưa phải thu về một mùa dưa đắng và những khoản lỗ nặng.
Đến khi giá dưa tăng, thì các hộ trồng dưa này lại có chung một tâm trạng “tiếc hùi hụi”. Anh Trần Văn Anh- ngụ xã Tịnh Hiệp đã bán ra 3ha dưa với giá 800 đồng/kg ngẫm nghĩ: “Đúng là cái số mà, cách đây 1 tháng tôi chỉ mong bán được dưa thôi chứ giá bao nhiêu cũng chịu. Giờ nhìn mấy ruộng dưa bên cạnh vừa chín tới đã có thương lái tới hỏi mua ầm ầm với giá cao trên trời mà tiếc quá.”
Giá dưa tăng cao, nhưng dưa hấu lại bắt đầu khan hiếm. Nên có ruộng dưa còn đến 20 ngày nữa mới thu hoạch đã được các thương lái kéo đến đặt mua trước. Thương lái Trần Thị Nguyên- ngụ xã Trà Bình, Trà Bồng cho hay: “Mấy ngày nay phía Trung Quốc yêu cầu khối lượng lớn dưa hấu nên xe chở tới cửa khẩu 1-2 ngày là được đưa qua biên giới tiêu thụ liền. Nên tôi phải tích cực thu mua”
Nhiều người nông dân trồng dưa mừng ra mặt khi ruộng dưa của mình bán được giá so với các hộ thu hoạch trước. Nhưng họ cũng không khỏi lo lắng khi nguồn thu nhập của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thu mua của phía Trung Quốc. “Trồng dưa kiểu này thấy phiêu quá. Khi thì được giá, khi lại rớt thảm hại. Không biết đâu mà lần. Chắc năm sau tôi quay lại trồng lúa cho chắc”- Nông dân Trần Văn Anh than thở.
Tình trạng giá dưa nhảy múa lên xuống, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân như hiện nay đặt ra một vấn đề cấp thiết. Đó là cần phải có một tổ chức với sự hỗ trợ của ngành chức năng để quy hoạch lại diện tích trồng dưa hấu tại các địa phương của Quảng Ngãi, tránh việc trồng ồ ạt và thu hoạch cùng lúc. Theo đó, sẽ bảo vệ quyền lợi của người trồng dưa với giá cả đầu ra ổn định và giảm thiểu tình trạng ùn ứ sản phẩm…
Có thể bạn quan tâm

Huệ đỏ là cây thân giả (giống hành tây). Lá hình giải hẹp, thuôn nhọn, mọc đối nhau thành hai hàng xanh đậm. Cọng hoa tròn to, mọc lên từ nách lá có thể cao đến 20-30cm. Thường mỗi cành hoa có 4 nụ, từ khi nở đến khi tàn khoảng 5-10 ngày, lúc đầu nở 2 hoa vài ngày sau nở tiếp hai hoa còn lại.

Tình trạng phá giá lẫn nhau,chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp không đồng nhất ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra trong hơn 10 năm qua đã dẫn đến hệ lụy khôn lường. Nhiều hộ nuôi cá treo ao, doanh nghiệp chế biến thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng.

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.