Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đua nhau nhổ mì chạy lũ

Đua nhau nhổ mì chạy lũ
Ngày đăng: 26/06/2015

Vì nhổ mì sớm nên giá chỉ có 1.500 - 1.700 đồng/kg, trong khi giá mua gần 2.400 đồng/kg (cho khoai mì đạt 30 chữ bột).

Trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 30 ngàn ha thì đến nay diện tích trồng mì ở đây đã vượt lên gấp đôi, lên gần 60 ngàn ha, bởi thời gian qua giá mì tương đối ổn định nên nhiều nông dân lao vào trồng mì. Trồng mì trên đất cao su, đất mía và kể cả đất ruộng lúa. Trong đó diện tích mì trên đất ruộng theo thống kê sơ bộ đã chiếm hết phân nửa.

Có mặt trên con đường lộ 768 dẫn về hướng UBND xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, chúng tôi thấy một chiếc xe máy cày đang chờ sẵn bên lề, phía dưới ruộng đang có nhiều lao động hối hả chất củ mì dính bùn vào những chiếc cần xé để chuẩn bị quăng lên xe.

Ông Ba Lai, chủ ruộng mì nói, thời tiết năm nay khô hạn và tin rằng có thể xảy ra úng ngập 3 ha mì của mình. Thế nhưng, những trận mưa liên tiếp ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới những ngày qua đã làm ruộng mì của ông bị ngập úng gần như hoàn toàn.

Ngay sáng hôm sau, ông phải huy động đến 20 lao động để nhổ gấp vì nếu để càng lâu, càng thiệt hại do củ mì bị thối không bán được.

Ông nói: "Tui trồng 6 ha mì dưới chân ruộng nên vẫn biết có nguy cơ sẽ ngập nếu có mưa lớn. Ngay từ tháng 3/2015, tui đã làm mương thoát dài 200 m nhưng ngặt ở khu vực này ai cũng phá lúa trồng mì nên thông nơi này thì tắc nơi khác. Hiện nhà máy đang thu mua giá 2.400 đồng/kg đối với mì đủ 30 chữ bột, còn như mì non này chắc chỉ đạt 23 - 24 chữ bột nhưng vẫn phải thu hoạch".

Cách đó không xa là 2 ha mì của Trưởng ấp 3, ông Lê Văn Đạt. Ruộng mì này cũng đang nhổ để chạy ngập (úng). Một lao động đang nhổ mì tại đây cho hay, những ruộng mì bị ngập nước tốn nhiều công thu hoạch, bởi củ mì dính bùn đất kéo lên nặng và khó. Thông thường 1 ha ruộng khô thu hoạch cần khoảng 20 - 30 công lao động thì ruộng mì bị úng phải tăng thêm khoảng 10 công/ha nữa.

Một đại diện của Sở NN-PTNT Tây Ninh khẳng định, từ trước đến nay tỉnh không có chủ trương khuyến khích nông dân thực hiện việc trồng mì trên vùng đất thấp.
"Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ nên trồng mì trên những vùng đất cao, đã được quy hoạch để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Bởi chính người nông dân phải ý thức rõ việc trồng mì trên vùng đất thấp, vùng đất ruộng trước đây là không phù hợp và như thế sẽ dễ gặp rủi ro do mưa và thời tiết bất lợi, bởi mì là loại cây không thể chịu úng ngập", vị này nói.

Vẫn theo ông Đạt, không giống như cây mía có khả năng chịu đựng ngập nước, cây mì chỉ qua ngập nước một vài ngày, cao nhất cũng chỉ 7 ngày là củ sẽ bị thối rữa hoàn toàn, coi như bỏ. Còn nếu thu hoạch sớm thì năng suất thấp. Thông thường mì của ông đạt năng suất từ 40 - 45 tấn/ha, nhưng hiện chưa đến 25 tấn/ha.

Tại một địa điểm trồng mì xen canh với các lô cao su ở ấp 3, anh Lê Tự Chất đang dùng máy để bơm nước từ ruộng mì ra ngoài kênh cho nhân công thu hoạch.

"Trước đây là 1,5 ha đất ruộng, năm 2012 tui phá lúa trồng cao su. Năm ngoái, thấy giá mủ thấp tui đốn ngang ngọn cao su không cho phát triển nữa để lấy đất trồng xen cây mì. Do đất thấp nên cứ mưa dầm là bị úng. Hiện tui huy động khoảng 10 công tập trung nhổ mì nhưng cũng khó vì lao động địa phương thiếu, năng suất chắc chắn bị giảm", anh chia sẻ.

Tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tiếp giáp ranh giới phía Campuchia, ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, diện tích cây mì toàn xã năm 2014 có 1.200 ha thì năm nay tăng lên khoảng 200 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch non chạy ngập là 60 ha.

"Trên thực tế, có nhiều người thua lỗ nặng nề khi ruộng mì bị ngập nước. Bởi bình thường 1 vụ trồng mì phải mất 1 năm, còn như hiện nay chỉ hơn 6 tháng là thu hoạch nên bán giá thấp là đương nhiên.

Thế nhưng, biết đó mà họ vẫn cứ trồng, bởi theo kinh nghiệm trồng mì trên đất lúa thì dễ trúng mùa. Nên vào tháng 7, 8 tới khi thời tiết hay "dính" áp thấp, mưa bão thì nông dân tụi này còn phải đua nhau chạy nhổ mì non nữa...", ông Lợi nói.

"Củ mì "non" đạt 20 chữ bột rất khó chế biến để lấy tinh bột được, vì khi xay ra gần như chỉ thu được toàn xác mì!", một cơ sở chế biến củ mì ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh tiết lộ.

Do bởi diện tích vùng chuyên canh trồng mì ở địa phương đã hết, nên nông dân chủ yếu xuống giống ở những vùng đất thấp mà người dân quen gọi là "mì ruộng". Trong mùa khô mì ruộng phát triển tốt nhưng lỡ gặp mưa nhiều, đất thoát nước kém gây ngập úng cục bộ hoặc toàn phần, buộc phải nhổ sớm nếu không muốn thối củ, vì thế mà người ta đang chạy đua nhổ mì.


Có thể bạn quan tâm

Đường Ninh Hòa Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Đường Ninh Hòa Phát Triển Vùng Nguyên Liệu

Trong niên vụ tới, Cty đã phát triển được vùng nguyên liệu lên 13.000 ha tăng 500 ha so với vụ trước, trong đó tại Khánh Hòa có 8.800 ha, Đăk Lăk có 4.200 ha, sản lượng mía ước đạt 680.000 tấn. Diện tích mía Cty đầu tư là 10.800 ha với tổng số tiền đầu tư 223 tỷ đồng, giá trị đầu tư trồng mới 30 triệu đồng/ha và mía lưu gốc là 20 triệu đồng/ha.

11/08/2014
Trăn, Cá Sấu Giảm Giá Sâu Trăn, Cá Sấu Giảm Giá Sâu

Cụ thể, đối với cá sấu thịt bán nguyên con để lấy da loại 7-15kg/con chỉ còn 230.000 đ/kg, giảm 50.000 -70.000 đ/kg; cá sấu con loại 1 tháng tuổi còn 200.000 đ/con, giảm 100.000 -120.000 đ/con. Còn đối với thị trường trăn lấy da XK, giá giảm từ 200.000 -220.000 đ/con, hiện trăn thịt lấy da, loại 1 năm tuổi giá giảm xuống còn 280.000 đ/kg; trăn giống 1 tuần tuổi còn 260.000 đ/con, giảm 100.000 đ.

11/08/2014
Nuôi Dê Núi, Tạo Sinh Kế Cho Người Nghèo Nuôi Dê Núi, Tạo Sinh Kế Cho Người Nghèo

Nhằm giúp người dân thêm điều kiện thoát nghèo, đầu năm 2012, từ nguồn vốn Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mường Chà đã triển khai dự án nuôi dê núi tại 8 xã: Sa Lông, Mường Mươn, Ma Thì Hồ, Sá Tổng, Pa Ham, Nậm Nèn, Huổi Mí và Hừa Ngài. Tham gia dự án có 493 hộ dân.

11/08/2014
Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ

Vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tận dụng triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thổ nhưỡng... đã giúp nhân dân Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từng bước thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 58%, giảm 4,5% so với năm 2012.

11/08/2014
Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại

“Không chỉ là trưởng bản gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của thôn, bản, giúp đỡ bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, chị Lò Thị Việt ở bản Ho Luông 1 còn là điển hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ thất bại”, đó là chia sẻ của ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa, T.X Mường Lay khi nói về nữ trưởng bản Lò Thị Việt. Cách đây 5 năm, cuộc sống của gia đình chị Việt còn nhiều thiếu thốn.

11/08/2014