Đưa Ngô Lai Lên Vùng Núi Sơn Hà

Việc nhân rộng mô hình trồng ngô (bắp) lai giống LVN 10 của Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng ở địa phương này.
Nhận thấy giống ngô LVN 10 phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng huyện miền núi Sơn Hà, vụ đông xuân 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông huyện đã chọn giống ngô này và triển khai làm điểm tại cánh đồng Nà Rớ, thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao.
Mô hình được thực hiện từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014, trên diện tích 40 sào, với sự tham gia của 40 hộ dân, tổng kinh phí 31 triệu đồng. Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho số hộ tham gia; tổ chức cho người dân làm đất, xử lý đất, bón phân lót, tỉa giặm... theo đúng quy trình. Ngoài ra, trạm còn mời cán bộ thôn, xã tham gia để có sự phối hợp chỉ đạo kịp thời.
Ngay sau khi xuống giống, gặp đợt không khí lạnh kéo dài, tiếp đến trời khô hanh làm cho ngô nẩy mầm không thuận lợi, sâu bệnh phát sinh nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của ngô. Giai đoạn ngô xoắn nõn trổ cờ thì thời tiết lại khô hạn…
Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị tốt, nên những khó khăn, trở ngại trên đã được xử lý khắc phục kịp thời. Nhờ vậy mô hình vẫn thu được kết quả cao. Năng suất ngô đạt trên 56 tạ/ha, gấp từ 4-6 lần so với giống ngô truyền thống.
Ông Đinh Văn Treo - nông dân tham gia mô hình cho biết: Trồng ngô lần này, nhờ làm theo hướng dẫn của cán bộ nên khoảng 2 sào thu được gần 6 tạ. Đây lần đầu tiên gia đình thu hoạch được nhiều ngô như vậy.
Ông Đinh Văn Trung - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà thông tin: Ngoài tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất, mô hình này còn từng bước giúp người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số địa phương, nâng cao nhận thức trong thực hiện hình thức gieo trồng gối vụ, xen canh; tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật; tận dụng nguồn lực sẵn có như đất đai, lao động để có xác định đầu tư phù hợp; góp phần đa dạng hóa cây trồng ở địa phương...
Có thể bạn quan tâm

Mùa thu hoạch cà phê 2014-2015 đã vào vụ hơn một tháng nay. Hàng ngàn lao động từ các tỉnh đồng bằng được những chủ vườn cà phê đưa lên hái cà phê cho mình và những vườn lân cận… Điều đáng mừng là hầu hết đều có thu nhập ổn định, giúp người trồng cà phê yên tâm trong vụ thu hoạch này.

Huyện Điện Biên (Điện Biên) có tổng 1.195ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có nhiều hồ lớn như: Pá Khoang (Mường Phăng); Hồng Khếnh (Thanh Hưng); Hồng Sạt (Sam Mứn); Pe Luông (Thanh Luông)... Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX trên địa bàn phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế.

Hậu Giang có nhiều nông sản có thế mạnh cạnh tranh, tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật sản xuất của người dân còn yếu. Từ đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến chưa nhiều, đúng quy trình nên sản phẩm làm ra chưa đồng đều về chất lượng, năng suất chưa cao. Việc giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến là một vấn đề cần thiết.

Cơ sở để VASEP đưa ra dự báo trên là căn cứ vào tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay đã đạt 2,86 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng ở tất cả các thị trường, còn xuất khẩu cá tra, bạch tuộc đã có dấu hiệu phục hồi.

Từ 8 con hươu vào năm 2004, đến nay, anh Trần Văn Phước ở Thị trấn Tân Phú - Đồng Phú - tỉnh Bình Phước đã gây dựng được đàn hươu, nai hơn 70 con. Đây là nông hộ nuôi hươu, nai lớn nhất tỉnh, thu hút sự quan tâm của nhiều bà con trong vùng đến tham quan và học tập.